Ý kiến các sở, ngành tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII

  • 06:07, 14/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong các ngày 12 và 13/7, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra. Báo Quảng Bình xin giới thiệu một số ý kiến của các sở, ban, ngành tại kỳ họp này.
 
Phát huy vai trò công tác dân vận trong thực hiện các dự án trọng điểm
*Ông Phan Xuân Khánh,
Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy
 
Phát huy vai trò công tác dân vận trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm của tỉnh, thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận các cấp đã chủ động nắm bắt tình hình nhân dân và dư luận xã hội, tích cực tham mưu cấp ủy chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi lên ở cơ sở. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu, phối hợp thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện các dự án: Đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn qua Quảng Bình, đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Nhờ đó, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thực hiện các dự án trọng điểm. Hiện nay, phong trào phát triển rộng khắp ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị với nhiều mô hình cụ thể, hiệu quả và trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị.
Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lê Văn Bảo nắm bắt tình hình nhân dân và kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án cầu Nhật Lệ 3.
Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lê Văn Bảo nắm bắt tình hình nhân dân và kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án cầu Nhật Lệ 3.
Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình thực tiễn cơ sở cho thấy, hiện nay, việc triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Nhiều cử tri tại các địa phương đặc biệt quan tâm và mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị liên quan có chính sách phù hợp, giải pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án để sớm đưa vào sử dụng.
 
Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận các cấp đã và đang nỗ lực nắm tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và đồng ý với những chính sách về GPMB trong thực hiện các dự án trọng điểm của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, nghị quyết về công tác dân vận nói chung, mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện các dự án trọng điểm nói riêng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai công việc liên quan đến những chương trình, dự án trọng điểm. Người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị về công tác GPMB triển khai các dự án trọng điểm.
                                                                               Hiền Chi (thực hiện)
 
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư trong thực hiện và
giải ngân vốn đầu tư công
*Ông Phan Phong Phú,
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
 
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 30/6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) năm 2023 tỉnh Quảng Bình đạt 29,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung toàn quốc (30,5%) nhưng cao hơn so với cùng kỳ (tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 22%) và xếp thứ 40/63 tỉnh. Giá trị tuyệt đối giải ngân cao hơn cùng kỳ là 330 tỷ đồng.
 
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân VĐTC của tỉnh. Và để khắc phục những khó khăn, hạn chế, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân VĐTC trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm như sau:
 
Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt công tác giải ngân VĐTC là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới. Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân VĐTC.
 
Chỉ đạo các địa phương phối hợp với chủ đầu tư có công trình triển khai trên địa bàn tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật. Tăng cường kiểm tra, bám sát hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên để có phương án xử lý theo quy định. Chỉ đạo chủ đầu tư kiên quyết chấm dứt hợp đồng, thay thế các nhà thầu không bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án giải ngân thấp sang các dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh.
Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án giải ngân thấp sang các dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh.
Thứ hai, quán triệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư trong thực hiện và giải ngân VĐTC. Xử lý, kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo đúng tiến độ.
 
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư phải xác định công tác giải ngân đầu tiên, quan trọng hàng đầu thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh giải ngân VĐTC, phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách từng dự án (DA) và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư DA. 
 
Quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao, cụ thể, vào cuộc thực chất hơn và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả.
 
Thứ ba, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, tiếp tục rút ngắn thủ tục hành chính, tăng cường công tác GPMB. Các sở, ngành, địa phương liên quan, các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục giải trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với các DA đầu tư công đang thực hiện các thủ tục ở Trung ương.
 
Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện các thủ tục để triển khai DA. Nâng cao vai trò, trách nhiệm các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã về phối hợp liên quan đến công tác giải ngân VĐTC trong công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư; nhập dự toán và thanh toán, giải ngân vốn. Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn của các DA giải ngân thấp sang các DA giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh.
 
