Phát triển bền vững với hai khâu đột phá

  • 08:07, 27/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhân dịp Đại hội Đảng bộ huyện Tuyên Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Nam Giang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
 
P.V: Thành tích giảm nghèo thời gian vừa qua có ý nghĩa như thế nào đối với miền núi Tuyên Hóa, thưa đồng chí?
 
Đ/c Lê Nam Giang: Huyện Tuyên Hóa triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Chính phủ, Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 13-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm, giai đoạn 2016-2020 trong bối cảnh bộn bề khó khăn, nhưng nhờ thực hiện các giải pháp quyết liệt, sâu sát, đến nay, công tác giảm nghèo của huyện đã tạo được nhiều bước đột phá, ghi dấu nhiều thành tích nổi bật.
 
Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020”. Kết quả, trong 5 năm, huyện đã tổ chức được 72 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với hơn 2.300 học viên tham gia, góp phần đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trên toàn huyện đạt 33,55% (chỉ tiêu 33%); có 2.280 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bình quân hàng năm có 450 lao động xuất khẩu (chỉ tiêu 250-300), với mức thu nhập sau khi trừ đi các chi phí và gửi về cho gia đình từ 15-25 triệu đồng/người/tháng.
 Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa kiểm tra hoạt động sản xuất tại HTX mây tre đan Vân Sơn (xã Kim Hóa).
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa kiểm tra hoạt động sản xuất tại HTX mây tre đan Vân Sơn (xã Kim Hóa).
Thông qua việc triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển chăn nuôi đàn bò lai, giai đoạn 2016-2020”, người nông dân đã mạnh dạn đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, đầu tư trồng cỏ; từng bước hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi bò lai, qua đó, đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp. Hiện, tỷ lệ đàn bò lai trên địa bàn đạt trên 67,5% tổng đàn bò và được đánh giá là địa phương có tỷ lệ bò lai cao nhất tỉnh. 
 
Trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, tăng thu nhập bình quân đầu người, huyện Tuyên Hóa cũng đã chú trọng sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên địa bàn, đồng thời, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình máy sấy nguyên liệu mây tre đan tại xã Kim Hóa, Hương Hóa, TT. Đồng Lê; mô hình trồng cây có múi sử dụng công nghệ tưới Israel; mô hình trồng hoa, rau trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thanh Hóa...
 
Từ 2016-2020, thông qua Chương trình 135, Trung ương đã đầu tư hơn 64 tỷ đồng xây dựng mới được 104 công trình cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi hệ thống hạ tầng nông thôn các xã, thôn đặc biệt khó khăn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Cùng với đó là việc sử dụng hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, chính sách ưu đãi về giáo dục, chính sách hỗ trợ về nhà ở và các chính sách khác đã tăng từng bước thu nhập bình quân đầu người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
 
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của Tuyên Hóa giảm 5,56%. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm đến 31,77%, thì đến năm 2019 chỉ còn 9,51%. Đặc biệt, đến cuối năm 2020, Tuyên Hóa sẽ có thêm 2 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện lên 8 xã.
 
Với những kết quả nói trên, công tác giảm nghèo đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là các đối tượng người nghèo và cận nghèo, đồng thời góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, qua đó làm thay đổi rõ rệt diện mạo khu vực nông thôn và miền núi trên địa bàn theo hướng tiến bộ.
 
P.V: Thưa đồng chí, những kết quả tích cực đó đã, đang và sẽ tạo nên động lực như thế nào đối với Tuyên Hóa trong thời gian tới?
 
Đ/c Lê Nam Giang: Có thể khẳng định, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo của huyện là rất đáng phấn khởi. Đó là nền tảng và là đòn bẩy để huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo cho giai đoạn tiếp theo.
 
Trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội huyện phát triển nhanh và bền vững, chương trình giảm nghèo tiếp tục đóng vai trò then chốt, nhằm góp phần xóa bỏ khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa huyện nhà với các vùng, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, mục tiêu phấn đấu của Tuyên Hóa trong giai đoạn 2020-2025 là giải quyết việc làm cho 3.200-3.500 lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 70%, trong đó đào tạo nghề đạt 38%. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 11-12%; thu ngân sách đạt 100 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm và có 13/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
    Diện mạo huyện miền núi Tuyên Hóa ngày càng khởi sắc.
Diện mạo huyện miền núi Tuyên Hóa ngày càng khởi sắc.
P.V: Vậy, Tuyên Hóa có những tiềm năng, thế mạnh gì và huyện cần làm gì để phát huy những tiềm năng, thế mạnh đó?
 
