(QBĐT) - Suốt chặng đường 14 nhiệm kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của Đảng bộ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình đã phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống quê hương Quảng Bình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không ngừng tham gia các hoạt động của Quốc hội. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng đều thể hiện ý thức trách nhiệm, gương mẫu và luôn hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để tổng hợp, phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.
Đoàn cũng đề cao trách nhiệm trong xây dựng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc, của Quốc hội và của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình trong công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng phát triển bền vững.
Thời kỳ 1946-1960, các ĐBQH trúng cử tại Quảng Bình đã tích cực xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, xây dựng lập pháp, củng cố chính quyền cách mạng, đồng thời tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trên các diễn đàn Quốc hội và quyết định tổ chức, bộ máy nhà nước thống nhất, làm tròn được nhiệm vụ của mình một cách vẻ vang.
![]() |
Thời kỳ đầu của cách mạng, đất nước đứng trước đầy rẫy khó khăn, thử thách, các đại biểu luôn nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, các lực lượng yêu nước và cách mạng trong tỉnh, cùng cả nước có những đóng góp quan trọng, tạo nên sách lược khôn khéo, mềm dẻo, có nguyên tắc, từng bước làm thất bại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, chuyển hóa từ đối lập, phải "đồng tình" và hợp tác để bảo vệ quyền độc lập, tự do; góp phần cùng Quốc hội, Chính phủ củng cố chế độ dân chủ cộng hòa, thực hiện những cải cách dân chủ, từng bước đem lại ruộng đất cho nông dân, tiến lên cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”.
Thời kỳ 1960-1970, cao trào "Đồng khởi” phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, giành lại quyền làm chủ các bản làng ở miền núi, thôn xã ở đồng bằng. Cách mạng miền Nam chuyển sang thế chiến lược tấn công bằng bạo lực cách mạng của quần chúng, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa của quần chúng và chiến tranh cách mạng, các ĐBQH trúng cử tại Quảng Bình lại tham gia chuẩn bị tích cực cho cuộc tổng tuyển cử khóa II (1960-1964) tại Quảng Bình với không khí sôi nổi, thực sự là một ngày hội lớn của người dân.
Sau khi Luật tổ chức Quốc hội được thông qua, theo yêu cầu nhiệm vụ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình hoạt động, cống hiến. Đoàn tích cực tham gia động viên quần chúng nhân dân ra sức phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu thông minh, dũng cảm, đẩy mạnh các phong trào thi đua giành thắng lợi to lớn trong lao động, xây dựng quê hương, tham gia chiến đấu và thực hiện nghĩa vụ của hậu phương lớn.
Khẩu hiệu hành động chung của nhân dân Quảng Bình lúc này là: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ý chí con người Quảng Bình đã trở thành sức mạnh hành động: “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu, tiếc công”... Toàn dân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tham gia xây dựng kinh tế, văn hóa, đóng góp sức người, sức của, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Trước tình hình chung của đất nước, của tỉnh, tại các kỳ họp của Quốc hội khóa II và khóa III, Đoàn đã có những bài phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, phản ánh được trách nhiệm và khí phách anh hùng của người dân Quảng Bình với quyết tâm đánh giặc dâng cao. Đồng thời lên tiếng tố cáo tội ác và tính chất nham hiểm của các chiến lược “chiến tranh cục bộ”, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, đòi đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội Mỹ và quân đội các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, hủy bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam để cho nhân dân Việt Nam tự quyết định lấy công việc nội bộ của mình.
Đoàn ĐBQH và các ĐBQH là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã tích cực tham gia đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai giỏi”, cùng với toàn dân phát huy thắng lợi to lớn của tỉnh, nhận rõ nhiệm vụ hết sức nặng nề và vẻ vang, nêu cao truyền thống kiên cường, bất khuất của tỉnh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm và liên tục, giành thắng lợi ngày càng to lớn, góp phần tiến tới thắng lợi chung của cả nước.
![]() |
Cuối năm 1964, Quảng Bình bị bão, lũ liên tiếp, gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong lúc toàn tỉnh đang tập trung chống thiên tai thì đế quốc Mỹ mở chiến tranh phá hoại miền Bắc, tấn công ồ ạt. Quảng Bình là một tỉnh thường xuyên bị đế quốc Mỹ và tay sai hoạt động khiêu khích phá hoại, chúng đã đưa đủ các loại máy bay, tàu chiến thả bom, bắn phá bừa bãi, ác liệt cả ngày lẫn đêm vào các trường học, bệnh viện, chợ búa, nhà thờ, xâm phạm hải phận phá hoại công ăn việc làm của ngư dân trên biển, với mọi thủ đoạn hung ác, thâm độc, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, đưa cả máy bay B52 gây tàn phá, đau thương trên diện rộng.
Ngoài ra, chúng còn cho những toán biệt kích, tăng cường gián điệp, tình báo, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý với thủ đoạn hết sức thâm độc, xảo quyệt nhằm lung lạc tinh thần của quân và dân tỉnh Quảng Bình.
Trước tình hình đó, Đoàn đại biểu và ĐBQH tỉnh đã nắm bắt, phối hợp với HĐND và Ủy ban MTTQVN tỉnh, cùng các sở, ngành liên quan động viên, chia sẻ, tổng hợp tình hình phản ánh ý chí, quyết tâm, tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống trong kháng chiến chống quân xâm lược và truyền thống oai hùng, khí thế cách mạng của quân, dân Quảng Bình đến các diễn đàn Quốc hội.
