(QBĐT) - Cán bộ Đoàn ở cơ sở là “hạt nhân” để dẫn dắt, tổ chức các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu niên ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đơn vị đoàn cơ sở đang gặp khó khăn về đội ngũ “thủ lĩnh”, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động và các phong trào Đoàn ở địa phương.
Cán bộ Đoàn cơ sở đang ...“già hóa”
Từ lâu, Bí thư Đoàn thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) Đặng Thanh Văn (SN 1982) được biết đến là “thủ lĩnh” có thâm niên nhiều năm làm cán bộ Đoàn nhất trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Là một cán bộ Đoàn trưởng thành từ cơ sở đến nay, anh Văn đã có 23 năm làm cán bộ Đoàn, trong đó có 15 năm làm Bí thư Đoàn thị trấn. Bí thư Đoàn thị trấn miền núi này từng tự hào với một thời tuổi trẻ sôi nổi, năng nổ, nhiệt tình và cống hiến cho hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu niên ở cơ sở.
Nhưng giờ đây, chính anh thừa nhận, với độ tuổi 41 này, nhiều lúc anh thấy không còn phù hợp với các hoạt động Đoàn nữa. “Sự xông xáo, nhiệt tình cũng không còn “máu lửa” như lúc trước nữa. Tôi cũng mong được tổ chức phân công, bố trí công tác khác để anh em trẻ có cơ hội thể hiện năng lực, tập hợp, tổ chức các phong trào hoạt động cho phù hợp”, Bí thư Đoàn thị trấn Đồng Lê Đặng Thanh Văn chia sẻ.
Sự chênh lệch tuổi tác, rồi khoảng cách thế hệ với đoàn viên, thanh niên (ĐV, TN) là điều khó nói và không thể tránh khỏi của các cán bộ Đoàn lớn tuổi. Đã có lúc, anh Văn cũng đã tự nguyện xin rút để giảm bớt “gánh nặng” cho tổ chức. Bởi, “đầu có xuôi, đuôi mới lọt”. Hiện tại, Phó Bí thư Đoàn Thị trấn Đồng Lê cũng là một cán bộ Đoàn trẻ sinh năm 1995 đầy nhiệt huyết và năng động. Nhưng xem xét những cống hiến nhiều năm của anh, tổ chức cũng không “đành lòng”.
Đoàn viên, thanh niên huyện Quảng Trạch tổ chức “Bữa cơm nghĩa tình” cho gia đình chính sách trong dịp 27/7 vừa qua.
Tương tự, Bí thư Đoàn xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) Đoàn Xuân Trọng (SN 1982) cũng đã có thâm niên làm công tác đoàn gần 20 năm, trong đó có 13 năm làm Bí thư Đoàn xã. Sau khi xã Thạch Hóa (cũ) và xã Nam Hóa sáp nhập, cùng với lực lượng Công an chính quy về xã, quy định tinh giản biên chế, cán bộ, công chức xã dôi dư, anh Trọng buộc phải “kéo dài tuổi Đoàn” của mình, chờ đợi để bố trí vị trí công tác khác phù hợp hơn.
Anh Đoàn Xuân Trọng tâm sự: “Chưa nói đến sự sôi nổi, nhiệt huyết của tuổi trẻ bị giảm sút theo thời gian, tuổi tác, thế hệ thủ lĩnh Đoàn như chúng tôi giờ đây, khó có thể bắt kịp xu hướng của lớp trẻ bây giờ. Thế nên sẽ thiếu đi sự đồng điệu, hòa đồng với ĐV, TN cũng là điều dễ hiểu. Chúng tôi đã có con là học sinh THPT và sinh viên đại học, nên mỗi dịp sinh hoạt Đoàn, ĐV, TN đều gọi chúng tôi là chú, bác hết cả. Nhưng tổ chức đã phân công thì mình phải chấp hành và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Huyện đoàn Tuyên Hóa hiện là đơn vị có số lượng “thủ lĩnh” Đoàn xã quá độ tuổi quy định nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, trong số 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có đến 9 cán bộ Đoàn quá tuổi.
Theo Bí thư Huyện đoàn Tuyên Hóa Nguyễn Ngọc Quân: “Trong điều kiện thực hiện tinh giản biên chế, cán bộ, công chức bị dôi dư, các cán bộ Đoàn quá tuổi nói trên phải chấp nhận kéo dài thời gian công tác Đoàn để chờ bố trí công tác khác phù hợp vì không còn giải pháp nào khác. Điều đáng nói là cấp ủy, chính quyền các địa phương đã rất quan tâm tạo điều kiện cho những trường hợp này. Tuy nhiên, về lâu dài, điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ cán bộ Đoàn kế cận. Trên địa bàn cũng đã có nhiều trường hợp phó bí thư Đoàn xã trẻ, có năng lực viết đơn xin nghỉ vì họ nhận thấy rất khó có cơ hội để phát triển. Nếu tình trạng này kéo dài khoảng 5 năm nữa, việc tìm nguồn cán bộ Đoàn cấp cơ sở ở khu vực nông thôn, miền núi sẽ rất khó khăn”.
