(QBĐT) - Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” do Ban Tổ chức Trung ương Đảng tổ chức ngày 2-12-2019, mô hình “Tổ khảo sát nhân sự trước khi bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử” của Quảng Bình đã nhận được sự quan tâm theo dõi của đại biểu trong toàn quốc. Đây được xem là bước sáng tạo đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh, được đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị các địa phương, đơn vị tham khảo, học tập và áp dụng.
Trao đổi về mục đích của việc thành lập Tổ khảo sát nhân sự (KSNS), đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Xuân Vinh cho biết: Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và đạt được những kết quả quan trọng. Để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác cán bộ, mà tập trung là khâu bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo tinh thần các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương thí điểm KSNS trước khi thực hiện quy trình bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Việc KSNS trước khi bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử nhằm ngăn ngừa những hành vi, biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra trong lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ; phát huy dân chủ trong giám sát đối với công tác cán bộ và kịp thời phát hiện, lựa chọn cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn. Cùng với việc bố trí, sắp xếp cán bộ đúng người, đúng việc, phát huy được năng lực, sở trường, kinh nghiệm của cán bộ, quá trình này cũng sẽ góp phần đánh giá khách quan, dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể và từng cá nhân trong thực hiện công tác cán bộ. Cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ sẽ được kiểm soát hiệu quả, đồng thời phát huy sức mạnh của nhiều kênh, nhiều chủ thể tham gia trong công tác cán bộ. Tổ KSNS sẽ giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận xét, đánh giá cán bộ kỹ lưỡng, toàn diện, chính xác hơn, khắc phục mặt hạn chế, yếu kém trong đánh, giá nhận xét cán bộ.
![]() |
Để thực hiện công tác KSNS, trên cơ sở đề nghị của tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị về xin chủ trương, số lượng, cơ cấu nhân sự đề nghị bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương và quyết định thành lập Tổ KSNS. Tổ KSNS sẽ phối hợp với ban thường vụ cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị để rà soát tình hình đội ngũ cán bộ, tìm hiểu, nắm bắt thông tin, lấy phiếu tín nhiệm, nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, điều kiện, tiêu chuẩn, khả năng đảm nhận vị trí công tác mới... của nhân sự dự kiến bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử để báo cáo cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Thành phần Tổ KSNS gồm 8 đồng chí lãnh đạo các ban, ngành: Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Bí thư các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy liên quan đến nhân sự dự kiến bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương nơi có cán bộ dự kiến bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử, do đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy làm tổ trưởng. Quy trình KSNS có 6 bước, gồm xây dựng phương án khảo sát, đánh giá cán bộ, trình tự thực hiện, phương pháp khảo sát, đánh giá cán bộ dự kiến được bổ nhiệm; cơ quan, đơn vị, địa phương có nhân sự dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử báo cáo tình hình và kết quả thực hiện công tác quy hoạch cán bộ; rà soát nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh; nghiên cứu, khảo sát, đánh giá cán bộ, tham gia ý kiến, lấy phiếu tín nhiệm.
Sau khi hoàn thành quy trình, Ban Tổ chức Tỉnh ủy (cơ quan thường trực của Tổ KSNS) tổng hợp kết quả báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để cho chủ trương về thực hiện quy trình nhân sự bổ nhiệm hoặc giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy trình tại Quy định số 01-QĐi/TU ngày 1-6-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Qua hơn một năm thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định KSNS bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử đối với 29 chức danh cán bộ thuộc thiện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại 22 cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực tế cho thấy, những cán bộ được đánh giá, tín nhiệm cao qua thực hiện KSNS, sau khi được bổ nhiệm là những đồng chí có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, trình độ chuyên môn vững vàng, có uy tín cao trong cơ quan, đơn vị. Từ khi được bổ nhiệm đến nay, những đồng chí này luôn tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện, phát huy tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, thành viên Tổ KSNS cho biết: "Là thành viên với vai trò đại diện tổ chức Mặt trận, tôi thực hiện trách nhiệm giám sát quy trình, các bước khảo sát cán bộ bảo đảm khách quan, trung thực. Đứng ở góc độ người làm công tác Mặt trận, tôi luôn quan tâm tới việc đánh giá của quần chúng, nhân dân về cán bộ, từ đó lắng nghe, tham khảo ý kiến về cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trong quy hoạch bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử để kiểm chứng, tham mưu, đóng góp ý kiến vào hoạt động của Tổ KSNS.
Với trách nhiệm và hoạt động cụ thể trong Tổ KSNS nói riêng, trong điều hành và thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh nói chung, cá nhân tôi và UBMTTQVN tỉnh đã đóng góp quan trọng cho công tác cán bộ, góp phần kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, lựa chọn được cán bộ có đủ đức, đủ tài, được nhân dân tín nhiệm giao phó những trọng trách trong Đảng, chính quyền các cơ quan, đơn vị, địa phương."
Trao đổi về những hiệu quả tích cực của mô hình Tổ KSNS, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh: Thông qua việc KSNS trước khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, cho thấy kỷ luật, kỷ cương ngày càng được siết chặt, chấn chỉnh được những hạn chế, bất cập, ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ. Đặc biệt, đã khắc phục được tình trạng thực hiện công tác cán bộ đúng quy trình nhưng bố trí không đúng người, đúng việc. Những kết quả này đã tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đổi mới công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch, lựa chọn được người xứng đáng, nổi trội, có uy tín trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cơ quan, đơn vị.
Thông tin về công tác cán bộ được công khai, tăng cường sự giám sát của các cơ quan, cán bộ, công chức và người dân đối với công tác cán bộ. Qua khảo sát cũng đánh giá rõ hơn nguồn nhân sự bổ nhiệm để có sự cân nhắc, thận trọng đối với những cán bộ có tín nhiệm chưa cao, chưa tập trung, chưa thật sự nổi trội. Tổ KSNS đã góp phần hoàn thiện một bước khâu khảo sát, đánh giá cán bộ phục vụ công tác bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Với những kết quả tích cực đó, mô hình Tổ KSNS của Quảng Bình được Ban Tổ chức Trưng ương ghi nhận, xem đây là cách làm mới, sáng tạo và đột phá trong công tác cán bộ. Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác cán bộ của Quảng Bình nói chung, sự sáng tạo và hiệu quả của Tổ KSNS nói riêng; đồng thời đề nghị các địa phương, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn để tham khảo, học tập và áp dụng kinh nghiệm của Quảng Bình trong thực hiện quy trình bố trí cán bộ.
Ngọc Mai