Thời kỳ 1971-1975, Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia cùng Quốc hội phê chuẩn các kế hoạch kinh tế của Chính phủ, thống nhất những nhiệm vụ chủ yếu và những chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước, bày tỏ rõ vai trò, vị trí của mình, tích cực tham gia động viên đông đảo quần chúng nhân dân ra sức phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, chiến đấu thông minh dũng cảm của quê hương Quảng Bình.
Đẩy mạnh các phong trào thi đua giành thắng lợi to lớn trong lao động xây dựng quê hương, tham gia chiến đấu và thực hiện nghĩa vụ của hậu phương lớn. Tham gia xây dựng kinh tế, văn hóa, đóng góp sức người, sức của, tất cả vì miền Nam ruột thịt, xứng đáng là nơi đầu cầu của miền Bắc XHCN, là căn cứ địa trực tiếp cuộc đấu tranh mới của miền Nam, góp phần đánh thắng cuộc “chiến tranh Việt Nam hóa” của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai, mở đầu thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất.
Thời kỳ 1976-1989, Quảng Bình được sáp nhập với Quảng trị và Thừa Thiên, là giai đoạn mà đất nước nói chung, Bình-Trị-Thiên nói riêng phải vượt qua muôn vàn khó khăn của buổi đầu nhập tỉnh và hậu quả của chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chưa kịp chuyển đổi để phù hợp với thời kỳ phát triển mới, trong lúc đó tác động bất lợi của khủng hoảng chính trị và kinh tế của khu vực Đông Âu và toàn thế giới đang diễn ra.
Cả dân tộc phải thực hiện những nhiệm vụ hết sức nặng nề về quốc phòng-an ninh và công tác đối ngoại. Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát huy trách nhiệm của mình, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, đường lối, chính sách chung trong phát triển kinh tế-xã hội. Quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy và thông qua các nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc ca, đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Quyết định đặt tên TP. Sài Gòn-Gia Định thành TP. Hồ Chí Minh, tham gia đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất trong cả nước, trong đó có Hiến pháp 1980, mở đầu cho bước phát triển mới trong tiến trình đi lên của đất nước.
Thời kỳ 1989 đến nay, Quảng Bình được trở về địa giới cũ, cùng với cả nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới, quá độ đi lên CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đất nước cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách.
Đoàn đại biểu và các ĐBQH tỉnh đã nhận thức đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tham gia cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách của mình trong việc quyết định những vấn đề có liên quan đến tổ chức, bộ máy; tham gia lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng đến vận mệnh của đất nước thời kỳ đổi mới.
Trong những nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội có nhiều đổi mới, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH càng thể hiện vai trò của mình trên nghị trường Quốc hội, tham gia thể chế hóa Cương lĩnh, chiến lược của Đảng, đưa đất nước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại. Đoàn không ngừng đổi mới các hình thức phối hợp, mở rộng hình thức tiếp xúc cử tri Quảng Bình trên địa bàn tỉnh bạn, tiếp xúc với “nhân chứng lịch sử trong sự kiện chiến tranh”, tiếp xúc cử tri nơi địa bàn cư trú, tiếp xúc đối thoại với học sinh, sinh viên; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, cũng như tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn, giảm bớt đơn thư tồn đọng kéo dài, hạn chế oan sai. Có nhiều ý kiến tập trung chú trọng việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiểm soát đầu tư công; mua sắm công; kiểm soát nợ công; kiểm soát các nguồn chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong thảo luận, chất vấn, Đoàn còn kiến nghị trả lại tên quốc lộ 12A, tên ga Minh Lệ, đề nghị sửa đổi chính sách cho người có công, giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống ma túy, mại dâm, xâm hại trẻ em, tăng cường giải pháp xây dựng nông thôn mới, quan tâm tạo điều kiện cho danh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; việc thực hiện đề án “tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước”, xử lý các vụ án, một số đơn thư tồn đọng, kéo dài; việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, tin nhắn rác, quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm...
Đoàn cũng đã kiến nghị sửa đổi nhiều chủ trương, chính sách pháp luật phù hợp lòng dân và cơ chế mới. Ngoài ra, còn tham gia các diễn đàn của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, có nhiều phát biểu, chuyển tải những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đến các diễn đàn của Quốc hội; chú trọng mở rộng giao lưu, quan hệ, tranh thủ sự giúp đỡ của thủ tướng, các bộ, ngành cũng như các tỉnh trên toàn quốc, tạo thời cơ, thuận lợi giúp tỉnh nhà trong thực hiện chiến lược phát triển kinh-tế xã hội.
Ngoài ra, còn thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh về “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết đơn của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay”. Đoàn cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước biên soạn và xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình”, tập 1 (1946-2015); tích cực hoàn thiện, nâng cấp trang thông tin điện tử nhằm cập nhật thông tin phục vụ tuyên truyền và cung cấp thông tin về hoạt động của Đoàn.
Đồng hành tham gia thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, kêu gọi vận động tài trợ của nhiều tổ chức, cá nhân với trên 19 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, học sinh nghèo, bà con bị thiên tai sau bão lũ, hay gặp sự cố xẩy ra...Thực sự xứng đáng với niềm tin của nhân dân và cử tri trong tỉnh nhà với những việc làm tốt đẹp, có ý nghĩa để các thế hệ tiếp theo của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tiếp nối, phát huy tốt truyền thống của các thế hệ đi trước, để hoàn thành xuất sắc trọng trách cao cả của mình trước nhân dân và cử tri trong tỉnh, góp phần tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Nguyễn Ngọc Phương
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình