(QBĐT) - Với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Quảng Bình, cuộc sống luôn gắn bó với rừng qua nhiều thế hệ, từ lúc sinh ra, lớn lên và mất đi. Người A Rem xã Tân Trạch (Bố Trạch) hay người Khùa xã Trọng Hóa (Minh Hóa) cũng vậy, đồng bào tin rằng rừng có linh hồn, sống hòa mình vào thiên nhiên sẽ nhận được sự yên bình, chở che từ mẹ thiên nhiên. Giữ rừng... là giữ lấy tương lai. Ngày nay, đồng bào giữ rừng không chỉ bằng hương ước của bản làng mà thành nghị quyết hẳn hoi-nghị quyết giữ rừng!
Bản Ông Tú thuộc xã miền núi rẻo cao Trọng Hóa (Minh Hóa) nằm trọn trong khu vực núi Giăng Màn thuộc dãy Trường Sơn với 33 hộ, 143 nhân khẩu người Khùa.
Dẫn chúng tôi thăm khu rừng nguyên sinh rộng lớn nằm sát cạnh bản, Hồ Thay, Bí thư Chi bộ bản Ông Tú phấn khởi: “Nhờ đồng bào chung tay thực hiện nghiêm túc nghị quyết quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từ nhiều năm qua mà bản Ông Tú luôn trong lành, mát mẻ, nguồn nước sinh hoạt dồi dào, tinh sạch. Mùa mưa lũ không xảy ra tình trạng sạt lở như các bản làng lân cận...”.
Dừng chân nghỉ bên một gốc cây cổ thụ to chừng ba người ôm, Bí thư Chi bộ Hồ Thay nhớ lại: Khởi đầu từ dự án định canh định cư năm 1994, bản Ông Tú được hỗ trợ mỗi năm 20 triệu đồng thực hiện công tác bảo vệ rừng (BVR). Đó cũng là thời điểm toàn bản bắt đầu ngồi lại với nhau xây dựng hương ước BVR nhằm làm cơ sở cùng chung tay thực hiện. Sau đó không lâu, những nội dung trong hương ước BVR được Chi bộ bản Ông Tú đưa vào nghị quyết qua từng nhiệm kỳ và từng năm quán triệt thực hiện nghiêm túc hơn.
Bản Km39, nơi định cư của người A Rem xã Tân Trạch (Bố Trạch).
Trong 10 năm (2005-2015), nạn phá rừng khiến cho nhiều diện tích rừng tự nhiên ở núi Giăng Màn bị “xóa sổ”. Thế nhưng, khu rừng nguyên sinh rộng lớn của bản Ông Tú vẫn hiên ngang tồn tại cho đến tận ngày nay. Ngoài việc chung tay bảo vệ 80ha rừng cộng đồng, bản Ông Tú còn nhận thêm 41ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ. Đồng bào trồng thêm gần 10ha rừng lim, đến nay tuổi đời hơn 10 năm.
Hồ Hùng, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ông Tú tiếp thêm câu chuyện: Trước đây, thấy một số nơi xảy ra tình trạng chặt phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế, dân bản Ông Tú “dao động” trong quá trình thực hiện hương ước, nghị quyết liên quan đến công tác BVR. Một số cá nhân có những luồng ý kiến, như: Sống bên rừng mà không khai thác gỗ lớn làm nhà, bán lấy tiền mưu sinh, mở rộng diện tích làm nương rẫy, trồng rừng kinh tế… thì giữ rừng để nghèo mãi à?
Quyết tâm giữ cho bằng được khu rừng nguyên sinh, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền, năm 2021, Chi bộ bản Ông Tú ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/CB về công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bản Ông Tú với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của các cấp ủy đảng, đặc biệt là Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kiện toàn lại tổ BVR để hoạt động hiệu quả hơn; nghiêm cấm, ngăn chặn các hành vi làm nương rẫy hoặc trồng cây trên diện tích đất rừng khoanh nuôi bảo vệ; bố trí lực lượng tuần tra rừng để ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại rừng trái phép…
Hồ Phoong, một đảng viên cư trú tại bản Ông Tú chia sẻ: Khu rừng nguyên sinh bản Ông Tú hiện có rất nhiều loại gỗ quý, như: Lim, táu, de, sơơng, trín, sú, vạng… đường kính gốc từ 0,5-2m. Sống cạnh rừng “vàng” nhưng dân bản không ai dám khai thác tùy tiện, bừa bãi. Bởi đồng bào nơi đây hiểu rằng rừng không còn, đồng nghĩa với việc mất đi một khoản thu nhập đáng kể từ thu hoạch lâm sản phụ hàng năm, nguồn nước sinh hoạt bị khan hiếm, khí hậu trở nên ngột ngạt, nguy cơ về thiên tai, sạt lở đe dọa “xóa sổ” bản làng. Với dân bản Ông Tú, giữ rừng như giữ lấy ngôi nhà và mạng sống chính mình vậy.
