Khúc ca ngày toàn thắng

  • 02:04, 29/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30-4-1975 mãi là thời khắc trọng đại-ngày Bắc Nam sum họp một nhà, non sông nối liền một dải. Và với riêng những nhân chứng lịch sử như cựu chiến binh (CCB) Đàm Hiếu Thuận (thôn Tiền Vinh, xã Gia Ninh, Quảng Ninh), cảm xúc về những ngày tháng tư lịch sử ấy vẫn chảy tràn trong ký ức và trở thành nguồn cổ vũ lớn lao để ông không ngừng cống hiến.
 
Những ngày không quên
 
Sinh năm 1945 tại xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, năm 1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đàm Hiếu Thuận khi ấy đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Ông được điều động đến làm nhiệm vụ tại lực lượng Công an nhân dân vũ trang (sau này đổi tên là Bộ đội Biên phòng).
 
Thời điểm ấy, khu vực biên giới còn rất hoang sơ, thiếu thốn. Vậy nhưng từ trong gian khó, người chiến sỹ lại càng thêm bền gan vững chí. Thấm nhuần khẩu hiệu “kiên quyết bám trận địa, bám địa bàn, bảo vệ an toàn mục tiêu”, ông Thuận cùng đồng đội tại lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã nắm chắc tay súng, làm tốt công tác biên phòng và bảo vệ nội địa.
 
Năm 1972, theo lệnh điều động của cấp trên, ông Đàm Hiếu Thuận được điều đến chiến trường B2, Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Tây Ninh. Với vai trò bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ông và các đồng đội luôn là “lá chắn thép”, tạo sự yên tâm cho Trung ương Cục chỉ đạo cách mạng miền Nam qua các giai đoạn cho đến ngày hoàn toàn đánh bại kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. 
 
Ông Thuận vẫn nhớ rất rõ, gần cuối tháng 4 năm 1975 là những ngày các trận đánh bắt đầu khẩn trương, gay go, ác liệt nhất. Trên đà thắng lợi, ông cùng với các đồng đội được điều động tham gia giải phóng, tiếp quản thành phố Sài Gòn để bảo vệ thành quả cách mạng.
 
Ngày 12-4-1975, tại Xa Mát, Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, bộ phận tiếp quản thành phố Sài Gòn gồm đông đảo cán bộ, chiến sỹ của các ban, ngành Trung ương Cục miền Nam, các lực lượng của khu Sài Gòn cùng phối hợp, nằm dưới sự chỉ huy thống nhất của đồng chí Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ đã làm lễ xuất quân xuống Svay Riêng, Campuchia. Đến ngày 27-4-1975, Bộ phận chỉ huy của đoàn dừng chân tại vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn. Sáng 30-4-1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố ngừng bắn chờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào để bàn giao, bộ phận tiếp quản nhanh chóng tiến vào thành phố, đặt tổng hành dinh tại Trường Pétrus Ký (Lê Hồng Phong).
 
“Khi nghe được tin chiến thắng, cảm xúc lúc ấy thật không có gì diễn tả hết, có ai bên cạnh là ôm ghì lấy nhau cùng khóc, cùng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”; quên hết những trận đấu khốc liệt vừa trải qua để thay vào đó là niềm hạnh phúc vỡ òa...”, người cựu binh già Đàm Hiếu Thuận bồi hồi xúc động khi nhắc đến khoảnh khắc ngày 30-4-1975 dù khoảnh khắc ấy đã đi qua tròn bốn mươi lăm mùa xuân.
 
