Nghị quyết... từ lòng dân-Bài 3: Cây lúa lên non... thắm nghĩa, thắm tình!
06:09, 24/09/2024
(QBĐT) - Gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) hơn 20 năm, những người làm báo Đảng chúng tôi đôi lúc tự hỏi: Cây lúa nước “bén duyên” cùng người Bru-Vân Kiều, người Mã Liềng, người Khùa, Mày, Ma Coong từ bao giờ? Già làng Nguyễn Văn Linh, đảng viên gần 40 năm tuổi đảng, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Sắt, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) khẳng định “Khi già vào khai hoang, lập nên bản Sắt năm 1986, đã làm được lúa nước”. Già làng Nguyễn Văn Ba, bản Còi Đá, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) nhớ lại “Thời điểm già vận động bà con ngăn con suối Nước Lạnh đắp đập thủy lợi, trồng lúa nước hai vụ là năm 1982”... Khi “bén duyên” với ĐBDTTS..., cây lúa nhanh chóng đi vào nghị quyết của các cấp ủy đảng. Câu chuyện cây lúa nước lên non dài lắm. Dài như hành trình hướng Đông, định canh định cư, thoát nghèo của đồng bào vậy!
Dọc theo núi rừng Trường Sơn từ Bắc vào Nam, dễ dàng bắt gặp những cánh đồng lúa do ĐBDTTS làm chủ: Tại bản Cáo, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) của người Mã Liềng; ở bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) của đồng bào Khùa; cánh đồng Rục Làn, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) của người Rục...Sâu hơn vào phía Nam, người Bru-Vân Kiều tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh) canh tác lúa nước ở những bản Khe Cát, Cổ Tràng, Sắt, Trung Sơn, Bến Đường, Đá Chát.
Các bản Lâm Ninh, Khe Dây, Khe Ngang, Hang Chuồn thuộc xã Trường Xuân (Quảng Ninh), đồng bào Bru-Vân Kiều duy trì ổn định lúa nước hai vụ. Trên địa bàn huyện Lệ Thủy, người Bru-Vân Kiều bản Đá Còi, Cẩm Ly, Khe Giữa (Ngân Thủy); Bạch Đàn, Tân Ly, Eo Bù-Chút Mút (Lâm Thủy) cuộc sống của đồng bào ấm no hơn nhờ biết canh tác lúa nước.
Ngược thời gian, năm 2010, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội về thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Bình. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cùng với lãnh đạo huyện và tỉnh tháp tùng đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm một số bản đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã miền núi Trường Xuân.
Già làng Hồ Via giữa cánh đồng lúa nước nặng nghĩa tình ở bản Tân Ly, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy).
Đồng chí Trần Hải Châu nhớ lại: Thăm bản văn hóa Khe Dây, biết đồng bào không còn phá rừng làm nương rẫy, sống định canh định cư, đoạn tuyệt với phương thức sản xuất lạc hậu chặt-đốt-cốt-trỉa, chuyển sang phương thức canh tác lúa nước, lại liên tiếp nhiều năm được mùa, bảo đảm nhu cầu lương thực hàng ngày. Từ thành công mô hình lúa nước bản Khe Dây, Đảng bộ xã Trường Xuân xây dựng hẳn nghị quyết chuyên đề, tập trung chỉ đạo toàn hệ thống chính trị nhân rộng mô hình lúa nước ra các bản Lâm Ninh, Khe Ngang, Hang Chuồn... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng rất vui mừng, xúc động, biểu dương tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm của đồng bào.
“Chuyến thực tế năm 2010 và sau này, trong những lần thăm, làm việc với tỉnh Quảng Bình trên cương vị công tác mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có những ý kiến chỉ đạo riêng về chăm lo đời sống cho ĐBDTTS. Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sớm hình thành, ngoài yêu cầu tất yếu thực tiễn tình hình đời sống ĐBDTTS, còn có xuất phát điểm từ tình cảm sâu nặng, những ý kiến khơi gợi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, đồng chí Trần Hải Châu chia sẻ.
Ân tình cây lúa lên non
Câu chuyện cây lúa nước lên non, giúp cuộc sống ĐBDTTS đổi thay chất chứa bao ân tình. Ân tình của Đảng, Bác Hồ, các cấp ủy đảng, chính quyền với đồng bào; ân tình giữa miền xuôi và miền ngược; trong đó ân tình sâu đậm nhất dành cho những người lính quân hàm xanh-lực lượng bộ đội Biên phòng (BĐBP) trên tuyến biên giới rừng.
Khi chúng tôi thực hiện chuyến hành trình thăm những cánh đồng lúa ấm no giữa đại ngàn Trường Sơn, vẫn nhớ như in hình ảnh đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh vào thời điểm năm 2010, khi cánh đồng Rục Làn đang dần thành hình hài. Lúc này anh đang là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng, đứng chân tại bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của đồn lên rừng chặt cây bổi về ủ phân xanh cải tạo cho đồng ruộng. Người đồn trưởng quần xắn cao quá gối lội bùn cùng lính cày cày, cuốc cuốc, đắp đập, be bờ chuẩn bị cho vụ gieo sạ đầu tiên.