Giữ rừng… giữ ân tình
Thuở mới rời hang đá (năm 1958), tộc người A Rem xã Tân Trạch (Bố Trạch) chỉ vỏn vẹn gần 100 người. Hiện tại, dân số tăng lên 400 người, định cư tại Km39, đường 20 Quyết thắng. Trung trinh với Đảng, Bác Hồ, từ những đảng viên buổi đầu sơ khai, đến nay 40 con em ưu tú của tộc người A Rem vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng.
Cũng như người Vân Kiều, Ma Coong, Sách, Mày… đồng bào A Rem sống gắn bó với rừng từ đời này sang đời khác. Với họ, rừng là không gian sinh tồn, nơi hun đúc, rèn luyện những kỹ năng, tri thức để tồn tại giữa sâu thẳm đại ngàn. Những đặc ân mẹ rừng ban tặng giúp người A Rem luôn có sức sống bền bỉ, vượt qua những giai đoạn khốn khó, thiếu thốn. Bởi vậy, người A Rem luôn sống hòa mình, chân chất và tương kính với đất mẹ rừng. Trong tiềm thức đồng bào từ bao đời nay, giữ rừng là sứ mệnh để cùng tồn tại, để nhận được sự chở che.
Những cây gỗ quý ở khu vực rừng cộng đồng bản Ông Tú, xã Trọng Hóa (Minh Hóa).
Già làng A Rem Đinh Rầu chia sẻ: Nhiều thế hệ người A Rem đều dựa vào rừng mưu sinh, nên việc giữ rừng là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người con A Rem. Đồng bào luôn tin rằng mẹ rừng cũng có linh hồn. Bởi vậy, từ trước đến nay, kể cả khi cuộc sống ổn định, chưa bao giờ có chuyện người A Rem chặt phá rừng ồ ạt hay tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại rừng. Ngay như việc đi lấy măng, bà con cũng ý thức phải giữ lại một số lượng búp măng phù hợp để nó tiếp tục mọc lên. Khi lấy củi thì chỉ lấy củi khô hoặc những cây bị gãy đổ do gió bão, không chặt cành tươi ở những cây phát triển tốt. Rồi nữa, khi vào rừng tìm mật ong hoặc cây dược liệu, lá nón… luôn lấy đủ, chừa lại một phần và không bao giờ khai thác cạn kiệt.
Thời điểm cuộc sống tộc người A Rem đang còn khó khăn, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Nguyễn Hồng Thanh lúc bấy giờ lên thăm, vận động đồng bào trồng cây gỗ huê bản địa, chỉ có ở vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Bây giờ rừng huê của người A Rem xã Tân Trạch đã 20 năm tuổi với diện tích 8ha. Mỗi khi nhắc đến, đồng bào luôn trìu mến gọi là rừng huê “Bí thư Thanh”.
Định cư ở bản Km39 đường 20 Quyết thắng, cuộc sống người A Rem đổi thay từng ngày. Đinh Ba, Bí thư Chi bộ bản Km39 tâm sự: Đồng bào biết chăn nuôi, trồng trọt, con cháu A Rem học hành chăm chỉ, dần rút ngắn khoảng cách với người miền xuôi. Ngoài việc hỗ trợ nhà cửa kiên cố, đồng bào còn học hỏi nhiều cách làm ăn mới phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
Bây giờ Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Nguyễn Hồng Thanh không còn nữa nhưng rừng gỗ huê của “Bí thư Thanh” thì vẫn trường tồn, có những gốc huê đường kính gần 30cm. Hơn 20 năm nay, người A Rem xã Tân Trạch phân chia nhau từng gốc cây huê để chăm sóc, gìn giữ. Việc giữ rừng huê không chỉ là bổn phận với mẹ rừng mà còn là một cách giúp đồng bào hoài niệm, gìn giữ những ân tình, tâm huyết của Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Nguyễn Hồng Thanh với tộc người A Rem.
Giai đoạn 2019-2024, các địa phương đã bàn giao gần 30.000ha đất rừng sản xuất cho ĐBDTTS. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại, Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình giao khoán 130.000ha rừng cho ĐBDTTS chăm sóc, bảo vệ... từ đó hạn chế tình trạng chặt phá rừng đồng thời tăng thu nhập cho đồng bào, giúp nhiều hộ gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
(QBĐT) - Sáng 23/9, đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Bình lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029 tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, báo công tại Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh (TP. Đồng Hới); viếng Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc (xã Lý Trạch, Bố Trạch).
Phát biểu tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 14/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; triển khai có hiệu quả quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng, cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Ðây là chỉ đạo quan trọng nhằm nâng cao tư tưởng "không muốn" tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
(QBĐT) - Là một trong những lực lượng chủ lực, lại đóng quân tại những địa bàn trọng yếu, nơi thiên tai thường xuyên đe dọa với những hậu quả nặng nề, hàng năm, Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn chú trọng triển khai hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.