(QBĐT) - Sau 10 năm triển khai thực hiện, Luật Công đoàn (CĐ) năm 2012 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước tình hình mới. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật CĐ nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam hiện nay là yêu cầu tất yếu.
Thực hiện Luật CĐ năm 2012, thời gian qua, các cấp CĐ trong tỉnh đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, lao động (CN, LĐ). Thực hiện quy định của luật về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ, hàng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, phân công cán bộ phụ trách địa bàn, chỉ đạo, hướng dẫn các CĐ trực thuộc xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu về phát triển đoàn viên (ĐV), thành lập CĐ cơ sở (CĐCS).
Các CĐ trực thuộc đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp thực hiện nhiều giải pháp về phát triển ĐV, thành lập CĐCS. Kết quả từ năm 2018-tháng 6/2022, các cấp CĐ đã phát triển mới 4.043 ĐV (tăng 1.941 ĐV so với năm 2017); phát triển mới 48 CĐCS (tăng 3 CĐCS). Tính đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh có 51.467 ĐV CĐ và 1.139 CĐCS.
Các quy định của luật về các hành vi bị nghiêm cấm được các cấp ủy đảng, chính quyền, CĐ và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc. Hiện nay, hệ thống tổ chức CĐ (TCCĐ) của tỉnh được chia thành 4 cấp, phù hợp với hoạt động của thực tiễn, các cấp CĐ triển khai thực hiện tốt quy định này của luật.
![]() |
Thực hiện quy định về quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), các cấp CĐ đã hướng dẫn, tư vấn cho ĐV, NLĐ về quyền, nghĩa vụ khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc bảo đảm quy định của pháp luật để tránh những phát sinh trong quan hệ lao động. Định kỳ hoặc đột xuất, CĐ tiến hành đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của ĐV, NLĐ.
Các cấp CĐ bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngành, đơn vị để xây dựng nội dung, kế hoạch và biện pháp nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong ĐV, NLĐ. Mô hình TCCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở hiện nay được tổ chức rất đa dạng, thích ứng với mọi hoạt động CĐ, tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ tham gia TCCĐ, thành lập TCCĐ trên mọi địa bàn, ngành nghề.
Ông Võ Văn Tiến, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh: “Sau 10 năm đi vào thực tiễn, có thể khẳng định Luật CĐ đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các cấp CĐ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phát huy vai trò của TCCĐ trong xã hội. Để bảo đảm quyền CĐ của NLĐ, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật khác, hệ thống văn bản pháp luật về quyền của NLĐ, quyền CĐ được hình thành sớm và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đã tạo hành lang pháp lý cho NLĐ thực hiện quyền CĐ của mình trên tất cả các mặt”.
Cũng theo ông Võ Văn Tiến, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật CĐ năm 2012 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới. Luật được ban hành trước khi Hiến pháp 2013 được thông qua nên có những quy định chưa hoàn toàn tương thích với Hiến pháp 2013. Ngoài ra, những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ và TCCĐ, trong đó có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền CĐ tại doanh nghiệp có sự khác biệt so với các quy định của Luật CĐ năm 2012.
Do vậy, Luật CĐ năm 2012 cần được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, luật cần nghiên cứu quy định mở rộng đối tượng phát triển ĐV là người nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập cũng như sự cạnh tranh của các tổ chức NLĐ; cần phân biệt rõ giữa quyền của ĐV và NLĐ.
Từ thực tiễn hoạt động trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu chỉ đạo sắp xếp lại TCCĐ trong các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm đồng bộ với tổ chức đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức đảng đối với các tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp; chỉ đạo thống nhất mô hình tổ chức các ban LĐLĐ tỉnh.
Về quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; tham gia quản lý kinh tế-xã hội, luật cần quy định cụ thể nhiệm vụ của cán bộ CĐ đại diện cho NLĐ tham gia quá trình giải quyết tranh chấp lao động, khởi kiện ra Tòa án, tham gia tố tụng... Luật cần xác định quyền đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.
T.H