"Từ độ mang gươm đi mở cõi"-Bài 2: Cù lao Phố nhớ người xưa

  • 07:05, 30/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong suốt cuộc đời vô cùng đáng nhớ của mình, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã có những năm tháng cuối đời gắn bó nặng sâu với vùng đất Đồng Nai. Hơn 300 năm qua, trong hào khí của vùng đất bên dòng Đồng Nai vẫn có bóng dáng đôi bàn tay kinh lược của ông mà như nhận định của một nhà sử học thì Nguyễn Hữu Cảnh chính là “hiện thân của chính quyền xứ này từ năm 1698 và là cố chủ của vùng Đồng Nai ngày nay”.
 
 
Bàn tay kinh lược
 
Mùa xuân năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu ra lệnh cho Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phía Nam để mở rộng bờ cõi nước Việt. Trong chuyến kinh lược này, Nguyễn Hữu Cảnh đã chọn Đồng Nai làm điểm dừng chân và thiết lập một bộ máy hành chính cho vùng đất mới. Đây cũng chính là bộ máy hành chính đầu tiên ở phương Nam.
 
Chỉ ngót nghét một năm với nhiệm vụ kinh lược, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành nhiệm vụ vô cùng trọng đại trong công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt mà như trong cuốn “Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777” của Phan Khoang có viết: “Năm Mậu Dần (1698), đời chúa Hiển Tông, Thống suất Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) đã chánh thức sáp nhập đất Biên Hòa và Gia Định vào bản đồ Việt Nam, thiết lập xã, thôn…”.
Đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh: Xưa vốn là thờ Thần hoàng bổn cảnh, sau khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mất, người dân Trấn Biên đã thờ ông làm phúc thần làng xã.
Đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai).
Hơn 325 năm trước, trong hành trình kinh lược của mình, Nguyễn Hữu Cảnh ghi dấu ấn đậm nét đối với vùng đất cù lao Phố (phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa ngày nay-P.V). Sau khi đặt doanh trại tại đây, với tài thao lược và đức độ hơn người, ông cùng các quan chức dưới quyền thiết lập bộ máy hành chính nơi vùng đất mới.
 
Dưới tài sắp xếp của ông, chốn rừng rậm, đầm lầy quanh vùng Đồng Nai đã nhanh chóng trở thành vùng đất rộng lớn, đầy sinh khí. Nhờ công lao của ông mà vùng đất dưới thời Chúa Nguyễn đã sớm được sắp xếp quy củ theo hệ thống hành chính và một đội ngũ canh phòng vững chãi. Người dân xứ này vì thế cũng yên tâm làm ăn.
 
Ngoài việc nới rộng biên cương, ông động viên dân chúng nhanh chóng khai hoang, mở đất. Nguyễn Hữu Cảnh cũng phái thuộc binh đi chiêu mộ dân chúng từ ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Đức-Thừa Thiên Huế ngày nay) di cư vào Nam lập nghiệp.
 
Đáp lời kêu gọi của ông, hàng vạn dân ngũ Quảng đã thực hiện một cuộc thiên di mạnh mẽ xuôi vào Nam. Dân chúng đều một lòng tuân theo sự chỉ dạy của vị Thống suất kinh lược Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, để rồi, theo thời gian, dưới bàn tay của hàng vạn con người, vùng đất Đồng Nai ngày một mỡ màu, thêm sắc, thêm hương. Và định danh cù lao Phố, Đồng Nai, Gia Định gần như đã gắn liền với tên tuổi của ông từ cuối thế kỷ XVII ấy.
Toàn cảnh Đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai).
Toàn cảnh Đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai).
 
Đất cũ nhớ người xưa
 
Đến cù lao Phố hôm nay không còn dấu tích của một thương cảng sầm uất hàng trăm năm trước nhưng những dấu tích về người xưa, đất cũ vẫn còn in bóng đâu đó trong những đình chùa, miếu mạo phủ dấu thời gian. Trong tâm khảm của nhiều thế hệ người dân cù lao Phố vẫn vẹn nguyên lòng tôn kính đối với Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công kinh lược xứ sở này. Người dân cù lao Phố hôm nay vẫn còn lưu truyền câu thơ ca tụng công đức của Lễ Thành hầu: “Nghĩa nhân chủng hằng tâm đắp xây Đại Việt/Ơn biển trời lao khó gầy dựng Đồng Nai”.
 