Giữ trọn phẩm chất người lính
 
Sau ngày miền Nam toàn thắng, đất nước thống nhất trọn vẹn niềm vui, với tinh thần giúp bạn như giúp mình, năm 1979, ông Thuận (lúc này là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 210-E20, Trung đoàn 687) cùng các đồng đội tiếp tục sang chiến trường Lào, Campuchia, tham gia các trận đấu quyết liệt, đầy cam go. Trở về quê hương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, ông Đàm Hiếu Thuận về nhận công tác tại huyện Quảng Ninh. Nghỉ hưu, ông tiếp tục được bà con thôn xóm tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn rồi Chủ tịch Hội CCB xã.
Phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, CCB Đàm Hữu Thuận tiên phong phát triển kinh tế.
Phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, CCB Đàm Hiếu Thuận tiên phong phát triển kinh tế.
Gia Ninh (Quảng Ninh) là một xã có địa bàn rộng, dân số đông nhưng CCB Đàm Hiếu Thuận không nề hà vất vả, khó khăn, luôn tăng cường đi cơ sở, kịp thời chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt và hiệu quả hoạt động hội. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông cùng với Ban Chấp hành Hội CCB xã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho hội viên được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới.
 
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, mặc dù là thương binh hạng 2 với tỷ lệ thương tật 61%, nhưng CCB Đàm Hiếu Thuận vẫn không cho phép bản thân nghỉ ngơi, luôn cố gắng làm việc có ích cho cộng đồng và xã hội.
 
Thời điểm đó, vùng Gia Ninh còn nhiều bãi sình lầy ngập ngang ngực, vết tích hố bom do chiến tranh để lại. Nghĩ là làm, ông Thuận xin nhận 1ha đất sình lầy để cải tạo đào ao, nuôi cá, xây dựng chuồng lán nuôi lợn, trâu, bò. Bạn bè, làng xóm khi ấy không ít người lo ngại vì quyết định của ông. Thế nhưng, với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, CCB Đàm Hiếu Thuận vẫn kiên trì bám ruộng, bám đồng.
 
Quả nhiên, đất không phụ công người, những mẻ cá đầu tiên của ông được kéo lên trong niềm hạnh phúc vỡ òa của hai vợ chồng. Ngoài diện tích nuôi cá, CCB Đàm Hiếu Thuận còn xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp với nhiều loại vật nuôi đa dạng, như: ngan, bồ câu, thỏ, gà… và hàng trăm mét vuông đất trồng rừng kinh tế.
 
Không những làm kinh tế giỏi, CCB Đàm Hiếu Thuận còn hăng hái tiên phong tham gia các phong trào do chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương phát động. Trong gần 20 năm đảm đương, gánh vác công việc với cương vị là Bí thư Chi bộ và Chủ tịch Hội CCB xã, ông luôn tận tụy, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; thường xuyên vận động chòm xóm, gia đình thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, quan tâm giúp đỡ CCB phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
 
“Hơn 40 năm trong quân ngũ và 20 năm làm công tác xã hội, điều khiến tôi cảm thấy tự hào đó chính là ký ức vẹn nguyên ngày toàn thắng, thời khắc thiêng liêng, hào hùng của cả dân tộc. Những CCB thời bình như chúng tôi vẫn luôn giữ trọn phẩm chất người lính, thi đua lao động, chiến thắng “giặc” nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đàng hoàng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, ông Đàm Hiếu Thuận chia sẻ thêm.
                                                                            Thanh Hải

tin liên quan

Việt Nam kêu gọi hợp tác quốc tế về thanh niên tại phiên họp của HĐBA
Việt Nam kêu gọi hợp tác quốc tế về thanh niên tại phiên họp của HĐBA
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế về thanh niên và phát huy vai trò của các tổ chức khu vực.
 
Quảng Bình xếp thứ 13 cả nước về chỉ số PAPI
Quảng Bình xếp thứ 13 cả nước về chỉ số PAPI

(QBĐT) - Sáng 28-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2019. Đây là lần đầu tiên, sự kiện này được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn "chuyên nghiệp"
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn "chuyên nghiệp"

(QBĐT) -Trở về từ chiến trường B và Cam-pu-chia ác liệt, cựu chiến binh (CCB) Hà Văn Thanh (sinh năm 1953, ở thôn Bắc, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch) phải mất gần một năm trời chiến đấu với bệnh tật để giành lấy sự sống. Khi tạm thời bình phục, dù thân thể mang nhiều vết thương, mất sức lao động đến 61%, ông Thanh không chọn cách nghỉ ngơi mà tiếp tục tham gia vào "mặt trận" mới để đồng hành cùng bà con trên quê hương chiến thắng đói nghèo.