Đúc rút kinh nghiệm, nỗ lực xây dựng trường chính trị đạt chuẩn
06:07, 15/07/2024
(QBĐT) - Với những nỗ lực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, hướng tới mục tiêu xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 1, vừa qua, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp với các trường chính trị trong khu vực Bắc Trung bộ tổ chức hội thảo khoa học: “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại trường chính trị các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đáp ứng các tiêu chí trường chính trị đạt chuẩn mức 1”. Hội thảo còn là dịp để Trường Chính trị tỉnh học hỏi kinh nghiệm hay, bài học quý từ các tỉnh bạn để hoàn thành lộ trình đề ra.
Hội thảo khoa học kết hợp hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Cụm thi đua các trường chính trị khu vực Bắc Trung bộ được tổ chức trong bối cảnh cần thiết phải nhìn lại, đánh giá 3 năm thực hiện những tiêu chí xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về xây dựng trường chính trị đạt chuẩn.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lê Công Toán nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo và hội nghị sơ kết là diễn đàn khoa học hết sức có ý nghĩa, là dịp để các trường chính trị trong cụm thi đua có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, xác định nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị đạt chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, quán triệt, triển khai Quy định số 11-QĐ/TW, trên cơ sở các nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trường chính trị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ đã tích cực, chủ động xây dựng, tham mưu các tỉnh ủy, thành ủy ban hành đề án và kế hoạch tổ chức, thực hiện một cách quyết liệt trên tất cả các mặt công tác.
Các trường tiếp tục có sự đổi mới trong tổ chức và hoạt động; phát huy tốt vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, thành phố; tổ chức bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn; đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm, chất lượng ngày càng được nâng lên.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng có sự đổi mới từ nội dung, phương pháp giảng dạy và loại hình tổ chức. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thường xuyên được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ hoạt động giảng dạy không ngừng được cải thiện, nâng cấp. Việc xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương, gắn với xây dựng đảng bộ, cơ quan, đoàn thể có những chuyển biến tích cực.
Đến nay, có 3/7 trường chính trị của cụm thi đua (Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh-Thừa Thiên Huế) đạt chuẩn mức 1 và đang hướng đến chuẩn mức 2 trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Nhiều tham luận tham gia hội thảo khoa học mang ý nghĩa thực tiễn cao.
Có 14 tham luận đến từ 7 trường chính trị Bắc Trung bộ tại hội thảo lần này đã nghiên cứu, tổng kết, đề xuất kiến nghị một cách toàn diện các vấn đề thuộc những nhóm tiêu chí theo Quy định số 11-QĐ/TW. Trong đó, nhiều tham luận chất lượng cao, bám sát thực tiễn, đề xuất các nhóm giải pháp hiệu quả, góp phần tích cực trong gợi mở những hướng đi cho các trường chính trị chưa đạt chuẩn nỗ lực hơn trong lộ trình của mình.
Tham luận của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa về “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào” được đánh giá cao với nhiều giải pháp thực tiễn, mang tính ứng dụng. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã hợp tác đào tạo 6 lớp/247 học viên trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn và 1 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho 45 học viên là bí thư chi bộ kiêm trưởng bản của tỉnh Hủa Phăn.
Để đạt được kết quả đề ra, quá trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả từ công tác tham mưu, phối hợp tổ chức, thực hiện nghiêm nội dung chương trình cho đến khâu quản lý, phục vụ chu đáo, tận tình. Đặc biệt, trường chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên, liên hệ thực tiễn đất nước Lào cùng bài giảng sinh động phù hợp và đặc biệt là tăng cường giao lưu văn hóa Việt-Lào.
Một trong những bài học kinh nghiệm rút ra của nhà trường chính là phát huy vai trò làm chủ của các lưu học viên Lào. Cụ thể, nhà trường xây dựng mô hình “3 vì, 4 chủ động, 5 đồng hành hỗ trợ”. Học viên Lào không chỉ được học kiến thức trên lớp mà học được nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở các địa phương trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa thông qua nhiều chuyến đi nghiên cứu thực tế.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Định nhấn mạnh: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với tỉnh Quảng Bình trong quá trình xây dựng trường chính trị đạt chuẩn. Nhiều tham luận có đề tài rất sát thực, cung cấp những kinh nghiệm hay, mang ý nghĩa thực tiễn cao. Ngay sau hội nghị sơ kết và hội thảo khoa học, Trường Chính trị tỉnh cần tiến hành nghiên cứu, chắt lọc những kinh nghiệm hay, bài học quý từ thực tiễn ở các trường bạn, tỉnh bạn và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, nỗ lực sớm về đích trường chính trị đạt chuẩn theo đề án.
Cũng chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nước bạn Lào (tỉnh Sả-lạ-văn và tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt), Trường Chính trị Lê Duẩn (Quảng Trị) cho biết một kinh nghiệm hay, chính là cần nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt cho học viên. Bởi hầu hết học viên khi nhập học đều chưa biết tiếng Việt, chỉ có khoảng 10% biết giao tiếp cơ bản, trong khi cán bộ, giảng viên nhà trường lại không biết tiếng Lào. Đây là khó khăn lớn nhất trong quá trình đào tạo, nên chăng cần phải tăng thời gian học tiếng Việt của học viên và phải tuyển được cán bộ phiên dịch tiếng Lào để chủ động trong công tác phiên dịch?
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cũng giới thiệu tại hội thảo mô hình “3 gắn kết; 4 hoạt động; 5 sản phẩm” trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế. Trong đó, “3 gắn kết” là giữa các chủ thể trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn; giữa nghiên cứu-bồi dưỡng-tư vấn-tổng kết-chuyển giao và giữa nội lực-ngoại lực, Trung ương-địa phương; giữa các trường chính trị khu vực Bắc Trung bộ và trong cả nước. “4 hoạt động” là tổ chức đoàn đi nghiên cứu, khảo sát tại địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị; tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị; tổ chức biên soạn tài liệu viết, viết chuyên đề bồi dưỡng, công bố công trình nghiên cứu; tổ chức bồi dưỡng-tư vấn-chuyển giao. “5 sản phẩm”, gồm: Kỷ yếu hội thảo, tọa đàm; báo cáo đề xuất, kiến nghị; quy trình, mô hình, chương trình, đề án; bài viết chuyên đề; tài liệu bồi dưỡng, sách tham khảo, chuyên khảo.
Việc triển khai mô hình đã giúp cho nhà trường hoàn thành nhiều nhiệm vụ và tạo ra nhiều sản phẩm trong một thời gian; đồng thời, tăng cường gắn kết trong công tác phối hợp giữa nhà trường với các sở, ban, ngành, địa phương; nâng cao chất lượng tư vấn cho cấp ủy chính quyền, nâng cao giá trị, tính ứng dụng của kết quả nghiên cứu. Mô hình là nỗ lực của nhà trường để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhận được những tham luận chất lượng đề cập đến các kinh nghiệm hay về nâng cao chất lượng đào tạo các lớp trung cấp lý luận chính trị, hoạt động đi nghiên cứu thực tế, viết bài thu hoạch, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; nghiên cứu chuyên đề và thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; giải pháp thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua…
(QBĐT) - Ngày 15/7, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Tuyên Hóa tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029. Tham dự có đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng 136 đại biểu là hội viên (HV), TN tiêu biểu đại diện cho 5.764 HV, TN trên địa bàn.
(QBĐT) - Ngày 15/7, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 3, sơ kết công tác hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
(QBĐT) - TP. Đồng Hới xác định, xây dựng đô thị văn minh là một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng môi trường văn hóa, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.