Hào khí Quảng Bình

  • 09:06, 01/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trải qua những thăng trầm của lịch sử, danh xưng Quảng Bình xuất hiện và gắn bó với vùng đất có bề dày văn hóa và phẩm chất kiên cường, bất khuất đến nay vừa tròn 420 năm. Trên hành trình dài với rất nhiều gian khó, các thế hệ cha anh và cháu con luôn nối tiếp nhau, nỗ lực khẳng định bản lĩnh, ý chí để tên gọi Quảng Bình luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử vang dội và hào khí non sông. Trong giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình tiếp tục kế thừa truyền thống quý báu, quyết tâm xây dựng Quảng Bình giàu đẹp, văn minh.
 
Khát vọng “thái bình rộng lớn”
 
Là tên gọi mang dấu ấn khát vọng của tiền nhân về một vùng đất “thái bình rộng lớn” mà Chúa Nguyễn Hoàng, người “mang gươm đi mở cõi” định danh vào năm Giáp Thìn 1604, Quảng Bình đã trải qua chặng đường 420 năm lịch sử. Song hành cùng “bước chân thời gian” của dân tộc Việt Nam, đây là nơi giao thoa, hội tụ những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời; là vùng đất được thiên nhiên ưu ái với “biển rừng liền nhau”; nơi sản sinh ra những tài năng kiệt xuất, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử non sông như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người mở cõi phương Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh “văn võ sáng lòng dân” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
 
Trong suốt hành trình phát triển, Quảng Bình đã đương đầu với nhiều gian khó, vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai và những cuộc chiến tranh khốc liệt để giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của quê hương, đất nước. 420 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bao thế hệ người dân Quảng Bình luôn tự hào với tên gọi của mình, kiên cường, anh dũng, cần cù, chịu khó để chiến thắng nghịch cảnh, khẳng định bản lĩnh của con người và vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
Cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trên đảo Hòn La.
Cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trên đảo Hòn La.
Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã viết nên bản hùng ca bất diệt, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khí thế của phong trào “Quảng Bình quật khởi”, Quảng Bình “Hai giỏi” cùng những miền quê “rào làng chiến đấu”, tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”… mãi mãi là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng quê hương.
 
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, tinh thần “Hai giỏi” cũng chính là động lực quan trọng để trong những thời điểm khó khăn nhất, cán bộ, đảng viên, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh nhà bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước đặt nền móng cho phát triển. Quảng Bình đã cùng với Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh sát cánh bên nhau trong “ngôi nhà chung” Bình Trị Thiên để hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Năm 1989 là dấu mốc quan trọng khi Quảng Bình trở về địa giới cũ và tên gọi lịch sử vốn có để bắt đầu hành trình đổi mới với nhiều gian khó nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào.
 
Dấu ấn đổi mới
 
Năm 1989 là thời điểm nền kinh tế Quảng Bình còn nhiều lạc hậu, hạ tầng thiếu và yếu, nhiều tiềm năng chưa được đánh thức. Trước những khó khăn, thách thức chất chồng, các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh nhà lúc ấy đã mạnh dạn triển khai nhiều quyết sách quan trọng. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chung một ý chí, quyết tâm vực dậy nền kinh tế, xây dựng Quảng Bình “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.
 
Các thế mạnh về rừng và biển, về sản xuất nông nghiệp tiếp tục được phát huy, đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chất lượng, sự đa dạng và giá trị hàng hóa. Đời sống từng bước được cải thiện, nhân dân không chỉ nỗ lực xóa đói giảm nghèo mà khát vọng làm giàu đã được thổi bùng mạnh mẽ. Nhiều tỷ phú nông dân, doanh nhân ra đời, diện mạo thôn quê và thành thị ngày càng khởi sắc. Tiềm năng về du lịch, nhất là du lịch hang động, du lịch biển, được đánh thức và nhanh chóng phát huy hiệu quả, Quảng Bình từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước với nhiều dấu ấn tự hào.
 
Đặc biệt, Quảng Bình là điểm sáng trong bảo vệ và phát triển rừng với tỷ lệ che phủ rừng luôn xếp thứ hạng cao trong toàn quốc, trong những nhiệm kỳ gần đây đạt gần 70%, xếp thứ hai cả nước. Ẩn trong những dãy núi đá vôi bạt ngàn, giữa những khu rừng nguyên sinh là “vương quốc hang động” đang được khám phá và khai thác hiệu quả. Trên biển, hàng vạn ngư dân đang sở hữu đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu, xếp thứ ba toàn quốc, vừa làm giàu cho quê hương và chung tay giữ vững chủ quyền biển, đảo.
 
Về công nghiệp, từ một tỉnh lạc hậu, nghèo nàn, đến nay đã trở thành nền kinh tế trọng điểm với quy mô giá trị sản xuất tăng gần 46 lần, chỉ số sản xuất tăng bình quân tăng 10,3%/năm. Những “cánh đồng điện gió”, trung tâm năng lượng đã ra đời và lớn mạnh, từng bước nâng cao vị thế của Quảng Bình, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Cùng với bước “nhảy vọt” trong công nghiệp là hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, mang lại khởi sắc mới cho cả khu vực đô thị và nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Việc triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần cho ra đời những miền quê đáng sống, kéo lùi khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu. Thu ngân sách tăng bình quân 15-20%/năm; GRDP bình quân đầu người từ 0,46 triệu đồng năm 1990 lên hơn 46,1 triệu đồng năm 2020, đến năm 2023 là 60 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
 
Từ một nền kinh tế chậm phát triển, trải qua 35 năm tái lập tỉnh và gần 40 năm đổi mới, đến nay, Quảng Bình đã mở rộng cửa, thu hút số lượng lớn doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, đã có gần 150 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký trên 28.000 tỷ đồng, 1 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 55 triệu USD được phê duyệt và chấp nhận chủ trương đầu tư; gần 50 dự án phi chính phủ nước ngoài với giá trị cam kết viện trợ 9,5 triệu USD. Tỉnh đã tạo điều kiện và môi trường cạnh tranh bình đẳng và cam kết “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Phục vụ doanh nghiệp” là phương châm hành động của các cấp, ngành. Hiện, toàn tỉnh có hơn 8.800 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 20.000 tỷ đồng.
 
Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020-2025, việc thực hiện 4 khâu đột phá tương ứng với 4 chương trình hành động, gồm: Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đã tác động mạnh mẽ, toàn diện, tạo ra những đổi thay to lớn. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt nhưng với hướng đi đúng, quyết tâm cao, Quảng Bình trở thành điểm sáng với nhiều cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả, khẳng định thành công của 4 khâu đột phá và chương trình hành động.
 
Kinh tế khởi sắc, văn hóa-xã hội, y tế được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, giáo dục chinh phục nhiều đỉnh cao mới, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng được giữ vững và phát triển, Đảng bộ ổn định, nhân dân đoàn kết, đồng thuận, cùng chung khát vọng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc!
 
Hướng về tương lai
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Quảng Bình sẽ trở thành nền kinh tế năng động của khu vực miền Trung, là điểm kết nối quan trọng trên trục Bắc-Nam, Đông-Tây. Trong đó xác định 4 trụ cột phát triển kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị và 2 hành lang kinh tế. Đó chính là “công thức”, là cơ sở quan trọng tạo bước đột phá mới cho Quảng Bình trong tương lai.
 
Và hơn hết, hào khí ông cha 420 năm qua cùng những bài học kinh nghiệm quý giá trong 35 năm tỉnh nhà trở về địa giới cũ, những thời cơ, thuận lợi và cả thách thức trong gần 40 năm đổi mới, đã và đang là những động lực mạnh mẽ để Quảng Bình vững tin hướng về tương lai. Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà sẽ luôn đoàn kết, kiên trì, bền bỉ, chung sức xây dựng Quảng Bình ngày càng lớn mạnh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với khát vọng của các bậc tiền nhân và niềm tin của Bác Hồ kính yêu dành cho quê hương, xứng đáng với tên gọi Quảng Bình đầy thân thương và tự hào.
Vũ Đại Thắng
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

tin liên quan

Thể lệ và kế hoạch tổ chức Giải báo chí Diên Hồng lần thứ ba-năm 2025
Thể lệ và kế hoạch tổ chức Giải báo chí Diên Hồng lần thứ ba-năm 2025

(QBĐT) - Ban Tổ chức giải Diên Hồng vừa ban hành Nghị quyết số 211/NQ-BTC ban hành thể lệ giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND (giải Diên Hồng) lần thứ ba-năm 2025; Kế hoạch số 210/KH-BTC về việc tổ chức giải.

"Từ độ mang gươm đi mở cõi"-Bài 4: Thiên di theo chân người mở cõi
"Từ độ mang gươm đi mở cõi"-Bài 4: Thiên di theo chân người mở cõi

(QBĐT) - Theo chân người mở cõi, bao thế hệ con cháu vùng đất quê hương Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã thực hiện những cuộc thiên di tiến vào phương Nam xa xôi. 

Chuẩn bị chu đáo đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số
Chuẩn bị chu đáo đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Trong năm 2024, một sự kiện quan trọng, ý nghĩa sẽ được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, đó chính là Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV.