Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phấn đấu đưa huyện Quảng Ninh phát triển lên một tầm cao mới

  • 02:06, 22/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhân dịp Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Ninh lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Trung Đông, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
 
P.V: Thưa đồng chí, nhiệm kỳ 2015-2020, cán bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra. Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật nhất của Đảng bộ trên lĩnh vực kinh tế-xã hội?
 
Đ/c Phạm Trung Đông: Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã nỗ lực phấn đấu, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
 
Kinh tế tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng; cơ cấu nội bộ ngành có bước chuyển biến tích cực; tiềm năng, thế mạnh được xác định và khai thác hợp lý đưa lại hiệu quả ngày càng cao. Đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 11%/năm.
  Quảng Ninh ngày càng khang trang, đổi mới.
Quảng Ninh ngày càng khang trang, đổi mới.
Lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ. Huyện đã tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa tạo thuận lợi cho việc đầu tư công nghệ vào sản xuất với sản lượng lương thực bình quân đạt 50.000 tấn/năm. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hợp lý, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh và một số liên kết chuỗi giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
 
Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn có bước phát triển; thương mại, dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Tỷ trọng du lịch, dịch vụ tăng đáng kể trong cơ cấu thu nhập; với việc thu hút các dự án lớn ven biển, sân golf… đã đưa du lịch Quảng Ninh vào bản đồ du lịch. Các biện pháp quản lý và khai thác nguồn thu được thực hiện tích cực, thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 20,8%/năm.
 
Tổng mức vốn đầu tư trên địa bàn 5 năm qua đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng bình quân 14,5%/năm. Quy hoạch vùng ven biển, đô thị Dinh Mười được phê duyệt, làm tiền đề, cơ sở để triển khai các dự án đầu tư trên các lĩnh vực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; đã kêu gọi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, may mặc, chế biến nông-lâm-thủy sản, xây dựng trung tâm thương mại, các khu đô thị mới trên địa bàn.
 
Kinh tế tăng trưởng tạo tiền đề cho văn hóa-xã hội ổn định; an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển cả về chất lượng mũi nhọn và chất lượng đại trà. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao phát triển đa dạng.Nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ. Dự ước đến cuối năm 2020, toàn huyện còn khoảng 2,95% hộ nghèo, thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh.
 
Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các mô hình, điển hình tiên tiến, “tổ xung kích tự quản về an ninh trật tự” tiếp tục được nhân rộng. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường.
 
P.V: Để cụ thể hóa các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, huyện Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án nhằm tạo bước đột phá. Xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện các chương trình này?
 
Đ/c Phạm Trung Đông: Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Quảng Ninh đã triển khai thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm trên lĩnh vực kinh tế-xã hội; trong đó nổi bật có Chương trình MTQG về xây dựng NTM. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đã làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn, trong 5 năm đã huy động gần 770 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, xây dựng NTM.
 
Đến nay, toàn huyện có 10/14 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 17,2 tiêu chí/xã và đang phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, xã Lương Ninh đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, xã Võ Ninh đạt chuẩn NTM nâng cao.
 
Hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Quảng Ninh tập trung thực hiện Chương trình hành động về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020. Qua đó, hoạt động du lịch chuyển biến tích cực, tỷ trọng du lịch, dịch vụ tăng lên đáng kể trong cơ cấu kinh tế; hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú phát triển về số lượng và chất lượng dịch vụ. Các điểm du lịch, như: di tích danh thắng núi Thần Đinh, Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại, khe Nước Lạnh, bãi tắm Hải Ninh, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp của Tập đoàn FLC tại Hải Ninh…ngày càng thu hút du khách.
 
Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/HU ngày 14-7-2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy về đầu tư xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị Quán Hàu, 4 năm qua, trên địa bàn thị trấn Quán Hàu đã có 50 công trình được nâng cấp, xây dựng mới, tạo bộ mặt ngày càng khang trang cho đô thị trung tâm huyện với tổng nguồn đầu tư đạt trên 300 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, Đề án phát triển kinh tế-xã hội các xã miền núi, biên giới và Đề án giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc miền núi được huyện quan tâm triển khai góp phần giúp người dân 2 xã miền núi Trường Sơn, Trường Xuân thực hiện tốt việc trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Trong 5 năm, đã trồng rừng tập trung với diện tích 3.745ha, diện tích rừng trồng khai thác đạt 3.054,6ha góp phần tạo sinh kế cho người dân 2 xã miền núi giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu từ rừng.
 
Cùng với các chương trình, đề án trọng điểm trên lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển giáo dục và đào tạo đã thúc đẩy giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Mạng lưới trường lớp được sắp xếp, bố trí phù hợp, có 42/49 trường đạt chuẩn quốc gia. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ dạy học tăng khá, hoạt động giáo dục ở vùng sâu, vùng xa được quan tâm đầu tư.
 
Với việc triển khai chương trình hành động về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm; thông qua tác động từ các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tình hình đời sống của người dân nói chung, của người nghèo, cận nghèo, thôn nghèo, xã nghèo nói riêng đã được cải thiện rõ rệt, nhất là về y tế, giáo dục và nhà ở.
   Lãnh đạo huyện Quảng Ninh kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH S&D.
Lãnh đạo huyện Quảng Ninh kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH S&D.
P.V: Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV với quyết tâm chính trị rất cao là đưa Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững. Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nào để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội đề ra?
 
Đ/c Phạm Trung Đông: Huyện sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, bảo đảm sự phát triển cân đối, bền vững trên cơ sở các yếu tố đặc thù, lợi thế và tiềm năng phát triển của từng vùng.
 
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp an toàn, xây dựng ngành nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tăng cường liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh; quy hoạch lại các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh bền vững; huy động các nguồn lực hỗ trợ các thôn, bản thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn; phát huy mạnh mẽ nguồn lực của cộng đồng để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
 
Bên cạnh đó, huyện Quảng Ninh tiếp tục phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế; huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là các công trình trọng điểm như cầu Nhật Lệ 3, đường Trường Xuân-Trường Sơn, đường ven biển từ Đồng Hới đi Hải Ninh.. . Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển thị trấn Quán Hàu, đô thị Dinh Mười, các thị tứ, các khu trung tâm, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%.
 
Huyện sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; quan tâm thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu, tạo điều kiện phát triển sản xuất cho các cụm tiểu thủ công nghiệp; xúc tiến triển khai các dự án đầu tư về sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, điện gió, điện mặt trời, thủy điện. Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các điểm du lịch, trước hết là du lịch biển, du lịch tâm linh, khám phá, xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp; quy hoạch tổng thể các điểm du lịch, đồng thời liên kết, hợp tác để phát triển sản phẩm du lịch, kết nối và xây dựng các tour, tuyến du lịch.
 
Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, huyện Quảng Ninh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đại trà gắn với chất lượng mũi nhọn; tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh.
 
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
 
Những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Ninh lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020:
 
- Thu ngân sách trên địa bàn đạt 200 tỷ đồng, tăng bình quân 20,8%/năm (nghị quyết 94 tỷ đồng).
 
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 43,5 triệu đồng/năm (nghị quyết 40-45 triệu đồng)
 
- Sản lượng lương thực đạt 50.000 tấn (nghị quyết 50.000 tấn)
 
- Giải quyết việc làm hàng năm 3.500 lao động (nghị quyết 3.200 lao động)
 
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,25%/năm (nghị quyết 1,5-2%)
 
- Huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 85,7% trường đạt chuẩn quốc gia (nghị quyết đến năm 2020 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 85%).
 
- 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (nghị quyết 100%)
 
- 96,5% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh (nghị quyết đạt trên 90%)
 
- Tỷ lệ che phủ rừng 72% (nghị quyết 72-75%).
 
- Năm 2018, năm 2019, số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 95%, trong đó 18,4% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (theo quy định mới); đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên chiếm 99,4% (nghị quyết trên 99%).
                                                                     Thanh Hải (thực hiện)
 

tin liên quan

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Lệ Thủy
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Lệ Thủy

(QBĐT) - Ngày 22-6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đại biểu: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy.

Để cuộc đời đẹp hơn!
Để cuộc đời đẹp hơn!

(QBĐT) - Có nhiều định nghĩa, khái niệm về sứ mệnh của nghề báo, nhà báo, nhưng tựu trung lại, mục đích của báo chí là chung tay góp sức để cuộc đời mỗi ngày đẹp hơn lên!

Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.