Đ/c Lê Nam Giang: Là huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Quảng Bình, tuy Tuyên Hóa vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội nhưng vẫn có không ít tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển. Tuyên Hóa có hệ thống giao thông-vận tải thuận lợi với 3 tuyến đường bộ quan trọng, gồm: quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh và đường nối từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt-Lào; tuyến đường sắt bắc-nam chạy qua với 8 ga trên địa bàn và tuyến đường thủy trên sông Gianh để vận chuyển hàng hóa.
 
Đặc biệt, địa phương có quỹ đất nông-lâm nghiệp dồi dào, trong đó có hơn 63.000ha đất rừng sản xuất; dân số trẻ, số lượng người trong độ tuổi lao động cao, luôn cần cù, chịu khó và sáng tạo; tài nguyên thiên nhiên khá phong phú và đa dạng, chủ yếu còn ở dạng tiềm năng chưa được đầu tư khai thác hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua của huyện cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và có nhiều tiến bộ. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ. Chất lượng và hiệu quả giáo dục được nâng lên theo hướng toàn diện. Các thiết chế văn hóa được củng cố và hoàn thiện. Quốc phòng-an ninh được giữ vững. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân được cải thiện. Bộ mặt nông thôn, miền núi đã có bước khởi sắc rõ rệt.
 
Để phát huy những tiềm năng, thế mạnh kể trên, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI để xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng huyện Tuyên Hóa ngày một đổi mới, phát triển.
 
P.V: Nhìn tổng thể, Tuyên Hóa vẫn là huyện có trình độ phát triển còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Nhiệm kỳ tới, Tuyên Hóa có những giải pháp đột phá gì để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thưa đồng chí?
 
Đ/c Lê Nam Giang: Bước sang nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi mới, Tuyên Hóa cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Là huyện miền núi có mức phát triển thấp hơn bình quân của tỉnh, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, khả năng thu hút đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là thiếu những dự án đầu tư lớn mang tính động lực cho phát triển.
 
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương trong thời gian tới, Tuyên Hóa sẽ tập trung vào hai giải pháp đột phá quan trọng. Về kinh tế, Tuyên Hóa sẽ phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, phát huy lợi thế các sản phẩm đặc trưng của địa phương, gắn với giảm nghèo bền vững. Về xây dựng Đảng, địa phương tiếp tục đặt ra mục tiêu đổi mới toàn diện công tác cán bộ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
 
Ngoài ra, huyện cũng tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời, đặt ra các mục tiêu, giải pháp hết sức cụ thể, thiết thực để đẩy mạnh phát triển kinh tế; tranh thủ mọi nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách, dự án để đầu tư xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông-lâm sản trên địa bàn, trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên và môi trường. 
 
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, Tuyên Hóa khuyến khích phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, y tế toàn diện; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là lao động nông thôn, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành, cải cách thủ tục hành chính.
 
Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tập trung giải quyết tốt các vấn đề an ninh, trật tự, các vấn đề liên quan đến lợi ích của nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, chính sách, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
 
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!     
                                 
Những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuyên Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5 năm đạt 10,1% (chỉ tiêu 10-12%). Thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện đến năm 2020 gần 78 tỷ đồng. Sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt 20.600 tấn (chỉ tiêu 18.000-18.500 tấn). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 dự ước đạt 38 triệu đồng (chỉ tiêu 38 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 5,56%, hiện còn 9,51%. Hàng năm, trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng trên 1.000ha, giá trị thu được trên 50 tỷ đồng. Đến hết năm 2020 có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt 80%. Có 18/19 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 3.200 lao động (chỉ tiêu 3.000 lao động). Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 75%.
 
19/19 đảng bộ xã, thị trấn hoàn thành việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách lịch sử, biên niên sự kiện lịch sử đảng bộ. Từ năm 2015 đến nay, đã kết nạp 871 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó, có 8 đảng viên là người dân tộc thiểu số và 15 đảng viên là người theo tôn giáo. Hàng năm, số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt bình quân trên 95%, số đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên đạt trên 99%.
 
Dương Công Hợp (thực hiện)
 
 

tin liên quan

Phát huy vai trò mũi nhọn, xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng
Phát huy vai trò mũi nhọn, xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng

(QBĐT) - Là "cánh tay nối dài" của Đảng, đội ngũ cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuyên Hóa đã và đang phát huy vai trò xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay xây dựng quê hương Tuyên Hóa ngày càng đổi mới, giàu đẹp.

Ngành Tuyên giáo Quảng Bình khẳng định vai trò "đi trước, mở đường"
Ngành Tuyên giáo Quảng Bình khẳng định vai trò "đi trước, mở đường"

(QBĐT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng. Người cho rằng: "Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc". 

Đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững
Đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững

(QBĐT) - 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Tuyên Hóa đã nêu cao quyết tâm chính trị, đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đó là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân huyện nhà vững tin bước vào nhiệm kỳ mới, giai đoạn mới với quyết tâm chính trị cao hơn.