Đặc biệt, với người dân cù lao Phố, đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh ngay bờ sông Đồng Nai chính là chứng tích đậm nét nhất, ghi dấu những tình cảm, sự tôn kính đối với Đức ông qua nhiều thế kỷ.
 
Theo ông Nguyễn Trung Cang, Trưởng ban Quý tế di tích đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, di tích đền thờ này xưa vốn là đình Bình Kính, được dân làng xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII, thờ thần hoàng bổn cảnh. Ban đầu, nơi đây chỉ là ngôi miếu nhỏ, sau khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, để bày tỏ lòng biết ơn, người dân đã cải miếu thành đình, thờ ông làm phúc thần làng xã. Theo sử sách ghi chép lại, từ thời vua Gia Long, đình đã được trùng tu và cắt cử 10 người trông coi, chăm sóc.
Ông Nguyễn Trung Cang, Trưởng ban Quý tế di tích Đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai tôn kính và tự hào khi kể những huyền tích về Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh.
Ông Nguyễn Trung Cang, Trưởng ban Quý tế di tích đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai tôn kính và tự hào khi kể những huyền tích về Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh.
Trải qua thời gian, ngôi đền đã được tôn tạo nhiều lần nhưng phía bên trong đền vẫn còn lưu giữ nhiều sắc phong quý giá và bộ áo mão mà Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vẫn thường mặc lúc sinh thời. Trên ban thờ tại đền, bộ áo mão được cất giữ cẩn thận và trưng trong tủ kính, gồm: Mão (mũ), cân đai, hia (hài), áo đủ bộ 4 lớp. Qua hàng trăm năm, đến nay, bộ áo mão vẫn còn nguyên vẹn, thoạt nhìn đã toát lên sự uy phong, mạnh mẽ của Đức ông lúc sinh thời.
 
Ông Cang bảo, mỗi năm vào dịp giỗ Đức ông, Ban Quý tế của đền sẽ làm lễ xin phép ông được đưa áo mão xuống để kiểm tra, bảo dưỡng. Đó là những thời khắc thiêng liêng mà không chỉ ông, những người được chứng kiến đều rưng rưng xúc động. Với người dân cù lao Phố, dẫu chỉ biết về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh qua những câu chuyện kể từ thế hệ này đến thế hệ khác nhưng vẫn dành cho Đức ông sự tôn kính vô biên.
 
Dấu ấn Lễ Thành hầu vẫn đậm nét trong từng dáng đất, hình hài của chốn cù lao Phố và vẫn luôn ở đó: Trong tâm khảm của những người dân Biên Hòa-Đồng Nai hôm nay. Mỗi lúc cần sự an yên trong tâm hồn, họ lại tìm đến đền thờ, dâng hương lên Đức ông bằng tất cả tấm lòng thành kính.  
Bộ áo mão của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vẫn thường mặc lúc sinh thời được cất giữ cẩn thận tại đền thờ.
Bộ áo mão của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vẫn thường mặc lúc sinh thời được cất giữ cẩn thận tại đền thờ.
 
Lưu dân “xứ sở lạ lùng”
 
Vốn được mệnh danh là “xứ sở lạ lùng, dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um”, trải qua hơn 325 năm từ độ Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược xứ này, Đồng Nai giờ đã là một vùng đất trù phú, mỡ màu. Trên hành trình nơi vùng đất mới, những lưu dân xưa đã thực hiện những cuộc thiên di xuôi vào Nam lập thân, lập nghiệp. Như hàng trăm năm trước, từ mở đất đến mở lòng, mảnh đất này vẫn bao dung, phóng khoáng dung chứa hàng triệu lưu dân tứ xứ đến đây lập nghiệp. Để rồi, “xứ sở lạ lùng” ấy nay đã có hơn 30 tộc người của cộng đồng dân tộc Việt Nam cùng sống quần tụ, đoàn kết bên nhau, đắp xây nên một vùng đất, một dáng hình mạnh mẽ trên bản đồ nước Việt.
 
“Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”, theo chân người mở cõi, bao thế hệ người dân Quảng Bình đã đặt chân đến vùng đất Đồng Nai, cùng góp sức xây dựng vùng đất miền Đông Nam bộ này. Với họ, được sinh sống, làm việc nơi vùng đất mà khi xưa Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã có công kinh lược vừa là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao.
 
Ông Võ Quang Ngọc, Ủy viên Thường trực Hội đồng hương Quảng Bình tại Đồng Nai khẳng định, chính niềm tự hào ấy mà bao thế hệ người Quảng Bình dặn lòng phải luôn nỗ lực để xứng đáng là hậu duệ của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh trên quê hương thứ hai.
Từ một “xứ sở lạ lùng”, Biên Hòa-Đồng Nai đã trở thành vùng đất lành “gạo trắng nước trong” dung chứa hàng triệu lưu dân tứ xứ đến đây lập nghiệp bên dòng sông Đồng Nai.
Từ một “xứ sở lạ lùng”, Biên Hòa-Đồng Nai đã trở thành vùng đất lành “gạo trắng nước trong” dung chứa hàng triệu lưu dân tứ xứ đến lập nghiệp bên dòng sông Đồng Nai.
“Bà con Quảng Bình tại đây luôn nhắc nhớ nhau về truyền thống của quê hương, về Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh để sống xứng đáng, làm rạng danh quê hương Quảng Bình nơi xa xứ. Chúng tôi nỗ lực xây dựng Hội đồng hương Quảng Bình tại Đồng Nai ngày càng mạnh mẽ, trở thành một cộng đồng đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế và duy trì các hoạt động hướng về quê hương. Trong số những người con Quảng Bình trưởng thành ở mảnh đất Đồng Nai, nhiều người đã tạo dựng được tên tuổi và có nhiều đóng góp đặc biệt, như: Thầy thuốc nhân dân Từ Thanh Chương, doanh nhân Đặng Xuân Trung, doanh nhân Trần Thanh Sắc…”.
 
Hơn 325 năm Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn vào kinh lược phương Nam, vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai đã trở thành một phần máu thịt của đất mẹ Việt Nam. Bao lớp cư dân theo chân tiền nhân đi mở cõi ngày ấy đã giữ gìn, phát huy và hun đúc nên hào khí Trấn Biên. Từ một “xứ sở lạ lùng”, Biên Hòa-Đồng Nai đã trở thành vùng đất lành “gạo trắng nước trong” và ngày nay là những đô thị hiện đại, những khu công nghiệp tiên tiến vươn tầm quốc tế. Suốt nhiều thập kỷ, Đồng Nai không chỉ là địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc hàng tốp của cả nước, mà còn là một cực tăng trưởng quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hàng năm đều có đóng góp tích cực cho ngân sách quốc gia. Năm 2023, Đồng Nai xếp thứ 4 trên cả nước về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
 
 
Nội Hà-Diệu Hương
 
Bài 3: Về An Giang, nghe chuyện ông Chưởng

tin liên quan

Tự hào về quê hương
Tự hào về quê hương

(QBĐT) - Ôn lại chặng đường đã qua với nhiều gian khó nhưng cũng đầy vinh quang, hành trang ngày mới là truyền thống quê hương và niềm tin, khát vọng cùng quyết tâm vươn tới, đồng lòng xây dựng Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với tên gọi mà bậc tiền nhân đã lựa chọn và gửi trao cho con cháu đời sau!

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Lệ Thủy lần thứ XVII
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Lệ Thủy lần thứ XVII

(QBĐT) - Trong các ngày 28 và 29/5, MTTQVN huyện Lệ Thủy tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2024-2029.

Bảo đảm quyền lợi người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội
Bảo đảm quyền lợi người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội

(QBĐT) - Gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động là một trong những hoạt động trọng tâm và "điểm nhấn" của tổ chức công đoàn trong đợt cao điểm hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2024.