Nỗ lực vì lợi ích chính đáng của người nông dân

  • 08:10, 14/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân (HND) Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và Nghị quyết Đại hội HND tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028, HND tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Công tác hội và phong trào nông dân có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đời sống nông dân và diện mạo nông thôn không ngừng khởi sắc.

Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội HND tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028, hoạt động hội và phong trào nông dân luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và hướng về cơ sở, gắn bó với đời sống, sản xuất của hội viên, nông dân (HVND). Một trong những nội dung trọng tâm là thu hút nông dân gia nhập tổ chức hội. Để làm tốt nhiệm vụ này, HND các cấp đã sâu sát cơ sở, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực với tinh thần tất cả mọi hoạt động phải góp phần mang lại lợi ích chính đáng cho người nông dân, để nông dân tự nguyện gia nhập tổ chức hội, xem tổ chức hội là ngôi nhà chung tin cậy, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh (SXKD), đồng hành vượt qua khó khăn, thách thức. Toàn tỉnh hiện có trên 160.000 HVND sinh hoạt ở 1.249 chi hội, 150 cơ sở hội.

Xác định trách nhiệm và thấu hiểu những mong muốn của HVND, đội ngũ cán bộ hội các cấp đã phát huy tốt vai trò đồng hành cùng nông dân trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong SXKD. Các hoạt động hỗ trợ HVND đa dạng từ tạo vốn vay, việc làm, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình SXKD hiệu quả…

Nông dân thôn Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn) phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh.
Nông dân thôn Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn) phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh.

Để nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ HVND, HND các cấp chú trọng các giải pháp nâng cao trình độ, kỹ năng cho HVND bằng hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế…

Bên cạnh đó, việc tạo mối liên kết chặt chẽ giữa HVND thông qua việc thành lập các câu lạc bộ, tổ hội, chi hội nghề nghiệp, là những tổ chức có quy mô nhỏ, mô hình phù hợp, hoạt động hiệu quả, đã tăng cường sự gắn bó giữa HVND. Toàn tỉnh hiện có 312 tổ hội, 54 chi hội nghề nghiệp đã góp phần đổi mới hoạt động hội, tập hợp được những HVND có chung mục đích, sở trường cùng đồng hành, tạo động lực thúc đẩy các chi hội, tổ hội ngày càng phát triển. Việc phân công nhiệm vụ của các thành viên chi hội, tổ hội nghề nghiệp cũng từng bước đưa hoạt động SXKD của HVND theo hướng chuyên môn hóa, phát huy được năng lực của mỗi thành viên.

Cùng với những giải pháp nêu trên, tạo nguồn vốn cho HVND trong SXKD là yếu tố rất quan trọng mà các cấp hội luôn quan tâm, trăn trở. Hiện, HND tỉnh đang đề xuất tỉnh thông qua Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh thành lập năm 1996, đến nay doanh số cho vay đạt gần 290 tỷ đồng với trên 7.200 lượt hộ vay. Dư nợ đến thời điểm tháng 7/2024 là 45.690 triệu đồng. Đây là một trong các quỹ tài chính nhà nước hoạt động hiệu quả, khẳng định vai trò trong việc kết nối, tập hợp HVND cùng ngành nghề, lợi ích, khát vọng làm giàu; hỗ trợ vốn cho HVND tiếp tục phát triển SXKD, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.  

Với những lợi ích nêu trên, đề án được thông qua sẽ giải được ”bài toán” về vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi cho HVND trong SXKD, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, là động lực quan trọng để các hộ nông dân SXKD giỏi mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến... Đây cũng là điều kiện quan trọng để đoàn kết, tập hợp nông dân vào tổ chức hội, góp phần xây dựng hội và phong trào nông dân ngày càng vững mạnh.

Cùng với sự đồng hành, sự hỗ trợ hiệu quả của HND các cấp, nông dân Quảng Bình đã xây dựng nông thôn mới thành công với nhiều “miền quê đáng sống”.
Cùng với sự đồng hành, sự hỗ trợ hiệu quả của HND các cấp, nông dân Quảng Bình đã xây dựng nông thôn mới thành công với nhiều “miền quê đáng sống”.

Những nỗ lực trên đã và đang từng bước góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả khả quan vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ. HND các cấp đã tích cực đồng hành cùng HVND tháo gỡ bằng nhiều giải pháp, trong đó, tạo điều kiện thuận lợi để HVND tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương để thẳng thắn chia sẻ về những “rào cản”, “điểm nghẽn” cần được khơi thông là một trong những giải pháp được chú trọng.

Chủ tịch HND tỉnh Trần Tiến Sỹ: Việc thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị và nghị quyết đại hội HND các cấp nhiệm kỳ 2023-2028 được triển khai theo hướng hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp của HVND. Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực khẳng định vai trò của mình để mang lại nhiều lợi ích nhất cho HVND, thu hút ngày càng nhiều nông dân tự nguyện gia nhập tổ chức hội, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng phát triển.

Cuối tháng 9/2024, hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2024 đã được tổ chức. Để hội nghị thành công, cán bộ HND các cấp đã tích cực đồng hành, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của HVND. Từ 265 câu hỏi của HVND toàn tỉnh, HND tỉnh đã tổng hợp thành 97 ý kiến. Các ý kiến tập trung vào các lĩnh vực, gồm: Chủ trương, chính sách; quản lý đất đai; nuôi trồng, khai thác thủy sản; môi trường nông thôn; nguồn vốn phục vụ SXKD; xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ tiêu thụ nông sản; xây dựng nông thôn mới…

Những câu hỏi của HVND sau khi được tổng hợp đầy đủ, khoa học đã được chuyển cho các cơ quan, địa phương liên quan xem xét, trả lời và tiếp tục được làm rõ tại hội nghị đối thoại. Việc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tỉnh, là hoạt động quan trọng tạo điều kiện cho HVND được chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong SXKD, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nông dân.  

Ngọc Mai

tin liên quan

Đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở
Đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở

(QBĐT) - Phát huy truyền thống vẻ vang 94 năm công tác dân vận của Đảng, đội ngũ cán bộ dân vận các cấp trong tỉnh đã luôn nỗ lực, chủ động trong công tác tham mưu, quyết tâm đổi mới thực chất, toàn diện nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Trao 90 suất quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Trao 90 suất quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn

(QBĐT) - Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Từ ngày 9-24/10/2024, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tổ chức các buổi làm việc với LĐLĐ 8 huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình hoạt động công đoàn và kết quả thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động.

Tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, giai đoạn 2021-2024
Tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, giai đoạn 2021-2024
(QBĐT) - Ngày 12/10, tại tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức "Hành trình sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên" và tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, giai đoạn 2021-2024.