Công tác tư tưởng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Đảng bộ Quảng Bình

  • 10:05, 02/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Quảng Bình có vị trí đặc biệt quan trọng, vừa là tiền tuyến của hậu phương miền Bắc XHCN, vừa là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào cả nước, Tỉnh uỷ Quảng Bình đã huy động toàn Đảng bộ làm công tác tư tưởng, tiến hành tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng liên tục, rộng khắp nhằm quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc.
 
Sau khi lệnh ngừng bắn được ban hành, ngày 18-8-1954, những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Đồng Hới, Quảng Bình hoàn toàn giải phóng. Nhằm phá hoại cuộc sống hòa bình, gây dư luận xấu đối với xã hội miền Bắc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao thực hiện thủ đoạn "tổ chức một cuộc di cư có kế hoạch người Việt Nam từ Bắc vào Nam".
 
Để kịp thời lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư, sau Hội nghị bất thường, ngày 6-8-1954, Tỉnh ủy đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, trong đó có những nhiệm vụ công tác tư tưởng cần tập trung giải quyết, đó là: Ra sức tranh thủ nhân dân, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để chống lại âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép dân vào vùng tạm đóng quân của địch.
 
Đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng đã tham gia tuyên truyền chủ trương của Đảng trong quần chúng, nhất là đối với giáo dân, đồng thời tích cực tuyên truyền, giáo dục, tranh thủ hàng ngũ linh mục để từ đó mở rộng ảnh hưởng ra quần chúng giáo dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và đấu tranh tích cực trên các lĩnh vực nên cuộc đấu tranh chống di cư của địch ở tỉnh ta đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh cũng như dòng người di cư từ các tỉnh khác qua địa bàn Quảng Bình đã được tuyên truyền, vận động, thuyết phục nên nhiều người ở lại hoặc trở về quê cũ làm ăn, sinh sống. Chính sách di cư, dụ dỗ, cưỡng ép giáo dân của địch bước đầu bị ngăn chặn và thất bại nặng nề.
 
Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta tập trung phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thì đế quốc Mỹ và tay sai ráo riết chuẩn bị lực lượng gây chiến tranh phá hoại miền Bắc. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng, Đảng bộ tỉnh xác định: Công tác tư tưởng có nhiệm vụ làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận rõ âm mưu, hành động mới của Mỹ; thuận lợi, khó khăn của ta.
 
Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về đường lối cách mạng XHCN ở miền Bắc, nhiệm vụ đấu tranh ở miền Nam; củng cố sự đoàn kết thống nhất trong mọi tầng lớp nhân dân, giữ vững ý chí, quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ và thực hiện nhiệm vụ hậu phương.
 
Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt ở miền Bắc, công tác tư tưởng đã đi sâu phát động tinh thần thi đua yêu nước, tinh thần cách mạng tiến công, quyết tâm đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược, phát động các cấp, các ngành, từng nhà, từng người và mọi lực lượng xã hội thực hiện khẩu hiệu hành động: "Bám làng chiến đấu", "bám hố bom mà sản xuất, bám đồng ruộng để thâm canh", "một tấc không đi, một ly không rời",  "tay búa, tay súng", "xe chưa qua, nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương"; đồng thời, phê phán những tư tưởng hoang mang dao động, sợ gian khổ, ngại hy sinh.
 
Ngày 14-7-1965, quân và dân Quảng Bình bắn rơi máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ. Ngày 17-7-1965, Hồ Chủ tịch gửi thư khen: “Bác vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi…”.
 
Thư của Bác trở thành nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Quảng Bình vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hy sinh tiến lên lập nhiều chiến công hiển hách. Tỉnh ủy tổ chức học tập thư Bác và phát động phong trào thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi gọi tắt là phong trào “Hai giỏi”. Từ đó, “chiến đấu giỏi”, “sản xuất giỏi” trở thành phong trào cách mạng của quần chúng, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, trở thành thước đo tinh thần, ý chí và trách nhiệm của mỗi người dân Quảng Bình. Phong trào “Hai giỏi” đã cuốn hút tất cả mọi tầng lớp quần chúng, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi toàn diện, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, các ngành. Phong trào có sự kết hợp chặt chẽ các phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, phong trào “Ba quyết tâm” trong công nhân viên chức, phong trào “Ba nhất” giành danh hiệu quyết thắng trong lực lượng vũ trang tạo thành một phong trào rộng lớn.
 