“Duyên BĐBP với cây lúa nước giúp ĐBDTTS phải tính từ điểm khởi đầu ở bản Tân Ly, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) năm 2009, diện tích khoảng 3ha. Sau thành công của mô hình lúa nước bản Tân Ly là cánh đồng Rục Làn năm 2010, diện tích 10ha giúp đồng bào Rục, Sách ở 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa. Kế tiếp, nhân rộng mô hình tại bản K-Ai năm 2011, diện tích 5ha. Đến hôm nay, có thể tự hào rằng, các mô hình lúa nước do BĐBP chủ trì giúp bà con đều thành công, góp phần ổn định an ninh lương thực tại chỗ. Với phương châm “bốn cùng”-“bắt tay chỉ việc”-“chuyển giao”, đồng bào tại các địa bàn hưởng lợi dần làm quen với phương thức sản xuất mới, áp dụng máy móc, khoa học, kỹ thuật vào sản xuất”, đại tá Trịnh Thanh Bình cho biết.
Cây lúa lên non dệt những mùa vàng.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Lâm Thủy Hoàng Kim: Để hình thành mô hình lúa nước bản Tân Ly, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Đồn Biên phòng Làng Ho huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ với trên 1.000 ngày công lao động cùng đồng bào tiến hành cải tạo hơn 22.000m2 đất ruộng nước; sửa chữa, nâng cấp đập thủy lợi Tân Ly; nạo vét 120m kênh mương thủy lợi, đắp 550m bờ ruộng, trồng 700 gốc dứa và hệ thống tre xanh chống xói lở; làm mới 250m đường giao thông từ trung tâm bản vào nơi sản xuất lúa nước. Vụ lúa đầu tiên, bản Tân Ly gieo cấy gần 3ha, năng suất đạt 3,5 tấn/ha, đánh dấu điểm khởi đầu về một sự đổi thay.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long ghi nhận: Trong 14 năm đưa cánh đồng Rục Làn vào sử dụng, biết bao công sức, mồ hôi BĐBP đã đổ xuống mới có được hạt vàng no ấm như ngày hôm nay. Bây giờ, người dân bản Mò O Ồ Ồ học được cách điều khiển máy cày làm đất; biết tự ngâm ủ giống lúa, triển khai gieo trồng đúng lịch thời vụ; tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho lúa; chú trọng làm cỏ cho đồng ruộng để lúa sinh trưởng tốt theo hướng dẫn của cán bộ biên phòng...
Chúng tôi trở lại bản Tân Ly vào trung tuần tháng 9, khi lúa vụ hè-thu rộ vàng bước vào mùa gặt. Ở Tân Ly bây giờ, đường ra đồng rải nhựa phẳng lỳ nối trung tâm bản với các cánh đồng lúa nước Tân Ly 1, Tân Ly 2, Tân Ly 3. Trưởng bản Tân Ly Hồ Văn Ngọc (SN 1985) cho biết: “Diện tích lúa nước của bản tăng lên 4,5ha. Năm nay nhờ khí hậu, thời tiết thuận lợi nên hai vụ lúa đều được mùa”.
Trên cánh đồng lúa chín rộ, gặp vợ chồng già làng Hồ Via (SN 1949) đang thu hoạch lúa. Vui câu chuyện về “cây lúa, đời người” của đồng bào Bru-Vân Kiều Lâm Thủy, già Hồ Via khoe: “Già là một trong bảy người khai hoang, lập bản đầu tiên, cũng là người đầu tiên tham gia trồng lúa nước với diện tích hơn 5 sào. Các con thành vợ, thành chồng, già cho mỗi đứa mỗi sào làm của hồi môn. Bây giờ chỉ giữ lại khoảng hơn 1 sào thôi. Liên tiếp mấy năm, lúa được mùa, thu hoạch khoảng 7 bao lúa, đủ hai vợ chồng no cái bụng”.
Trải qua bao biến thiên, thăng trầm trên hành trình di cư từ Quảng Trị ra, già Hồ Via nếm trải hết các cung bậc khó khăn, gian khổ về một giai đoạn sống du canh, du cư của người Bru-Vân Kiều dọc một dãy Trường Sơn. Giữa cánh đồng trĩu nặng hạt lúa vàng, tiếng già Hồ Via sang sảng: “Cuộc sống đồng bào bản Tân Ly không còn đói cái bụng nữa mô. Tất cả đều nhờ vào cây lúa nặng ân tình!”.
Thượng tá Nguyễn Thái Dương, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng chia sẻ: Nghị quyết số 345-NQ/ĐU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác Biên phòng và xây dựng Đảng bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng trong sạch, vững mạnh tiếp tục quán triệt thực hiện các nội dung trọng tâm, trọng điểm: Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho các cấp ủy trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS, miền núi giai đoạn 2021-2025; đặc biệt duy trì hiệu quả mô hình lúa nước Rục Làn.
(QBĐT) - Sáng 23/9, đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Bình lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029 tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, báo công tại Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh (TP. Đồng Hới); viếng Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc (xã Lý Trạch, Bố Trạch).
Phát biểu tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 14/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; triển khai có hiệu quả quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng, cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Ðây là chỉ đạo quan trọng nhằm nâng cao tư tưởng "không muốn" tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.