Hãy giảm họp, và bớt… nói!

  • 06:11, 18/11/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Có lẽ, đã đến lúc cần nhìn thẳng một thực trạng, rằng quanh chúng ta đã và đang xảy ra sự lãng phí về thời gian lẫn tiền bạc cho khá nhiều cuộc họp không thực sự cần thiết, thậm chí là vô bổ. Vấn đề là, nhiều người đã thấy, nhưng ngại không dám nói! Hãy thử phân tích nguyên nhân:

Đầu tiên, là do “cơ chế” (tạm gọi như thế). Có vẻ như, đang có sự lạm dụng việc thành lập các ban chỉ đạo, ban tổ chức, hội đồng… này kia. Các ban tổ chức, các hội đồng… thì khi có công việc liên quan mới họp, còn ban chỉ đạo thì “đến hẹn” lại…họp: sơ kết 6 tháng (thậm chí 3 tháng), tổng kết năm (vì đã có trong quy chế). Vậy là, có những cuộc họp sơ kết chỉ để bảo đảm quy định, mà hiệu quả rất thấp. Nhất là có nhiều cuộc họp trực tuyến, kể cả cấp trung ương tổ chức, không ít thành phần dự họp ở các điểm cầu chủ yếu nói chuyện riêng hay lướt điện thoại. Trách cứ thái độ người họp ư? Đúng, nhưng chưa đủ. Vì thực tế có những cuộc họp mà nội dung chả liên quan gì lắm đến lĩnh vực mình phụ trách, vậy làm gì để giết thời gian? Không tính cấp xã, chỉ tính từ cấp huyện trở lên, có lẽ không dưới ba chục ban chỉ đạo các kiểu được thành lập. Mà, thành viên mỗi ban chỉ đạo cũng phải hàng chục người (thậm chí có ban chỉ đạo lên tới 30-40 người), kéo theo là các chuyên viên phụ trách. Và hệ quả tất yếu là, không ít lãnh đạo các địa phương, các ngành do kiêm vai quá nhiều nên khó nhớ hết ban chỉ đạo mà mình tham gia! Mà khi đã dành nhiều thời gian cho việc họp, thì chắc chắn thời gian dành cho công việc chuyên môn, đi cơ sở… sẽ ít lại.

Thứ hai, là do người đứng đầu. Không hiếm cơ quan đơn vị người đứng đầu mắc bệnh “nghiện” họp và nói… dai. Có nhiều đơn vị thủ trưởng gần như ngày nào cũng triệu tập họp, mà nội dung chả có gì quan trọng, xét ra với nội dung ấy chỉ cần chỉ đạo qua hệ thống mạng nội bộ là được. Suy cho cùng, là do người đứng đầu thiếu quyết đoán, sợ trách nhiệm cá nhân, nên có mỗi việc cỏn con cũng đưa ra bàn tập thể. Lại có những vị thủ trưởng thích nói, thời gian đặt vấn đề và kết luận cuộc họp chiếm phân nửa thời gian, chưa kể thời gian dành cho các báo cáo tại cuộc họp, thành ra rất ít thành viên dự họp được phát biểu, trao đổi ý kiến…

Khắc phục “bệnh” họp nói trên không khó. Chẳng hạn, ngoài những lĩnh vực, nội dung công việc thực sự quan trọng cần phải họp sơ kết, thì các ngành liên quan chỉ cần góp ý xây dựng báo cáo thật chất lượng là được. Hoặc, tiến hành rà soát tinh gọn thành phần ban chỉ đạo, và với những cuộc họp như triển khai hướng dẫn chế độ chính sách mới chẳng hạn, thì không cần lãnh đạo phải có mặt, mà chỉ cần chuyên viên phụ trách lĩnh vực tham dự là được (để chuyên sâu). Cũng cần hạn chế họp ngoài giờ, ngày nghỉ và có thể cân nhắc miễn họp cho đại biểu vùng sâu vùng xa vì đi lại vất vả (tất nhiên trừ trường hợp cần thiết). Đặc biệt, giảm họp nội bộ, tăng chỉ đạo qua hệ thống mạng LAN, nói ít làm nhiều, không ngại va chạm… mới là phương cách cần có của người đứng đầu thời chuyển đổi số. Đó cũng chính là góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
P.V

tin liên quan

Tình nghĩa đồng bào...
Tình nghĩa đồng bào...

(QBĐT) - Trong và sau lũ lụt, truyền thống đùm bọc, tình nghĩa đồng bào luôn được sẻ chia. Và đâu đó, những câu chuyện ấm tình người trong mưa lũ hiện diện khắp nơi…

Cải cách thủ tục hành chính, góp phần tăng thu ngân sách
Cải cách thủ tục hành chính, góp phần tăng thu ngân sách

(QBĐT) - Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình luôn xác định công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thành các kế hoạch đề ra, tăng thu ngân sách nhà nước. 

Quảng Ninh: Đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với thanh niên
Quảng Ninh: Đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với thanh niên

(QBĐT) - Sáng 15/11, huyện Quảng Ninh tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với thanh niên trên địa bàn.