Sở KH-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Quảng Bình và các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư sâu sát, nắm chắc tình hình giải ngân của từng nguồn vốn, từng DA. Tập trung kiểm tra thực tế tình hình triển khai và giải ngân các DA trọng điểm, các DA có tỷ lệ giải ngân thấp để tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có biện pháp xử lý và tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của năm 2023, phấn đấu giải ngân đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2023.
Anh Tuấn (thực hiện)
 
Chủ động ứng phó với hạn hán và phòng, chống dịch bệnh trong
sản xuất nông nghiệp
 *Ông Mai Văn Minh,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
 
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là điều kiện thời tiết diễn biến bất thường vào cuối vụ đông-xuân; giá các loại thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản vẫn ở mức cao; dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Tuy nhiên, qua thống kê, đánh giá, tổng sản lượng lương thực vụ đông-xuân đạt hơn 201.000 tấn, vượt 4,5% so với kế hoạch, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Ngành chăn nuôi tuy gặp khó khăn, nhưng một số trang trại đã áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến khép kín, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng hệ thống làm mát tự động, thức ăn ủ men vi sinh, đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng biogas…
 
Để chủ động ứng phó với hạn hán và phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện.
 
Theo đó, Sở NN-PTNT đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, nắm bắt, rà soát, cân đối lại nguồn nước thực có của các hồ chứa với nhu cầu sử dụng để xác định diện tưới phù hợp; đồng thời phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi xem xét phương án hỗ trợ nước từ các hồ chứa lớn do công ty quản lý để chống hạn cho những diện tích thiếu nước do địa phương quản lý; kiểm tra việc lấy nước vào ao nuôi trồng thủy sản, kiên quyết hoành triệt các cống lấy nước tự do, xả nước tràn lan; ưu tiên cân đối nguồn nước theo thứ tự sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng phương án cấp nước sinh hoạt cụ thể đối với từng vùng, đặt biệt chú trọng đến vùng núi cao, vùng sâu, vùng ven biển, không để xảy ra thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Hồ chứa nước Phú Vinh bảo đảm cung cấp đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn T.P Đồng Hới.
Hồ chứa nước Phú Vinh bảo đảm cung cấp đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn T.P Đồng Hới.
Bên cạnh đó, cân đối nguồn nước thực có của các công trình thủy lợi để chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các giống cây phù hợp khả năng chịu hạn; xây dựng phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho từng khu vực, địa bàn với các giải pháp cụ thể bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; vận động người dân trữ nước và sử dụng nước có hiệu quả, tiết kiệm; tổ chức tu sửa, khắc phục những công trình thủy lợi bị hư hỏng, nạo vét, sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh tưới…
 
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Sở NN-PTNT đã thực hiện các giải pháp, như: Chủ động, kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; nâng cao chất lượng con giống, công tác tiêm phòng vắc-xin; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức; vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh, nghi mắc bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
 
Ngoài ra, Sở NN-PTNT chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý khi mới phát hiện, hạn chế lây lan ra diện rộng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định…
Ngọc Hải (thực hiện)
 
Triển khai đồng bộ các giải pháp thu ngân sách
*Ông Đoàn Vĩ Tuyến,
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh
 
Triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, sự điều hành của UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh đã triển khai tích cực các giải pháp thu ngân sách.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thu nội địa trên địa bàn tỉnh được 2.529 tỷ đồng, đạt 43% dự toán Trung ương, đạt 39% dự toán tỉnh và bằng 51% so với cùng kỳ. Nếu trừ thu tiền sử dụng đất ước thu được 1.337,8 tỷ đồng, đạt 39,5% dự toán Trung ương và 38,2% dự toán tỉnh, bằng 93% so với cùng kỳ.
 
