(QBĐT) - TP. Đồng Hới xác định, xây dựng đô thị văn minh (ĐTVM) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng môi trường văn hóa, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Vì vậy, việc thực hiện các mô hình hướng đến cuộc sống văn minh được các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố chú trọng đẩy mạnh, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, đã có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng hình ảnh một Đồng Hới văn minh, hiện đại...
Từ những mô hình thiết thực
Với vai trò phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Ủy ban MTTQVN TP. Đồng Hới tập trung xây dựng, triển khai nhiều mô hình điểm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, ĐTVM”, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo và nội lực của cộng đồng dân cư; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng Đồng Hới ngày càng giàu đẹp.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Đồng Hới Ngô Thị Hồng Thắm chia sẻ: Từ năm 2019-2024, Mặt trận các cấp thành phố đã sáng tạo, xây dựng 322 mô hình mới được nhân dân tích cực hưởng ứng mang lại hiệu quả thiết thực, bộ mặt các khu dân cư được khởi sắc, như: Mô hình “Đường cờ”, “Đường hoa”, “Tường tranh bích họa”, “Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp”, “Khu dân cư nói không với hát karaoke trong khung giờ quy định”, “Nói không với chó thả rông”, “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật”, “Khu dân cư ứng dụng công nghệ số cộng đồng”...
![]() |
Với mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”, sau 4 năm thực hiện, toàn thành phố đã nhân rộng được 60 mô hình. Tiêu biểu có các đơn vị: Đồng Phú, Nam Lý, Bắc Lý, Bắc Nghĩa, Đức Ninh, Nghĩa Ninh…
Đặc biệt, mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” ra đời đúng thời điểm đã huy động được toàn thể người dân thành phố tham gia. Qua đó, nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống cháy nổ và cách sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ, góp phần bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn. Đến nay, 15/15 xã, phường với 137/137 khu dân cư trên địa bàn hưởng ứng tích cực. Toàn thành phố đã trao trên 15.000 bình chữa cháy cho các hộ dân đăng ký với số tiền trên 3,5 tỷ đồng. Lan tỏa hiệu quả của mô hình trong cộng đồng dân cư, Mặt trận cơ sở đã kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm quyên góp, trao tặng bình chữa cháy cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn với trị giá 50 triệu đồng.
Ngoài giữ vững an ninh, trật tự đô thị, để làm đẹp thành phố, nhiều mô hình có tính sáng tạo cao, như mô hình “Tuyến đường sinh vật cảnh” tại phường Nam Lý, mô hình “Khu dân cư thân thiện với môi trường” tại phường Đồng Phú. Đã có hơn 120 chậu cảnh đặt trước các cổng các hộ gia đình của tổ dân phố 12, phường Nam Lý, tạo nên khung cảnh tươi đẹp, thân thiện. Các hộ dân ở phường Đồng Phú đều có thùng rác tự quản và tại các nhà văn hóa đều đầu tư xây dựng điểm hoa với tổng kinh phí từ xã hội hóa trên 37 triệu đồng…
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Đồng Hới Nguyễn Thị Mỹ Lợi, việc xây dựng ĐTVM trên địa bàn thành phố được triển khai sớm nhưng không có điểm kết thúc dù mục tiêu “Phường đạt chuẩn ĐTVM” đã có trong “tầm tay” 9/9 phường trong thành phố. Các địa phương tiếp tục tuyên truyền gắng sức để giữ vững, nâng cao hơn thành quả đạt được, cùng thành phố sớm về đích đạt chuẩn ĐTVM.
H.Tr
Khi “nhà có số, phố có tên”
Nhằm tạo thuận tiện trong công tác quản lý đô thị, hành chính và các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội, hướng tới xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) đã tích cực đặt tên các tuyến phố, gắn biển số nhà và đã mang lại nhiều tiện ích thiết thực. Với việc triển khai nhanh chóng, kịp thời các giải pháp, phường đặt mục tiêu đến tháng 9/2024 hoàn thành lộ trình 100% “nhà có số, phố có tên”.
Giữa tháng 3/2022, tuyến đường nối liền đường Trần Quang Khải với đường Lý Thường Kiệt qua khu đô thị Bắc Trần Quang Khải chính thức được đặt tên Võ Khắc Triển. Cùng với việc đặt tên đường, các hộ gia đình trên tuyến phố đã được gắn biển số nhà. “Việc đặt tên đường, gắn biển số nhà là chủ trương hợp với nguyện vọng của người dân. Từ khi đường có tên, nhà có số, mọi việc trở nên thuận tiện hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Văn Long, một người dân có địa chỉ nhà ở trên tuyến đường Võ Khắc Triển chia sẻ.
