(QBĐT) - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện kể từ năm 2005, đo lường và xếp hạng 63 tỉnh, thành phố trên các lĩnh vực điều hành kinh tế. Qua 19 năm, chỉ số PCI ngày càng hoàn thiện, bổ sung thêm nhiều công cụ đo lường và đánh giá chính xác hơn, trên cơ sở kết quả khảo sát các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước tại các tỉnh, thành phố về những chuyển động của môi trường kinh doanh.
Ngoài chỉ số PCI, từ năm 2022, VCCI đã có sáng kiến thúc đẩy việc xây dựng chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh: Mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các DN tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của DN; mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường của chính quyền địa phương; nhiều vấn đề liên quan đến môi trường quan trọng khác. Báo cáo thường niên về PCI, PGI 2023 đã tập hợp và chuyển tải tiếng nói của cộng đồng DN tư nhân trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài tới chính quyền các cấp về chất lượng điều hành kinh tế và chất lượng quản trị môi trường của 63 địa phương.
Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho DN; chính sách hỗ trợ DN triển khai đáp ứng nhu cầu DN; chất lượng đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.
![]() |
Tương tự cách tiếp cận của PCI, chỉ số PGI tập hợp cảm nhận của DN và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng DN về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (chỉ số thành phần 1); thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để bảo đảm việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho DN (chỉ số thành phần 2); hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh (chỉ số thành phần 3); và khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể (chỉ số thành phần 4). Mỗi chỉ số thành phần được gắn trọng số bằng nhau là 25% nên tổng điểm tối đa của chỉ số PGI là 40 điểm. Thứ hạng của các địa phương được thể hiện từ cao xuống thấp.
Năm 2023, Quảng Bình không lọt vào top 30 tỉnh, thành phố có PCI, PGI tốt nhất cả nước. Qua nghiên cứu các chỉ số thành phần trong từng bộ chỉ số theo báo cáo của VCCI chúng ta nhận thấy rằng, các tỉnh, thành phố trong cả nước có sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản và bứt phá mạnh mẽ, nhất là tỉnh Quảng Ninh với nhiều năm liên tục dẫn đầu. Một số tỉnh khó khăn, như: Đắk Nông, Ninh Thuận vẫn có nhiều điểm sáng, có nhiều mô hình hay. Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình một số tiêu chí thành phần có sự tăng điểm, tuy nhiên nhiều tiêu chí giảm điểm mạnh nên chúng ta chưa bứt phá mạnh để lọt vào trong top các tỉnh có chỉ số tốt nhất.
Nhằm phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh nằm trong nhóm khá của các tỉnh trong khu vực và cố gắng nằm trong 30 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI và PGI của cả nước, chúng ta cần phải có một kế hoạch bài bản, phân tích chi tiết, đánh giá một cách khách quan, toàn diện để đưa ra những chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Để thực hiện điều này, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; công tác hỗ trợ DN, thu hút đầu tư, đồng hành cùng DN của các cấp chính quyền cần được triển khai đồng bộ, kịp thời; mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải quyết tâm, nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh, Sở Kế hoạch-Đầu tư tiếp tục đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh; đồng thời, phải chuyển tải được tiếng nói của cộng đồng DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài tới chính quyền các cấp thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại chính sách với DN để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất, thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu của DN.
Đặng Trần