Trên đà chuyển biến tốt về tư tưởng của quần chúng, năm 1967, Tỉnh uỷ tổ chức cuộc vận động “Ơn Đảng nặng, thù giặc sâu” tăng cường đoàn kết nhất trí trong nội bộ với khẩu hiệu:“Phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”. Qua sinh hoạt chính trị đã góp phần phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của địa phương, nâng cao giác ngộ dân tộc, giác ngộ giai cấp, nung nấu thêm lòng căm thù giặc, xây dựng tinh thần tự lực cánh sinh, làm cho đảng viên và quần chúng càng thêm tin tưởng ở Đảng, tin tưởng ở sức mạnh của bản thân; xác định được lý tưởng phấn đấu của mình và không ngừng cố gắng làm tròn nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
 
Năm 1968, Đảng bộ Quảng Bình tổ chức đợt học tập cho cán bộ, đảng viên với nội dung: “Vinh dự to lớn, trách nhiệm nặng nề, sẵn sàng đi trước về sau cho đến thắng lợi cuối cùng”…, chuẩn bị cho Đảng bộ và quân dân trong tỉnh bước vào thời kỳ đấu tranh mới, thời kỳ thử thách cao hơn.
 
Do bị thất bại nặng nề trên tất cả 2 miền Nam - Bắc nước ta, ngày 1-11-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện, đồng thời thừa nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, chấp nhận hội nghị 4 bên ở Paris để bàn biện pháp chính trị, chấm dứt chiến tranh mang lại hòa bình cho miền Nam. Quảng Bình cũng như miền Bắc bước vào một thời kỳ mới.
 
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bộ Quảng Bình đề ra nhiệm vụ trong tình hình mới, phải kiên trì và liên tục giáo dục chính trị, tư tưởng sâu rộng trong Đảng và nhân dân, mở các đợt sinh hoạt chính trị giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân quán triệt các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy để nhận rõ được tình hình và nhiệm vụ mới, xác định được vị trí và trách nhiệm của mình đối với miền Nam. Đồng thời, ngặn chặn kịp thời những biểu hiện lệch lạc như chần chừ, do dự, sợ địch đánh trở lại, không dám vươn lên khôi phục kinh tế hoặc tự mãn, công thần chỉ nhìn về thành tích đã qua mà không vươn lên trong nhiệm vụ mới...
 
Ngày 21-2-1969, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Hai giỏi”. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, bởi một lần nữa cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang có thể nhìn nhận lại những tháng ngày chiến đấu, lao động sản xuất và chi viện chiến trường trong những hoàn cảnh khó khăn gian khổ, thử thách và hy sinh.
 
Qua hội nghị, tinh thần “tận tuỵ” vì sự nghiệp cách mạng, vì nhân dân của các thế hệ đảng viên cộng sản và quần chúng thể hiện rõ nét, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Nhiều tấm gương tiêu biểu trong lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã được xây dựng thành báo cáo điển hình để học tập trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
 
Năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc lịch sử. Trong đó, Người khẳng định: Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, các cấp uỷ đảng trong tỉnh tổ chức nhiều đợt sinh hoạt học tập Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, 5 lời thề trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khắp nơi trong tỉnh dấy lên phong trào thi đua.
 
Các tổ chức đảng trong lực lượng công nhân viên chức đã lãnh đạo tổ chức chuyên môn và công đoàn, chấn chỉnh nền nếp làm việc, phát động công nhân viên chức phấn đấu đạt bình quân 25 ngày công/tháng trong năm. Đặc biệt trong một số ngành công thương nghiệp địa phương đã dấy lên phong trào “xuất tướng ra quân giành 3 đỉnh cao thắng Mỹ”. Nông dân tiếp tục thực hiện phong trào “lấp hố bom sản xuất”, tranh thủ hàn gắn vết thương chiến tranh để tăng diện tích sản xuất và tăng năng suất lao động.
 
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, hòa bình tạm thời được lập lại trên miền Bắc. Với thắng lợi này, cách mạng nước ta bước vào một giai đoạn mới, tình thế cách mạng có những thay đổi, cục diện chiến trường miền Nam ngày càng chuyển biến có lợi cho ta. Cùng cả nước hướng ra tiền tuyến, trong 2 năm 1973 - 1974, Quảng Bình đã tăng cường các lực lượng ra mặt trận, đồng thời gấp rút huấn luyện chiến sỹ mới chuẩn bị bổ sung vào các lực lượng chiến đấu. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, lực lượng vũ trang cả nước khẩn trương củng cố mọi mặt, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ lịch sử.
 
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, công tác tư tưởng đã phát huy cao độ, huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia. Các binh chủng làm công tác tư tưởng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến; nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các đơn vị quân đội đã quán triệt đến mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; biến ý chí, quyết tâm thành hành động, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
 
Hướng ra chiến trường, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quảng Bình nô nức làm đơn tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu; các đơn vị đều ở trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh. Chỉ trong hơn hai tháng sau ngày Trị Thiên- Huế được giải phóng, công an nhân dân vũ trang đã chi viện 6 đợt với 841 đồng chí cho lực lượng an ninh các tỉnh phía Nam. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được triển khai.
 
Sau một thời gian chiến đấu anh dũng, ngày 30-4, 5 cánh quân của ta phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương và đồng bào Sài Gòn - Gia Định tiến vào như vũ bão đè bẹp sự phản kháng của Mỹ - nguỵ. Cả nước tiến về Sài Gòn, toàn quân tiến về Sài Gòn. Trong đoàn quân hùng dũng đó có hàng ngàn người con Quảng Bình vinh dự góp sức mình cùng dân tộc làm nên chiến thắng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, nhân dân ta đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
 
Các hoạt động thông tin tuyên truyền đã kịp thời đưa tin chiến thắng, khơi dậy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong đồng bào và chiến sĩ cả nước. Tất cả đều bừng bừng khí thế “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, “táo bạo, táo bạo hơn nữa” tiến về giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Trong hào khí đó, cùng với nhiều bài hát nổi tiếng khác, bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, vang lên trên các đường phố Sài Gòn, vang vọng khắp hai miền đất nước trong ngày Đại thắng 30-4-1975. Mặt trận công tác tư tưởng đã góp phần xứng đáng cùng toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một trong những chiến công vĩ đại nhất trong thế kỷ XX.
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi hoàn toàn, nhân dân Quảng Bình phấn khởi bắt tay vào khôi phục hậu quả chiến tranh, xây dựng CNXH và thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Chúng ta bước vào thực hiện nhiệm vụ của thời kỳ mới trong một điều kiện có nhiều thuận lợi nhưng không ít những khó khăn, thử thách. Trước yêu cầu đó, công tác tư tưởng đã tích cực tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, nâng cao khả năng vận dụng lý luận và các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện cụ thể ở địa phương.
 
Công tác tư tưởng cũng đã không ngừng chăm lo tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bản chất giai cấp công nhân của Đảng; củng cố sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và trong nhân dân; giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức, phương pháp luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò và năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ. Mặt khác, kiên quyết đấu tranh khắc phục quan điểm mơ hồ, dao động, biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh chống âm mưu "Diễn biến hòa bình" và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ.
 
Công tác tư tưởng ngày càng được đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương pháp tiến hành, thông tin kịp thời tình hình chính trị, thời sự quốc tế, trong nước, trong tỉnh, góp phần làm rõ thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn để định hướng dư luận xã hội kịp thời; đồng thời khơi dậy truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, góp phần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh ta nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong những năm đổi mới, đưa Quảng Bình vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
 
Cao Văn Định
                                       Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 

tin liên quan

Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - Thắng lợi của lòng yêu nước
Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - Thắng lợi của lòng yêu nước
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do.
 
Thủ tướng thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân
Thủ tướng thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân
Thủ tướng khẳng định Quân chủng Phòng không-Không quân là lực lượng nòng cốt bảo vệ không phận, mặt đất, biển đảo của Tổ quốc; luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
 
Đại thắng mùa xuân 1975 - Sức mạnh khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước
Đại thắng mùa xuân 1975 - Sức mạnh khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước
Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc thắng lợi chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đồng thời kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc kể từ cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.