Dự báo tình hình kinh tế thời gian tới còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm, các dự án trọng điểm triển khai chưa đạt tiến độ, đặc biệt cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, giảm thuế, thị trường bất động sản chưa phục hồi, dự kiến năm 2023 toàn tỉnh có thể hụt thu ngân sách và nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2023 hết sức nặng nề.
Thị trường bất động sản chưa phục hồi đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Thị trường bất động sản chưa phục hồi đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Trước những khó khăn và thách thức đó, ngành Thuế tỉnh sẽ tập trung quản lý nguồn thu; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách; khai thác triệt để các nguồn thu, rà soát các khoản hụt thu, qua đó xác định các nguồn thu còn tiềm năng, tăng thu để bù đắp các khoản hụt thu; tăng cường công tác chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; tập trung triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành Thuế quản lý, bảo đảm chỉ tiêu của ngành; đồng thời, rà soát lại các đối tượng nợ khó thu để tham mưu trình UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về phương án xử lý nợ theo nghị quyết của Quốc hội; triển khai có hiệu quả các đề án chống thất thu, tập trung vào các lĩnh vực: Nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch...; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan để triển khai thực hiện.

Ngành Thuế tập trung tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (NNT) các chính sách pháp luật về thuế, các chính sách miễn, giảm, gia hạn nợ, hoàn thuế tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho NNT. Trong đó, tập trung triển khai, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện tốt Nghị định số 12/2023/NĐ-CP, ngày 14/4/2023 của Chính phủ quy định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP, ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho NNT; nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan thuế, bảo đảm việc giải quyết hồ sơ đúng thời gian quy định và cam kết của ngành Thuế, không được để hồ sơ quá hạn.
 
Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng kịch bản thu ngân sách từng tháng, quý, đối với từng địa bàn, lĩnh vực thu sát đúng với thực tế phát sinh để không bị động trong công tác điều hành thu chi ngân sách tỉnh 6 tháng cuối năm; bảo đảm tích cực, vững chắc, có tính khả thi cao và bao quát toàn bộ nguồn thu trên địa bàn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ; tiếp tục thực hiện tốt chương trình phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phấn đấu xây dựng nội bộ ngành vững mạnh, cán bộ thuế văn minh, tận tụy phục vụ NNT.
Lan Chi (thực hiện)
 
Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phòng cháy chữa cháy
*Trung tá Dương Tuấn Anh,
Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh
 
Thực hiện Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07, ngày 7/10/2022 của Bộ Công an và Công văn số 1938/UBND-NCVX, ngày 17/10/2022 của UBND tỉnh liên quan đến việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn toàn tỉnh, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp tham mưu, chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với 8.176 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC (trong đó, Công an tỉnh quản lý 2.340 cơ sở, UBND cấp xã quản lý 5.836 cơ sở).
 
Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều tồn tại, thiếu sót về PCCC và đã kiến nghị, hướng dẫn cơ sở khắc phục 3.543 tồn tại, thiếu sót về PCCC, xử phạt vi phạm hành chính 93 trường hợp với số tiền hơn 1.246 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ cơ sở do vi phạm rất nghiêm trọng quy định về PCCC đối với 16 cơ sở. Đặc biệt, toàn tỉnh có 147/168 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm an toàn về PCCC và chủ cơ sở đã tạm ngừng hoạt động để khắc phục tồn tại, thiếu sót về PCCC hoặc chuyển đổi công năng sử dụng. Việc cải tạo khắc phục các tồn tại ở các cơ sở karaoke gặp nhiều khó khăn do: Phải bố trí nguồn kinh phí cao; liên quan đến đường, lối thoát nạn; cơ sở đã sử dụng hết quỹ đất hoặc khi cải tạo, sửa chữa gây ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực công trình; chưa trang bị đầy đủ hệ thống PCCC hoặc vật liệu trang trí nội thất, cách âm, cách nhiệt đang sử dụng không phải là vật liệu không cháy hoặc khó cháy theo quy định... 
Diễn tập PCCC và CNCH tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình.
Diễn tập PCCC và CNCH tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình.

Qua thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC phát hiện một số hồ sơ thiết kế chưa bảo đảm theo các quy định về PCCC; nhiều hồ sơ phải trả lại nhiều lần do chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế chưa chỉnh sửa hết các nội dung đã được hướng dẫn. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tích cực hướng dẫn kỹ cho chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế khắc phục, điều chỉnh bản vẽ. Cũng qua kiểm tra phát hiện nhiều dự án, công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đã xây dựng hoàn thiện nhưng không thể nghiệm thu về PCCC, nguyên nhân do việc tổ chức thi công, xây dựng không đúng với thiết kế đã được thẩm duyệt về PCCC và các quy định về PCCC...

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: Ban hành Kế hoạch số 2527/KH-CAT-PC07, ngày 25/4/2023 về việc kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về PCCC và CNCH; tăng cường hướng dẫn các cơ sở khắc phục, nghiên cứu áp dụng những tiêu chuẩn, quy chuẩn và các văn bản quy phạm pháp luật theo từng thời điểm và hướng có lợi cho các cơ sở nhưng phải bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tích cực tham mưu cho Công an tỉnh và các cơ quan chức năng tiếp tục chú trọng nghiên cứu, góp ý sửa đổi, thay thế các quy chuẩn, tiêu chuẩn và văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH cho phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế tại địa phương. Đối với các cơ sở có tồn tại, thiếu sót về PCCC và CNCH trong quá trình đầu tư xây dựng nhưng chưa đến mức phải tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động để khắc phục các tồn tại thiếu sót về PCCC và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tiếp tục hướng dẫn, kiến nghị khắc phục; có lộ trình thời gian cụ thể theo hướng dẫn tại Văn bản số 1091/C07-P3,P4,P7, ngày 11/4/2023 của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn PCCC.
Văn Minh (thực hiện)
 
 Để phân luồng học sinh sau THCS, THPT: Cần những giải pháp đồng bộ
                                                         *Ông Hồ Giang Long,
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
 
Phân luồng học sinh (HS) sau trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) là chủ trương của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhằm hướng nghiệp cho HS, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng sau tốt nghiệp, nhất là bậc học THCS  trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.
 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh và trực tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo. Ngành còn đẩy mạnh công tác truyền thông, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp (GDHN) trong trường phổ thông. Các cơ sở giáo dục (CSGD) đã triển khai đầy đủ, có chất lượng hoạt động giáo dục, tư vấn hướng nghiệp, xây dựng chương trình GDHN gắn với các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương; đồng thời tích cực đổi mới nội dung GDHN thông qua các môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường.
 
Hoạt động tư vấn tuyển sinh được các CSGD, trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên triển khai hiệu quả bằng nhiều hình thức, cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin tuyển sinh cần thiết cho HS.
Các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh được quan tâm triển khai.
Các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh được quan tâm triển khai.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn nhất định dẫn đến việc chưa hoàn thành các chỉ tiêu về phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT. Một trong những nguyên nhân của vấn đề trên là cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ công tác GDHN ở một số CSGD phổ thông còn thiếu, đặc biệt là địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ học viên tại các cơ sở GDNN sau khi hoàn thành chương trình học có việc làm và thu nhập ổn định chưa cao nên chưa thu hút được học viên tham gia các khóa học. Công tác GDHN và định hướng phân luồng HS chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều phụ huynh HS, không ít phụ huynh còn mang nặng tâm lý coi trọng bằng cấp. Đa số HS sau tốt nghiệp bậc trung học đều mong muốn học lên bậc học cao hơn. Mặt khác, hiện nay, việc vào học tại các trường đại học, cao đẳng không khó, nhiều trường tuyển cả những HS có học lực trung bình. Nhân lực có trình độ đại học ngày càng nhiều, dẫn đến hệ lụy “thừa thầy, thiếu thợ”. Không ít sinh viên sau tốt nghiệp đại học nhưng không có việc làm... Điều quan trọng nữa là do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hướng nghiệp, phân luồng sau tốt nghiệp của một số trường học, CSGD chưa tạo được hiệu ứng tích cực…
 
Nhằm thực hiện tốt các nội dung của Đề án “GDHN và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, năm 2023, ngành GD-ĐT tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hướng đến mục tiêu có từ 20-25% HS tốt nghiệp THCS theo học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 35-40% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.
 
