Các bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri Quảng Bình

  • 03:01, 31/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Quảng Bình có gửi kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp-PTNT về vấn đề thu mua, dự trữ lúa gạo và kiến nghị đến Chính phủ về vấn đề cải thiện chất lượng môi trường các đô thị lớn, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã nhận được công văn trả lời của 2 Bộ về các vấn đề này.
 
Thông tin việc thu mua lúa, gạo dự trữ quốc gia đều được công bố rộng rãi
 
Trả lời kiến nghị của cử tri về việc đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ sớm ban hành và công bố khung giá mà dự trữ quốc gia có thu mua từ tháng 4 để người dân có kế hoạch bán lúa, tránh bị tư thương ép giá, Bộ Nông nghiệp-PTNT có Công văn số 224/BNN-CBTTNS, ngày 8-1-2020, giải trình hai ý.
 
Thứ nhất, giá lúa, gạo theo cơ chế thị trường và chịu sự chi phối của quan hệ cung cầu, tình hình thương mại gạo trong nước và thế giới từng giai đoạn, từng thời điểm. Tuy vậy, để bảo đảm cho nông dân có lợi nhuận và an sinh xã hội, Nhà nước vẫn “giữ định hướng” đối với mặt hàng lúa gạo. Giá thóc định hướng được Bộ Tài chính xác định và công bố ngay từ đầu mỗi vụ để làm cơ sở áp dụng các biện pháp bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trên thị trường, góp phần bảo đảm mức lợi nhuận bình quân cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
 
Bên cạnh đó, tùy theo tình hình cụ thể mà các bộ, ngành sẽ đề xuất giải pháp phù hợp để cải thiện, bình ổn giá thóc gạo, hàng hóa trong nước, như: chỉ đạo thương nhân tổ chức phân phối gạo, cung ứng ngay gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường khi giá thóc, gạo hàng hóa tăng quá cao; ngược lại, khi giá thóc, gạo hàng hóa thấp, bất hợp lý, Bộ sẽ chủ trì để các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét áp dụng biện pháp cụ thể để điều tiết thị trường, hạn chế thiệt hại, bảo đảm quyền lợi cho người nông dân.
 
Thứ hai, đối với việc công bố, ban hành khung giá thu mua lúa, gạo dự trữ, Bộ cho biết, các thông tin liên quan đến việc thu mua, chất lượng, giá thóc, thời gian đăng tin, thời gian mở kho, thời hạn kết thúc mua… đều phải được nêu rõ trong kế hoạch mua do Cục Dự trữ Nhà nước khu vực lập và trình Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước phê duyệt. Sau đó, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực sẽ thông báo công khai kế hoạch sau khi được duyệt trên đài truyền hình, báo chí 3 lần liên tiếp trong 3 ngày và tại địa điểm mua thóc. Bên cạnh đó, bà con nông dân quan tâm có thể tìm thông tin này trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Dự trữ Nhà nước để chủ động kế hoạch bán lúa.
 
Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng khuyến khích việc địa phương tham gia các chương trình xúc tiến thương mại gạo do các bộ, ngành tổ chức; kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu gạo với nông dân để đẩy mạnh tiêu thụ gạo cho bà con. Ngoài ra, cần tích cực tăng cường tiêu thụ nội địa, làm tốt công tác bảo quản thóc sau thu hoạch…
 
Tích cực di dời nhà máy, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô để cải thiện chất lượng môi trường
 
Cử tri Quảng Bình kiến nghị: ở các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mật độ dân số và chất lượng không khí ngày càng trở nên đáng báo động. Nhà máy trong các khu dân cư làm dấy lên những mối lo ngại (điển hình là cháy Nhà máy bóng đèn-phích nước Rạng Đông); tình trạng ách tắc giao thông ngày càng trở nên trầm trọng. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, di dời các nhà máy công nghiệp, các trường đại học ra khỏi khu dân cư; đồng thời, kiên quyết hạn chế việc cấp phép xây dựng khu chung cư trong khu vực nội đô; sử dụng đất đã di dời các nhà máy, trường đại học thành các công trình công cộng, như: công viên, cây xanh. Chính phủ cần phát động chủ trương xây dựng đô thị “xanh” trong cả nước.
 
Trả lời kiến nghị này, Bộ Xây dựng có Công văn số 3036/BXD-QHKT, ngày 30-12-2019 giải trình 3 ý.
 
Thứ nhất, đối với vấn đề di dời nhà máy công nghiệp, trường đại học ra khỏi khu dân cư và sử dụng quỹ đất trong nội đô của các đơn vị này sau khi được di dời, Bộ cho biết: Quy hoạch chung của thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, Thủ tướng đã ban hành Quyết định quy định về biện pháp, lộ trình di dời, sử dụng quy đất sau khi di dời các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Hiện nay, công tác di dời đang triển khai. Theo đó, đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở công nghiệp.
 
Việc di dời cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đã được bố trí tại 279,5ha tập trung tại Hòa Lạc và một số địa phương lân cận, như: Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Tuy vậy, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa hoàn thành việc lập đề án để làm cơ sở xác định danh mục, tiêu chí, biện pháp di dời nên việc triển khai Đề án vẫn còn đình trệ.
 
Bên cạnh đó, nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án xã hội hóa, cơ chế tài chính thích hợp và khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả nên việc triển khai Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
 
Thứ hai, việc phát triển nhà chung cư trong khu vực nội đô các thành phố là vấn đề nan giải hiện nay do việc quản lý, kiểm soát xây dựng nhà cao tầng thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ quy hoạch chung… Để giải quyết tình trạng này, các bộ, ngành và UBND các địa phương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp, như: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng trong công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch; phối hợp UBND các đô thị lớn với các bộ, ngành liên quan để thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn địa phương trong tổ chức lập, triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị. Bộ cũng khuyến cáo các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch đất đai đô thị để hài hòa việc đầu tư các công trình công cộng, công viên cây xanh sau khi di dời.
 
Thứ ba, đối với việc phát động chủ trương xây dựng đô thị xanh, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 84/QĐ-TTg, ngày 19-1-2018 về Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh đến năm 2030. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan và UBND các địa phương để thực hiện các giải pháp đã được đề ra tại Kế hoạch, phấn đấu từng bước hình thành hệ thống đô thị xanh trên cả nước.
Diệu Linh
   (tổng hợp)

tin liên quan

Quảng Bình long trọng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Quảng Bình long trọng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

(QBĐT) - Sáng nay, 31-1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2020).

 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Bí thư xem xét, quyết định về công tác cán bộ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Bí thư xem xét, quyết định về công tác cán bộ

Ngày 31-1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Ban Bí thư để đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2020; xem xét, quyết định về công tác cán bộ. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Việt Nam chủ trì phiên họp của HĐBA về các vấn đề tại Cyprus, Libya
Việt Nam chủ trì phiên họp của HĐBA về các vấn đề tại Cyprus, Libya
Dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp thông qua Nghị quyết về gia hạn hoạt động của UNFICYP và và nghe Báo cáo về hoạt động của UNSMIL.