![]() |
Theo Chủ tịch HND tỉnh Trần Tiến Sỹ, xác định chất lượng nông sản là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công khi tham gia vào quá trình CĐS, các cấp HND trong tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, vận động HVND ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông sản. Các mô hình tưới nhỏ giọt Israel, trồng cây thủy canh trong nhà màng, nuôi tôm công nghệ cao... đã được nhiều HVND áp dụng thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như như mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới tự động của ông Nguyễn Hữu Việt (phường Quảng Thọ, TX. Ba Đồn), với diện tích canh tác hơn 1.000m2, mỗi năm thu hoạch trên 10 tấn rau, quả các loại, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Mô hình trang trại nuôi tôm công nghệ cao của ông Hoàng Minh Thắng (xã Hải Ninh, Quảng Ninh) quy mô hơn 6ha, với 15 ao nuôi, duy trì thả 5 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, cho doanh thu từ 3-5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động. Mô hình nuôi lợn trong hệ thống nhà lạnh khép kín của ông Nguyễn Văn Trung (xã Mai Thủy, Lệ Thủy) với diện tích 1.200m2, quy mô 1.200 lợn thịt/năm, sau khi trừ chi phí mỗi năm trang trại thu lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng…
Để hỗ trợ HVND ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản, HND tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 về đưa sản phẩm của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hộ sản xuất, kinh doanh giỏi lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart. Đến nay, đã đưa được 85 sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 38 sản phẩm OCOP Quảng Bình lên sàn thương mại điện tử Postmart. Trung bình mỗi tháng có trên 150 đơn hàng của hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giao dịch qua sàn Postmart.vn.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu HND tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 vừa diễn ra giữa tháng 9/2023, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu đã khẳng định, trong giai đoạn CĐS đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, ND không thể đứng ngoài cuộc. Kinh tế thị trường, hợp tác, liên kết trong nông nghiệp đòi hỏi ND phải thay đổi tư duy sản xuất và phương thức quản trị. Muốn vậy, mỗi một ND cần phải năng động, sáng tạo, đẩy mạnh CĐS, làm chủ khoa học công nghệ, kinh tế số. |
ND trong tỉnh có thể thông qua máy tính, điện thoại thông minh để truy cập vào cơ sở dữ liệu về sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường, giá cả nguyên liệu và trao đổi kinh nghiệm để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, thời gian qua, ứng dụng các tiện ích của mạng xã hội, như: Facebook, zalo, người dân đã chủ động xây dựng các trang bán hàng, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản của hộ gia đình, HTX, THT, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa trao đổi rộng khắp trên không gian mạng…
Thông qua việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các hộ sản xuất ngày càng nhận thức thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng các mô hình liên kết đa dạng giữa các hộ kinh doanh, THT và HTX với doanh nghiệp trong việc sản xuất nông sản sạch thông qua ký kết hợp đồng kinh tế.
Sự chuẩn hóa thông tin trong tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa bảo đảm độ tin cậy của thông tin về sản phẩm, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở kinh doanh, đồng thời yêu cầu ND và cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, tuân thủ quy trình sản xuất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nông sản cung ứng cho thị trường.
Bên cạnh đó, HND tỉnh còn tăng cường liên kết, tạo điều kiện cho HVND trong tỉnh tham gia vào các chuỗi sự kiện về xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản trong, ngoài tỉnh. HND tỉnh cũng đã phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT đưa hơn 30 sản phẩm tiêu biểu đại diện cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia Festival trái cây và các sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La đạt kết quả cao.
![]() |