TP. Đồng Hới: "Nâng hạng" chỉ số cải cách hành chính
07:01, 24/01/2024
(QBĐT) - Cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá chiến lược, tác động đặc biệt quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do đó, thời gian qua, UBND TP. Đồng Hới luôn quan tâm thực hiện công tác CCHC và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2024, UBND TP. Đồng Hới tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp để “nâng hạng” chỉ số CCHC.
CCHC được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền TP. Đồng Hới. Năm 2023, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt các văn bản về CCHC đến từng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong đơn vị mình. Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường niêm yết các văn bản CCHC và bộ thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực; triển khai thực hiện những văn bản liên quan về CCHC; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác CCHC cho cán bộ, công chức phụ trách công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị trực thuộc...
Trưởng phòng Nội vụ TP. Đồng Hới Hoàng Thị Mai cho biết, nhằm đổi mới, sáng tạo trong công tác CCHC, UBND TP. Đồng Hới đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khuyến khích cán bộ, công chức có sáng kiến, giải pháp trong triển khai công tác CCHC. Hiện, thành phố đang thực hiện hiệu quả mô hình “Công sở thân thiện, kỷ cương trách nhiệm", tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi đến giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai thực hiện mô hình điểm “Dịch vụ công trực tuyến” theo Đề án 06 trên địa bàn phường Đồng Hải; triển khai, đôn đốc hưởng ứng cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC…
Với những nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC, năm 2023, TP. Đồng Hới đã triển khai toàn diện trên cả 6 nội dung của công tác CCHC. Công tác chỉ đạo điều hành CCHC ngày càng được cấp ủy, chính quyền quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; vai trò của người đứng đầu được đề cao, các cơ quan, đơn vị, địa phương phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo hoạt động CCHC. Công tác kiểm tra CCHC được tiến hành thường xuyên, qua đó, phát huy được mặt tích cực, khắc phục tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Việc giải quyết các thủ tục hành chính của TP. Đồng Hới ngày một tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của công dân.
Đặc biệt, công tác cải cách TTHC trên địa bàn thành phố ngày càng được quan tâm và đi vào nền nếp, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Việc công khai và tổ chức giải quyết các TTHC đang ngày một tốt hơn, thực hiện đúng theo quy định, giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời yêu cầu của công dân. Công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được quan tâm và bước đầu triển khai theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Công tác hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tạo lập danh tính số (đăng ký, tạo lập tài khoản) trên Cổng dịch vụ công quốc gia/Cổng dịch vụ công tỉnh đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt, trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, công chức. Việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được chú trọng. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt cao (91,78%).
Năm 2023, UBND thành phố cũng ban hành 2 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Nhìn chung, các văn bản QPPL được ban hành theo đúng trình tự thủ tục, đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, phù hợp với thực tiễn quản lý và tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Công tác cải cách tổ chức bộ máy được tiến hành kịp thời, bảo đảm chỉ tiêu, số lượng theo yêu cầu của tỉnh. Ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Công tác cải cách tài chính công được UBND thành phố thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Thành phố thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp, địa phương thực hiện thu nộp các khoản thuế được giao theo kế hoạch đã giao. Công tác chi ngân sách bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chi theo chế độ, đúng định mức, tiêu chuẩn quy định. Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 được triển khai quyết liệt, mang lại hiệu quả.
Việc vận hành Trung tâm giám sát điều hành thông minh TP. Đồng Hới (Đồng Hới IOC), ứng dụng Công dân thông minh “Dong Hoi SmartCity” đã cho nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng đô thị thông minh của thành phố. Hạ tầng công nghệ thông tin được duy trì ổn định và nâng cấp hiện đại, góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, giảm chi phí, thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
TP. Đồng Hới hiện có 515 TTHC, trong đó 335 TTHC thuộc thẩm quyền của UBND thành phố và 180 TTHC thuộc thẩm quyền UBND cấp xã. Trong năm 2023, thành phố đã tiếp nhận 14.859 hồ sơ TTHC (tiếp nhận trực tiếp 6.989 hồ sơ, trực tuyến 7.870 hồ sơ); kỳ trước chuyển sang 896 hồ sơ. Tổng hồ sơ TTHC đã giải quyết là 14.404 hồ sơ, trong đó, giải quyết đúng và sớm hạn là 12.210 hồ sơ.
Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả, nâng cao chỉ số CCHC, UBND TP. Đồng Hới đã xây dựng kế hoạch CCHC năm 2024; chỉ đạo các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền công tác CCHC. UBND thành phố xây dựng các kế hoạch triển khai công tác cải cách thể chế; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL ngày càng có hiệu quả.
Đối với công tác cải cách TTHC, thành phố chú trọng triển khai thực hiện quy trình số hóa các loại hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, bảo đảm tỷ lệ TTHC hoàn thành việc triển khai quy trình số hóa năm 2024 của thành phố đạt tối thiểu 50%, cấp xã đạt tối thiểu 30% tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Thành phố phấn đấu 100% công dân, tổ chức, doanh nghiệp đến nộp hồ sơ trực tiếp (hồ sơ giấy) được cấp tài khoản trên cổng dịch vụ công theo quy định; đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến đối với các TTHC có quy định phải nộp phí, lệ phí. UBND thành phố thực hiện rà soát, đôn đốc các đơn vị, UBND các xã, phường giải quyết TTHC bảo đảm đúng hạn, không để xảy ra tình trạng hồ sơ TTHC chậm xử lý, tồn đọng quá hạn trên hệ thống một cửa điện tử.
Thành phố cũng chú trọng sắp xếp, bố trí đội ngũ CBCCVC bảo đảm cơ cấu chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về CBCCVC theo đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường tăng cường sử dụng chữ ký số vào gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh; tích cực khai thác, sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh hướng tới phát triển chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia...
Là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm cao nhất trong lĩnh vực phụ trách, tuy nhiên, do sự thiếu đồng bộ và chặt chẽ trong các quy định, cho nên trong nhiều quy hoạch, chương trình, đề án hay những điều chỉnh, sắp xếp ở các địa phương đã không có sự tham vấn cần thiết của cơ quan chuyên ngành, dẫn đến nhiều hệ lụy.
(QBĐT) - Bám sát nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng, năm 2023, Ủy ban Kiểm tra các cấp trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, góp phần củng cố, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng…