Xứng danh "đứa con đầu lòng" của lực lượng vũ trang Quảng Bình!

  • 06:08, 03/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cách đây 60 năm, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” mở rộng chiến tranh leo thang bằng không quân và hải quân đánh phá ra miền Bắc. Tại Quảng Bình, Tỉnh ủy đã kịp thời có chủ trương chuyển mọi hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế từ thời bình sang trạng thái thời chiến để phù hợp với tình hình, trong đó có lĩnh vực quân sự.
 
Trước tình hình đó, “Tháng 10/1964, Bộ Chính trị họp, ra Nghị quyết 81. Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ của Quảng Bình, Vĩnh Linh là “… Phải khẩn trương chuẩn bị đối phó với chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ. Địch sẽ mở rộng đánh phá miền Bắc và Quảng Bình, Vĩnh Linh là nơi chúng sẽ đánh phá trước hết…(1). Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, tại Quảng Bình, Tỉnh ủy đã chủ trương “Chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với phương châm: Chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế sang thời chiến nhằm phục vụ đời sống và phòng không chiến đấu”(2).
 
Tại thời điểm đó, lực lượng vũ trang của tỉnh chỉ có mấy đại đội bộ binh cấp huyện và lực lượng dân quân, tự vệ các xã và cơ quan nhà nước. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng thành lập được một đơn vị chủ lực cấp tỉnh mạnh, có tính cơ động cao nhằm đáp ứng yêu cầu chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chỗ, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã giao nhiệm vụ đó cho Tỉnh đội.
 
Từ tháng 8/1964, Tỉnh đội Quảng Bình đã điều động những cán bộ, sĩ quan có kinh nghiệm từ các địa phương, đơn vị để thành lập bộ khung tiểu đoàn. Đồng thời tổ chức đợt tuyển quân, phát động phong trào thanh niên trong toàn tỉnh lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 8/11/1964, tại sân vận động TX. Đồng Hới, Tỉnh đội đã công bố quyết định thành lập Tiểu đoàn 45. Đây là tiểu đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên của tỉnh ta tại thời điểm đó.
 
Thời kỳ đầu thành lập, quân số của tiểu đoàn gồm 600 đồng chí với ba đại đội bộ binh, một đại đội súng cối 81 ly, một trung đội thông tin và cơ quan tiểu đoàn bộ. Để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 45 bắt tay vào xây dựng phương án tác chiến, vừa tổ chức huấn luyện, vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên địa bàn đóng quân. Tháng 8/1966, từ huyện Bố Trạch và TX. Đồng Hới, toàn tiểu đoàn hành quân vào xã Tân Thủy (Lệ Thủy) được chọn làm chỉ huy sở, hậu cứ của Tiểu đoàn 45 trong nhiều năm sau đó.
 
Thời gian này, tình hình chiến sự ở miền Nam, nhất là Mặt trận Trị-Thiên trở nên nóng bỏng, đặc biệt là vùng Bắc Quảng Trị với hai huyện Gio Linh-Cam Lộ. Mỹ-Ngụy ráo riết thiết lập tuyến hàng rào điện tử McNamara dọc vĩ tuyến 17, tăng cường lực lượng cho Vùng I chiến thuật. Với tinh thần “Trị-Thiên gọi, Quảng Bình đáp lời”, cuối năm 1966, Đại đội hỏa lực (cối 82) của Tiểu đoàn 45 được lệnh lên đường chi viện cho chiến trường Quảng Trị.
Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn 45 tổ chức trao tặng xe lăn cho các CCB là thương binh nặng, góp phần động viên đồng đội ổn định cuộc sống.
Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn 45 tổ chức trao tặng xe lăn cho các CCB là thương binh nặng, góp phần động viên đồng đội ổn định cuộc sống.
Tháng 7/1967, Đại đội 2 thay thế vào tiếp quản địa bàn khu đông huyện Gio Linh. Những năm tiếp theo, cán bộ, chiến sĩ trong đội hình Tiểu đoàn 45 đã có mặt, tham gia trực tiếp cùng với quân và dân Quảng Trị chiến đấu đánh địch suốt một dải từ Cửa Việt, Gio Linh đến đông bắc huyện Cam Lộ. Trong suốt quá trình tham gia chiến đấu tại Quảng Trị, Tiểu đoàn 45 đã chiến đấu hết sức dũng cảm và giành được nhiều thắng lợi lớn.
 
Lịch sử còn ghi đậm nét quá trình tham gia chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 45 cùng các đơn vị: “Các đơn vị bộ đội địa phương như Tiểu đoàn 45, 49, các đại đội 361, 362, 363, 365 đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị-Thiên và lập nên nhiều chiến công vang dội ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, cao điểm 544, cao điểm 161. Trong năm 1969, các lực lượng của quân và dân Quảng Bình chiến đấu trên chiến trường Trị-Thiên đã tiêu diệt 1.800 tên địch, đa số là Mỹ, bắn rơi 11 máy bay, bắn cháy 25 xe bọc thép, phá hủy phương tiện chiến tranh khác, thu nhiều quân trang và quân dụng(3).
 
Năm 1972, nhận nhiệm vụ của Tỉnh đội Quảng Bình, Tiểu đoàn 45 đã điều động Đại đội 1 do đồng chí Hồ Quang Vân bổ sung cho Trung đoàn 48 (F390)  tham gia cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Chiến công nối tiếp chiến công, không những trên chiến trường Quảng Trị, năm 1969, Tiểu đoàn 45 vinh dự được giao nhiệm vụ sang giúp và sát cánh cùng chiến đấu với bạn Lào tại tỉnh kết nghĩa Sạ-vẳn-na-khệt. Trong hơn 2 tháng, mặc dù chiến đấu trên địa bàn mới, phức tạp nhưng Tiểu đoàn 45 đã độc lập tác chiến hơn 20 trận, diệt 265 tên địch, phá hủy một xe tăng, thu 9 súng, 100 viên đạn cối và nhiều quân trang quân dụng của địch…
 
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ là “đội quân chiến đấu”, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 45 cũng đã thực hiện tốt chức năng là “đội quân công tác”. Hình ảnh của người lính Tiểu đoàn 45 còn in dấu ấn đậm nét trong chiến dịch thông tuyến Quốc lộ 1 ở cầu Huyện (Sen Thủy, Lệ Thủy) vào đêm 30 Tết năm 1966 để bảo đảm an toàn cho hàng trăm chuyến xe đưa hàng, quân ra chiến trường. Trong mưa bom, bão đạn, màu xanh bộ quân phục của người lính Tiểu đoàn 45 đã xuất hiện trên những cánh đồng ruộng các xã: Nam Trạch, Lý Trạch (Bố Trạch), Phong Thủy, Liên Thủy, Tân Thủy (Lệ Thủy) để giúp dân cấy lúa, gặt mùa…; có mặt cứu nạn sau những trận bom, tham gia bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường trọng điểm hay dãi nắng dầm mưa trên công trình thủy lợi Hạc Hải.
 
Còn nhớ, mùa đông năm 1970, mặc trời mưa giá rét, cả Tiểu đoàn 45 ngâm mình dưới nước, vượt qua thủy lôi, bom từ trường dày đặc trên sông Son (Bố Trạch), kéo từng bè thùng phi xăng tập kết để Đoàn 559 đưa ra chiến trường. Họ cũng đã lặn lội lên tận Bến Tiến chặt gỗ, vượt qua thác Ba Núc, ngã ba Trôốc Vực trên dòng Kiến Giang đưa về xây dựng hàng chục hầm chốt, đào hàng chục ki-lô-mét chiến hào trong phương án chuẩn bị đánh quân địch đổ bộ đường không…
 
Tháng 10/2008, khi thành lập Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Tiểu đoàn 45, đồng chí Trần Sự (nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) đã gửi thư chúc mừng. Đồng chí khẳng định: “…Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, ở tỉnh ta, Tiểu đoàn bộ binh 45 là đơn vị được xây dựng đầu tiên (11/1964) gồm những cán bộ, chiến sĩ được đặc biệt quan tâm trong quá trình tuyển chọn. Và cũng là một đơn vị đã lập nhiều chiến công xuất sắc trên chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Trung Lào cả trong chiến đấu, công tác bảo đảm giao thông vận tải và lao động sản xuất…”.
 
Nhắc đến truyền thống 60 năm, không thể quên lớp cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn, như các đồng chí: Hà Sỹ Khoa, Vũ Kim Sỹ, Đỗ Hữu Lãm, Cao Viết Đán, Phan Xên, Trần Thanh Lẵng… Các đồng chí chính trị viên: Mai Xuân Phất, Đậu Cảnh, Lê Tường Giao…  Các đồng chí tham mưu trưởng: Nguyễn Văn Viết, Đậu Thanh Long... Chúng ta cũng không quên những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng ở chiến trường Quảng Trị, như: Nguyễn Đức Xuyến, Lê Văn Lượng, Nguyễn Văn Hưng, Đào Xuân Võng, Nguyễn Văn Chùy… và Đại đội trưởng Trương Văn Hiền ở chiến trường Lào cùng nhiều đồng chí khác. Đa số các liệt sỹ đều đã được trở về với quê hương nhưng cũng còn những đồng đội vẫn đang nằm lại đâu đó trên các chiến trường.
 
Sau khi ra quân, người lính Tiểu đoàn 45 đã trở thành những CCB và phát huy truyền thống của đơn vị, một số đồng chí vẫn tích cực tham gia mọi hoạt động ở địa phương. Nhiều người được tín nhiệm đảm nhận các trọng trách trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương. Nhưng cũng có nhiều đồng chí do di chứng chiến tranh tái phát nên ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Thời gian qua, Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn 45 đã trao tặng 30 xe lăn cho các CCB là thương binh nặng; vận động kinh phí để hỗ trợ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, cải tạo, sửa chữa các công trình nhà cửa cũng như tổ chức các hoạt động tri ân các gia đình chính sách, hỗ trợ đồng đội khó khăn, góp phần động viên đồng đội ổn định cuộc sống. 
 
Kỷ niệm 60 năm thành lập Tiểu đoàn 45, những người lính năm xưa nay đã xếp vào lớp người “xưa nay hiếm” nhưng các CCB quyết tâm động viên nhau tiếp tục phát huy truyền thống là “đứa con đầu lòng của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình” trong chống Mỹ cứu nước, luôn giữ vững phẩm chất người CCB, người lính Cụ Hồ và thực hiện sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội.
Đoàn Thị
Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 45
 
(1), (2), (3): Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập II, 1954-1975.

tin liên quan

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp về công tác cán bộ
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp về công tác cán bộ

Ngày 3/8, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp về công tác cán bộ theo thẩm quyền.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

(QBĐT) - Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch số 170-KH/TU thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

"Đoàn kết, xung kích, sáng tạo, khát vọng, phát triển"
"Đoàn kết, xung kích, sáng tạo, khát vọng, phát triển"

(QBĐT) - Đó là khẩu hiệu hành động của đại hội Chi đoàn Đồn Biên phòng Ngư Thủy nhiệm kỳ 2024-2027.