Vắng đoàn viên, thiếu “thủ lĩnh”
Các đoàn cơ sở hiện nay không chỉ đối mặt với tình trạng thủ lĩnh Đoàn bị “già hóa” do không bố trí “đầu ra”, mà còn chật vật trong việc tìm nguồn đào tạo. Tháng 6 vừa qua, Đoàn xã Thanh Thạch (Tuyên Hóa) được giao nhiệm vụ tổ chức lớp dạy bơi trên sông cho trẻ em trên địa bàn. Nhưng lớp học tổ chức được 2 ngày thì phải dừng lại do không có lực lượng để cùng giám sát, quản lý. Bí thư Đoàn xã Thanh Thạch Đinh Minh Tặng cho biết: “Hầu hết ĐV, TN trên địa bàn xã đều đi làm ăn xa. Bộ máy nhân sự chi đoàn thiếu và không ổn định.
Hiện tại, Đoàn xã có 4 chi đoàn nông thôn thì cả 4 đơn vị chỉ có chức danh bí thư, không có ban chấp hành. Có thời điểm, trong một năm phải kiện toàn nhân sự đến 2 lần, do bí thư chi đoàn xin nghỉ để đi làm ăn xa. Chưa nói đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn và chất lượng hoạt động các phong trào, việc tìm được nhân sự chỉ để duy trì tổ chức chi đoàn cũng đã rất khó khăn. Trong điều kiện như vậy thì khó có thể mong tìm được người có đủ nhiệt huyết, năng lực để đáp ứng yêu cầu”.
Nhân sự “thủ lĩnh” đoàn cơ sở không ổn định ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động, phong trào Đoàn.
Tương tự, Đoàn xã Quảng Lưu là một trong những đoàn cơ sở lớn với 17 chi đoàn nông thôn. Thế nhưng, ở đây cũng diễn ra tình trạng chi đoàn vắng ĐV, thiếu “thủ lĩnh”. Bí thư Đoàn xã Quảng Lưu Nguyễn Xuân Vinh cho biết, tìm kiếm nhân sự chi đoàn ở nông thôn rất khó. Trong số 17 chi đoàn, hiện chỉ có 12 chi đoàn có bí thư, còn 5 chi đoàn không có bí thư, vì họ đi làm ăn xa. ĐV, TN cũng như vậy. Đến cuối năm hoặc dịp nghỉ lễ, họ mới về quê tổ chức các hoạt động cho ĐV, TN. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ của các đoàn cơ sở này thực hiện nhiệm vụ dựa trên sự nhiệt tình, đam mê với hoạt động phong trào, chứ không có sự ràng buộc”.
Bí thư Huyện đoàn Quảng Trạch Trương Minh Tuấn cho biết: “Chi đoàn là “tế bào” của tổ chức đoàn và là hạt nhân nòng cốt đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi. Các đoàn cơ sở như chi đoàn có vai trò là “cánh tay nối dài” của các tổ chức đoàn cấp trên. Đây chính là những đơn vị trực tiếp triển khai các hoạt động, phong trào ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, bộ máy các tổ chức đoàn cơ sở, nhất là các chi đoàn nông thôn thiếu nhân sự và không ổn định.
Ngày hôm nay họ có thể làm, nhưng ngày mai xin nghỉ. Nhiều trường hợp “bị buộc” phải hoạt động Đoàn vì đang trong thời gian phấn đấu để được kết nạp Đảng. Kết nạp xong họ xin nghỉ vì lý do cá nhân. Những khó khăn đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động Đoàn ở địa phương, các phong trào, cuộc vận động do Đoàn cấp trên phát động và sức mạnh tập hợp ĐV, TN ở cơ sở”.
Theo Trưởng ban Tổ chức-Kiểm tra Tỉnh đoàn Nguyễn Phương Lâm, khó khăn nhất hiện nay trong công tác cán bộ của các cấp bộ Đoàn là vấn đề “đầu ra” cho cán bộ Đoàn quá tuổi. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 40 trường hợp bí thư Đoàn cấp huyện, xã, phường, thị trấn quá tuổi theo quy chế. Nắm bắt được thực tế nói trên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tham mưu cấp ủy các cấp tìm giải pháp “đầu ra” cho cán bộ quá tuổi công tác Đoàn.
Tỉnh đoàn cũng đã đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm bố trí, sắp xếp biên chế cho cán bộ Đoàn quá tuổi và xem xét tiếp nhận vào công chức cấp xã không qua thi tuyển. Đối với khó khăn của cán bộ Đoàn cơ sở, nhất là ở khu vực nông thôn, các cấp bộ Đoàn cần chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp những kế hoạch dài hơi, phát hiện những nhân tố mới tích cực qua các phong trào để tạo nguồn cán bộ Đoàn.
Vấn đề lớn nhất của ĐV, TN ở nông thôn, miền núi hiện nay là việc làm và thu nhập. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tranh thủ các nguồn lực, tạo điều kiện, hỗ trợ, nhằm vừa tạo sinh kế tại chỗ vừa giữ chân ĐV, TN.
(QBĐT) - Trong 2 ngày 24 và 25/8, Thị ủy Ba Đồn tổ chức hội thi Bí thư Chi bộ giỏi năm 2023. Tham dự có đồng chí Trương An Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Ba Đồn.