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên, ngành GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền về mục đích, vai trò, ý nghĩa, tạo sự đồng thuận, nhất trí về chủ trương phân luồng HS trong đội ngũ giáo viên, HS và các tổ chức chính trị-xã hội… Ngành đã xây dựng những giải pháp cụ thể nhằm chuẩn hóa đội ngũ GV kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với GDHN trong giáo dục phổ thông… nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
                                                                             Nh.V (thực hiện)
 
Tăng tốc phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
*Ông Nguyễn Ngọc Quý,
Giám đốc Sở Du lịch
 
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tập trung đầu tư phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế. Để thực hiện nhiệm vụ đó, thời gian tới, ngành Du lịch Quảng Bình sẽ triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Trước hết, đó là đa dạng hóa phương thức và nội dung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, để “mỗi người dân là một hướng dẫn viên, đại sứ du lịch”, các cấp chính quyền và nhân dân chung tay phát triển du lịch bền vững.
 
Ngành Du lịch cũng tập trung triển khai các nội dung về du lịch trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; huy động tổng hợp các nguồn lực và thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ phát triển du lịch đồng bộ, từng bước hiện đại, như: Đường cao tốc Đồng Hới-Phong Nha, khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang, các khu nghỉ dưỡng, giải trí thể thao ven biển, khu nghỉ dưỡng cao cấp, công viên chủ đề tại Phong Nha-Kẻ Bàng...
 
Cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, du lịch Quảng Bình đẩy mạnh nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển các dịch vụ hỗ trợ, các sản phẩm du lịch đường sông, du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch MICE, dịch vụ du lịch ban đêm.
Phấn đấu xây dựng Quảng Bình thành một môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mến khách.
Phấn đấu xây dựng Quảng Bình thành một môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mến khách.
Xác định tầm quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến du lịch trên các nền tảng số, kênh số, tạp chí chuyên ngành. Hình thức, nội dung quảng bá hấp dẫn, chuyên biệt theo từng phân khúc thị trường mục tiêu, như: Quảng bá trên các nền tảng số, qua người nổi tiếng trong và ngoài nước, các diễn đàn, báo, tạp chí chuyên ngành du lịch quốc tế; điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật; sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội...
 
Ngành Du lịch cũng sẽ tập trung nghiên cứu phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch, tăng cường sự liên kết, hợp tác hiệu quả với các địa phương trong các khối liên kết, các doanh nghiệp lữ hành lớn trong cả nước và khu vực để kết nối, xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Một trong những điểm còn hạn chế của du lịch Quảng Bình là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu chuyên nghiệp. Những năm gần đây, ngành Du lịch đã tập trung vào công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, cũng như các kỹ năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp cho các đối tượng tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
 
Thời gian tới, du lịch Quảng Bình tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Từ đó, phấn đấu xây dựng Quảng Bình thành một môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mến khách, tạo dấu ấn đặc biệt trong  lòng du khách trong và ngoài nước.
                                                                                       Diệu Hương (thực hiện

 

tin liên quan

Thực hiện hiệu quả các chiến dịch thanh niên tình nguyện
Thực hiện hiệu quả các chiến dịch thanh niên tình nguyện

(QBĐT) - Chiều nay, 14/7, Tỉnh đoàn Quảng Bình tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 3, khóa XVI sơ kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Đại hội Công đoàn ngành Công thương Quảng Bình lần thứ IV
Đại hội Công đoàn ngành Công thương Quảng Bình lần thứ IV
(QBĐT) - Ngày 14/7, Ban Chấp hành Công đoàn ngành Công thương Quảng Bình tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028.
 
Các cơ quan báo chí tăng cường thông tin xây dựng, phản biện xã hội, "đưa ý Đảng đến gần dân hơn"
Các cơ quan báo chí tăng cường thông tin xây dựng, phản biện xã hội, "đưa ý Đảng đến gần dân hơn"

Ngày 12/7, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 274/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam.