"Đầu tàu" nơi sóng cả-Bài cuối: Nâng cao sức chiến đấu của chi bộ vùng biển
07:09, 20/09/2024
(QBĐT) - Với vai trò là hạt nhân chính trị nơi chân sóng, các chi bộ làng biển thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, để những miền quê từng bước khởi sắc. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các chi bộ cũng đối mặt với không ít tồn tại, hạn chế cần có những giải pháp hữu hiệu để không ngừng nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo.
Theo phản ánh của các bí thư chi bộ làng biển với phóng viên, những hạn chế, tồn tại hiện nay trong việc nâng cao sức chiến đấu của chi bộ đảng các địa phương vùng biển đầu tiên phải kể đến, đó là công tác phát triển đảng viên (ĐV) mới gặp nhiều khó khăn và tình trạng “già hóa” chi bộ.
Bí thư Chi bộ thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho hay, từ năm 2018 đến nay, chi bộ không kết nạp được ĐV mới do không có nguồn để đào tạo, bồi dưỡng. Không kết nạp được ĐV mới cũng đồng nghĩa với tuổi đảng của chi bộ ngày càng tăng lên, một sự “già hóa” không ai muốn những vẫn diễn ra.
Tương tự, Bí thư Chi bộ thôn Tân Định, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) Nguyễn Thị Lướng cho biết: Công tác tạo nguồn để kết nạp ĐV mới ngày càng khó khăn nên bình quân tuổi đảng của ĐV trong chi bộ cao, hiện đã xấp xỉ 60 tuổi.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bố Trạch Trần Văn Thăng: Những năm gần đây, nguồn phát triển ĐV ở các xã vùng biển trên địa bàn huyện chủ yếu dựa vào đội ngũ công chức xã, viên chức giáo dục, lực lượng quân sự xã, công an viên, đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ. Nhưng hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, dân quân tự vệ cơ bản kết nạp hết, còn đội ngũ đoàn viên, thanh niên thoát ly khỏi địa phương để đi làm ăn xa, đặc biệt là xuất khẩu lao động hoặc theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên toàn quốc.
Diện mạo nông thôn mới ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh) không ngừng khởi sắc có sự đóng góp quan trọng của các chi bộ làng biển.
Bên cạnh đó, yêu cầu trình độ người vào Đảng trong Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng là khá cao đối với các chi bộ vùng biển vì phần lớn những người có trình độ học vấn thì đã làm việc tại các cơ quan nhà nước, số còn lại không đủ điều kiện để bồi dưỡng kết nạp Đảng; những người đủ điều kiện theo quy định, lại không có việc làm ổn định, phải đi nơi khác tìm việc hoặc ít tham gia công tác xã hội. Chính những điều này đang làm mỏng dần số lượng quần chúng có đủ tiêu chuẩn để bồi dưỡng kết nạp Đảng.
“Khan hiếm nguồn kết nạp Đảng, chất lượng ĐV chưa được chú trọng sẽ dẫn đến xu hướng “già hóa” ĐV ngày một tăng là điều tất yếu và đang là hạn chế trong phát triển ĐV ở nông thôn nói chung và vùng biển nói riêng. Trên thực tế, bên cạnh mặt tích cực của đội ngũ ĐV cao tuổi là có lập trường chính trị vững vàng, luôn giữ được sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng với dân, có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhưng đa phần ĐV cao tuổi lại thiếu sự nhạy bén, linh hoạt trong việc tham gia, đi đầu trong phát triển kinh tế, khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất chưa cao”, ông Trần Văn Thăng nhấn mạnh.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quảng Trạch Trần Minh Hường chia sẻ thêm: Lao động trẻ (trong đó có một số ĐV) có xu hướng xuất khẩu lao động hoặc tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp ngoài địa phương. Vì vậy, công tác đào tạo nguồn kết nạp đảng từ tổ chức Đoàn Thanh niên là vấn đề nan giải. Đa số quần chúng trên 45 tuổi đang lao động tại địa phương có trình độ học vấn thấp, không đủ điều kiện để bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Vì thế, hiện nay, ĐV trong các chi bộ có độ tuổi ngày càng tăng là hạn chế trong việc nâng cao sức chiến đấu của chi bộ đảng các địa phương vùng biển.
Mặt khác, các chi bộ đảng vùng biển là những tổ chức đảng có tính đặc thù riêng, các ĐV tham gia khai thác hải sản trên biển dài ngày, số ĐV phân tán vì tham gia các tàu cá, ngư trường khác nhau nên việc sinh hoạt chi bộ định kỳ, phân công nhiệm vụ cho ĐV phụ trách hộ gia đình rất khó khăn...
“Tiếp sức” cho chi bộ vùng biển
Với vai trò “đầu tàu”, hạt nhân chính trị của đảng ở cơ sở, từ những thực trạng nói trên, cần phải có những giải pháp thiết thực để “tiếp sức” cho các chi bộ vùng biển.
Qua trao đổi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bố Trạch thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề đầu tiên là các cấp ủy đảng từ cấp huyện đến cơ sở cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp mà Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2/2/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, ĐV” đã đề ra.
Quan tâm làm tốt công tác chính trị tư tưởng, chủ động dự báo tình hình để kịp thời trang bị những thông tin định hướng của Đảng cho cán bộ, ĐV; chủ động khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng; chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, vụ lợi cá nhân, trung bình chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch.
Nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp là một trong những nội dung được các chi bộ làng biển quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Song song, nghiêm túc triển khai việc cam kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ mọi mặt cho CB chủ chốt, đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, tăng cường luân chuyển cán bộ xuống cơ sở có thời hạn vừa bảo đảm cán bộ tăng cường cho các địa bàn cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ qua thực tiễn ở những nơi khó khăn.
Đối với công tác phát triển ĐV, phải thực sự được cấp ủy các cấp quan tâm, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp Đảng, chú ý phát hiện nguồn ưu tú từ sớm; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, kết nạp Đảng phải thật cụ thể, cần xác định rõ nguồn khi đưa vào kế hoạch. Mở rộng nguồn để tạo môi trường tốt cho đoàn viên, thanh niên, quần chúng ưu tú phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng nhằm trẻ hóa đội ngũ cán bộ, ĐV, tạo nguồn kế thừa cho các tổ chức đảng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong việc đào tạo, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, đối tượng Đảng.
Bí thư Chi bộ thôn Tân Hòa, xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) Trần Viết Sung cho rằng: “Muốn chi bộ mạnh, đủ năng lực lãnh đạo thì phải có số lượng ĐV nhất định, vì vậy, phát triển ĐV mới là để bổ sung nguồn lực cho chi bộ. Trong điều kiện công tác tạo nguồn và phát triển ĐV gặp khó khăn như hiện nay thì bí thư chi bộ, chi ủy phải thật sự quan tâm...”.
“Từ thực tế ở làng biển vùng giáo và nguồn phát triển ĐV mới gặp khó khăn, để “tiếp sức” cho chi bộ, rất cần Đảng ủy xã phân công thêm ĐV là cán bộ, công chức về tham gia sinh hoạt cùng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu”, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch (Bố Trạch) Trần Xuân Thắng đề xuất.
Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quảng Trạch Trần Minh Hường, phải tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nhất là ở các chi bộ thôn. Chi bộ phải thực hiện tốt công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình; phân công công tác cho ĐV; làm tốt công tác kiểm tra ĐV chấp hành Điều lệ Đảng và thực hiện nhiệm vụ được phân công; thường xuyên quan tâm xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong Đảng trước hết là trong cấp ủy; động viên để mỗi cán bộ, ĐV tự phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng mọi mặt thực sự là tấm gương cho quần chúng noi theo. Đồng thời, phát hiện những cán bộ, ĐV vi phạm về đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ và xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, ĐV vi phạm.
Bên cạnh đó, cần tích cực theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn việc thực hiện các quy định của Đảng đối với đội ngũ cấp ủy chi bộ, đặc biệt là bí thư chi bộ; chủ động đối thoại để các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng như quần chúng nhân dân tham gia ý kiến đóng góp cho tổ chức đảng, ĐV, nhằm kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bố Trạch Trần Văn Thăng: “Tỷ lệ ĐV trẻ trực tiếp sản xuất và tham gia các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị ở các xã vùng biển còn thấp, dẫn đến nguồn kế cận lâu dài của đội ngũ cán bộ xã, thôn thiếu hụt. Một bộ phận trưởng thôn, trưởng chi hội các đoàn thể là người ngoài đảng... cũng là những nguyên nhân làm giảm vai trò lãnh đạo của chi bộ nông thôn vùng biển”.
(QBĐT) - Là "đầu tàu" nơi sóng cả, các chi bộ tại các xã biển đã phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh tại địa phương; góp phần vào công tác xây dựng Đảng vững mạnh. Nhưng trong hành trình đưa "con tàu" vượt sóng đến đích, còn muôn nỗi tâm tư...
(QBĐT) - Sáng 18/9, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác nội chính Đảng năm 2024.
(QBĐT) - Về các xã vùng bãi ngang của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy hôm nay, ai cũng không khỏi xuýt xoa trước sự khởi sắc của diện mạo nông thôn mới. Sự đổi thay này có đóng góp quan trọng của các chi bộ miền biển, đã luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.