![]() |
Theo Bí thư Đảng ủy phường Đồng Phú Hà Quốc Vương Anh, tên đường phố không đơn thuần để thuận tiện trong công tác quản lý đô thị mà còn tích hợp nhiều giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống tiêu biểu của khu dân cư. Chính vì vậy, lựa chọn tên gọi phù hợp để đặt cho các tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng, cần thiết lập hệ thống tên đường, số nhà một cách khoa học, phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương. Hiện, 46/64 tuyến đường ở Đồng Phú đã được gắn biển tên. 18 tuyến đường còn lại ở hai khu đô thị mới (khu đô thị Bắc Trần Quang Khải và khu đô thị Tây mương Phóng Thủy) dự kiến sẽ hoàn thành gắn biển vào đầu tháng 9/2024.
Không chỉ gắn biển tên đường, số nhà, phường Đồng Phú đang xúc tiến việc gắn mã QR Code cho các tuyến đường. Mục đích của việc này là để người dân và khách du lịch có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin cơ bản về vị trí, chiều dài, kết cấu tuyến đường, cùng tiểu sử của nhân vật, sự kiện... được đặt tên đường, đồng thời, hướng đến kết nối thông tin đa chiều, từng bước đưa ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống, góp phần tạo nên một đô thị hiện đại.
“Hiện, phường đang tập hợp, rà soát danh sách các tuyến đường, nghiên cứu, tìm hiểu về ý nghĩa, mốc thời gian đặt tên, chụp ảnh điểm đầu-cuối của các tuyến đường để vẽ lại trên Google… Cùng với việc hoàn thành gắn biển tên đường, biển số nhà, chúng tôi phấn đấu đến tháng 11/2024 sẽ triển khai gắn mã QR Code cho các tuyến đường. Tin rằng, những đổi thay ở Đồng Phú sẽ góp phần đưa đến một diện mạo năng động, hiện đại cho TP. Đồng Hới”, Bí thư Đảng ủy phường Đồng Phú cho biết thêm.
Tâm An
Người “thắp lửa” xây dựng đô thị văn minh
Nhiều năm qua, người dân tổ dân phố (TDP) Đồng Mỹ, phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới) đã quen với hình ảnh ông Lê Văn Thẩm (SN 1962), tổ trưởng TDP tận tụy đi từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia phong trào xây dựng đô thị văn minh (ĐTVM)…
Năm 1994, sau khi nghỉ công tác, ông Lê Văn Thẩm về sinh hoạt ở địa phương và năm 1996 ông được bà con khu phố tín nhiệm bầu làm tổ trưởng TDP. Năm 2015, ông thôi làm nhiệm vụ và đến năm 2022 lại được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng TDP thêm lần nữa. Đến nay, ông đã có 21 năm làm nghề “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Ông Lê Văn Thẩm tâm sự: “Hàng ngày, tôi cùng các thành viên Ban công tác Mặt trận, tổ chức, đoàn thể “đi từng nhà, rà từng ngõ” để nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như khó khăn, vướng mắc của các hộ dân trong TDP để tìm hướng giải quyết; vận động nhân dân thực hiện nếp sống ĐTVM, xây dựng TDP xanh-sạch-đẹp, an toàn”.
![]() |
Nhờ sự năng động, nhiệt huyết của ông Thẩm cùng các tổ chức chính trị, đoàn thể nên các vấn đề “nóng” ở TDP nhanh chóng được phát hiện, giải quyết kịp thời. Hiện TDP Đồng Mỹ có 168 hộ, 792 nhân khẩu. Hàng năm, 100% hộ dân đều đạt gia đình văn hóa, trong đó có 25% hộ đạt loại xuất sắc...
Các tuyến đường trên địa bàn TDP đều có camera an ninh do các hộ dân tự đóng góp lắp đặt. Trong đó có 4 tuyến đường ĐTVM được cắm gần 200 lá cờ phướn. Hàng tháng, TDP đều tổ chức “Ngày chủ nhật xanh” bằng cách huy động toàn dân tham gia vệ sinh môi trường, thu gom rác thải từ nhà ra ngõ, đường. Trên địa bàn TDP không xảy ra tình trạng cháy nổ, trộm cắp; hoạt động văn nghệ, thể dục-thể thao được duy trì thường xuyên…
Qua 21 năm làm tổ trưởng TDP, ông Lê Văn Thẩm và TDP Đồng Mỹ đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Nhưng với ông Thẩm, thành tích lớn nhất mình đạt được chính là sự tín nhiệm, tin tưởng của nhân dân trong TDP.
Xuân Vương