(QBĐT) - Tiếp tục chương trình làm việc, trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế -xã hội, đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành nền kinh tế. Theo đại biểu, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế 6,8% đã tạo niềm tin, tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong những năm, tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như: một số dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời chậm được phê duyệt quy hoạch, nhiều dự án đầu tư cũng gặp thủ tục phức tạp do chồng chéo, chưa rõ của các quy định pháp luật, làm kéo dài thời gian ở tất cả các khâu triển khai thực hiện. Về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, đại biểu cho rằng, tình trạng tội phạm liên tỉnh ngày càng nhiều, hoạt động táo tợn, thách thức pháp luật, nhất là tội phạm ma túy, cho vay nặng lãi, bạo lực, giết người man rợ, tàn độc diễn ra nhiều nơi; xu hướng xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ ngày càng gia tăng…
Từ thực trạng trên, đại biểu kiến nghị một số giải pháp nhằm tạo đà “bứt phá” đưa nền kinh tế phát triển bền vững, chống gây lãng phí ngân sách, như: cần tiếp tục rà roát các văn bản quy phạm pháp luật, tìm ra những vướng mắc, gây cản trở, để sớm tháo gỡ, điều chỉnh các văn bản pháp luật cho phù hợp. Cần triển khai giao vốn sớm và giao một lần để địa phương chủ động chỉ đạo điều hành, sớm hoàn thành dự án và sớm giải ngân tạo cơ hội cho nền kinh tế-xã hội từng bước phát triển bền vững. Cần giảm bớt các thủ tục do một số bộ quản lý mà phân cấp cho địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và pháp luật.
Đối với vấn đề xử lý rác thải bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện các cuộc phát động lớn, thể hiện quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy lùi ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để các chương trình, cuộc phát động đạt kết quả cao, đại biểu đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các cấp cần đồng bộ các giải pháp để biến rác thải thành tài nguyên cho đời sống.
Cũng trong phiên thảo luận quan trọng này, thay mặt lãnh đạo tỉnh và nhân dân Quảng Bình, đại biểu Trần Công Thuật chân thành cám ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành; các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong cả nước đã quan tâm và kịp thời giúp đỡ đồng bào bị thiên tai vượt qua khó khăn trong đợt mưa lũ vừa qua.
![]() |
Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu đồng tình việc bổ sung thẩm quyền cho kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán; tuy vậy, đại biểu đề nghị cần đánh giá và xem xét kỹ để tránh xung đột với các luật chuyên ngành để không có nội dung chồng chéo với một số luật khác, không có nội dung vượt thẩm quyền, không có nội dung chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, cần phải quy định cụ thể về công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm toán Nhà nước. Cần bổ sung về thời hạn công khai sau khi báo cáo được ký ban hành. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số quy định liên quan đến thẩm quyền của Tổng kiểm toán Nhà nước trong việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ quyền hạn trong kiểm toán Nhà nước; ban hành quy tắc ứng xử của kiểm toán Nhà nước. Cần pháp điển hóa các thẩm quyền này của Tổng kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu tán thành với việc cần phải xử lý các hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu, gây khó khăn, cản trở hoạt động kiểm toán; tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc về lập luận giao cho kiểm toán Nhà nước thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Tiếp đó, trong phiên thảo luận tại hội trường về “Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”, đại biểu Cao Thị Giang phát biểu cho rằng, việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết vì vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vùng khó khăn nhất. Tuy nhiên, theo đại biểu khi xây dựng đề án cần xuất phát từ quan điểm chú trọng đến việc tác động để kích thích nội lực của người dân vùng dân tộc thiểu số, tránh việc làm hộ, làm thay. Chủ trương, chính sách trong ban hành nghị quyết phê duyệt đề án cần đề cập, chú trọng, quan tâm đến các vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Cần có các dự án đầu tư nhằm tạo cơ hội phát triển, các phương án phát triển sản xuất; trong hỗ trợ đầu tư cần chú trọng tập trung đến việc hưởng lợi chung. Khi điều kiện sống của đồng bào đã được đáp ứng một cách cơ bản thì các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội cần chú trọng sâu vào nhóm hỗ trợ sinh kế và giáo dục.
Đại biểu cho rằng nghị quyết phê duyệt đề án cũng cần quan tâm đến việc đầu tư nguồn vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng cho vay vốn phục vụ sản xuất. Các cấp quản lý ban hành các chủ trương, chính sách truyền thông, bồi dưỡng, tập huấn cho người dân có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Chú trọng đến việc phổ cập công nghệ thông tin cho người dân tộc thiểu số để họ nhanh chóng tiếp cận tri thức, kết nối các cơ hội việc làm và bán hàng đến các thị trường trong nước và quốc tế. Chính những yếu tố trên là cơ hội cho người dân tộc thiểu số có cơ sở vững chắc, bền vững trong phát huy tiềm năng lợi thế, vươn lên tự chủ trong trong phát triển kinh tế-xã hội.
Song song với đó, cần tập trung phân loại đối tượng hộ nghèo nhưng không có khả năng lao động để có chính sách giúp đỡ, tài trợ. Đối với đối tượng có sức lao động sản xuất thì tạo cơ chế để giúp họ vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Khắc phục tình trạng tài trợ trước mắt nhưng thiếu tính bền vững vì không những không có hiệu quả mà còn có thể có những tác động ngược lại, như làm nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu đổi mới tư duy, sáng tạo của một bộ phận người dân trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với chiến lược phát triển kinh tế cần phải có những giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc bền vững, bởi khi văn hóa dân tộc được bảo tồn, sẽ góp phần thúc đẩy dòng chảy văn hóa phát triển nhanh chóng, tạo ra những giá trị văn hóa mới tốt đẹp trong cộng đồng người dân tộc và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Xét về khía cạnh bình đẳng giới, đại biểu cho rằng đây vẫn là vấn đề nóng và nan giải trong suốt những năm qua, tỷ lệ lao động nữ của 53 DTTS không biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 26,82%, cao gấp đôi so với tỷ lệ này của lao động nam DTTS và cao hơn 5 lần so với lao động nữ là người Kinh. Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu việc làm của lao động nữ DTTS chậm và gặp nhiều khó khăn, đó là rào cản từ phong tục tập quán, trình độ học vấn thấp, chuyên môn kỹ thuật hạn chế, rào cản ngôn ngữ và khả năng tiếp cận và thụ hưởng từ các chính sách, nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi sinh kế, cải thiện việc làm.
Chính vì thế, để trong giải pháp về vấn đề bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái, đại biểu đề nghị cần tiếp tục đầu tư chính sách hỗ trợ cho cô đỡ thôn bản; chính sách cho phụ nữ DTTS được khám thai theo định kỳ và sinh đẻ tại cơ sở y tế; chính sách phát triển Chi Hội phụ nữ thôn bản vùng DTTS…
Ngoài những vấn đề trên, thời gian qua, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong các phiên thảo luận tại tổ đối với một số dự án luật, như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Hồng Nhung – Diệu Linh
(Còn nữa)