(QBĐT) - Cách đây 75 năm, ngày 6-01-1946, đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội-cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử đất nước như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ mới của dân tộc. Đồng hành cùng lịch sử 75 năm vẻ vang của Quốc hội, đại biểu và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình không ngừng nỗ lực cống hiến, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân.
Chỉ một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.
Đáp lại lời kêu gọi đó, ngày 6-1-1946, nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đã tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I đã diễn ra đúng kế hoạch và thắng lợi trên phạm vi cả nước. Kết quả đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội, Hồ Chủ tịch trúng cử với tỷ lệ cao nhất: 98,4% số phiếu bầu.
Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội ngày 2-3-1946 đã bầu Ban Thường trực Quốc hội và thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tổ chức Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chính thức có cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan hành chính cao nhất là Chính phủ do Quốc hội cử ra. Ngày 9-11-1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
![]() |
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử tháng 1-1946 đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước có một quốc hội, một chính phủ thống nhất, một bản hiến pháp cách mạng. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã thành công dân của một quốc gia độc lập, tự do, tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình.
Thắng lợi đó là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho đấu tranh chính trị và ngoại giao của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước đã và đang tiếp tục soi sáng con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam. Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã chuẩn bị bước sang khóa XV. Trải qua 75 năm với 14 nhiệm kỳ hoạt động trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, có những thời kỳ hết sức cam go, ác liệt, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội đã không ngừng trưởng thành và phát triển, gắn bó, đồng hành với dân tộc, phát huy hiệu quả vai trò, vị trí là cơ quan dân biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.
Quốc hội đã thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bằng việc thông qua và ban hành Hiến pháp năm 1946, 1959 (khóa I), Hiến pháp năm 1980 (khóa VI), Hiến pháp năm 1992 (khóa VIII), Hiến pháp năm 2013 (khóa XIII) và nhiều đạo luật ở các thời kỳ khác nhau, Quốc hội đã ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, từng bước xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, nhằm quản lý đất nước bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hoạt động giám sát ngày càng đổi mới cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước. Quốc hội đã có những chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, tăng cường công tác đối ngoại, xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước, phát huy dân chủ rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội.
Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, Quốc hội đã và đang có những đóng góp hết sức to lớn vào sự nghiệp vẻ vang của dân tộc. Những bước tiến trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội hôm nay là kết quả của quá trình hình thành và phát triển 75 năm của Quốc hội Việt Nam. Những kết quả đó ngày càng khẳng định vai trò và sứ mệnh lịch sử to lớn của Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho nguyện vọng, ý chí của nhân dân cả nước.
Trong suốt chặng đường 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quốc hội và của Đảng bộ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh đều thể hiện ý thức trách nhiệm, gương mẫu, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, của chặng đường 75 năm Quốc hội Việt Nam.
Đồng hành với lịch sử 75 năm ra đời và phát triển của Quốc hội, đại biểu và Đoàn ĐBQH tỉnh phát huy vai trò, vị trí, tinh thần trách nhiệm của mình, động viên quần chúng nhân dân lao động, chiến đấu, giữ gìn những thành quả của đất nước, quê hương; tham gia quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn 1989 đến nay, khi Quảng Bình trở về địa giới cũ, trước những thuận lợi và khó khăn, thử thách, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận thức đầy đủ trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tham gia cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thành trọng trách của mình trong việc bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy; tham gia lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước...
Từ Quốc hội khóa IX đến khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia cùng Quốc hội thể chế hóa Cương lĩnh, chiến lược của Đảng, đưa đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo cũng như tổ chức hoạt động giám sát không ngừng được đổi mới, đồng thời kiến nghị sửa đổi nhiều chủ trương, chính sách pháp luật phù hợp lòng dân và cơ chế mới. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tham gia nhiều ý kiến phát biểu, chất vấn, chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đến diễn đàn của Quốc hội; tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đối với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
75 năm qua với 14 nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình (kể cả thời kỳ sáp nhập 3 tỉnh Bình-Trị-Thiên) có 124 đại biểu là những người con ưu tú, đại diện cử tri trong tỉnh tham gia các khóa Quốc hội. Có nhiều đại biểu tham gia nhiều khóa, giữ những vị trí quan trọng, là tấm gương tiêu biểu như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, đồng chí Cổ Kim Thành…
![]() |
Nhiều đại biểu Trung ương là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, cán bộ chủ chốt của các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đại diện cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo, nhân sỹ, trí thức, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, đại diện công nhân, nông dân lao động sản xuất giỏi trong các lĩnh vực...
Những thành tựu mà Đoàn ĐBQH tỉnh đạt được trong 75 năm qua đã góp phần khẳng định vị thế của ĐBQH, xứng đáng là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Quảng Bình đến diễn đàn của Quốc hội, được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ghi nhận.
Những thành tựu đó là kết quả của sự ủng hộ nhiệt tình, cổ vũ to lớn của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cử tri và nhân dân trong toàn tỉnh. Đó còn là sự đóng góp của các cơ quan trong bộ máy chính quyền, của các ngành, các cấp, các cơ quan thông tấn, báo chí, của các vị lão thành cách mạng và tất cả các vị ĐBQH.
Cùng với việc tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, xem xét nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ hoạt động tiếp theo, mỗi đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Quốc hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân.
Đồng chí Trần Công Thuật
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh