(QBĐT) - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã chính thức bước vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV từ ngày 21-10-2019. Các ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động tại kỳ họp và trả lời phỏng vấn nhiều cơ quan thông tấn, báo chí về các vấn đề xã hội đang quan tâm. Dự kiến, kỳ họp lần này kéo dài trong 25 ngày làm việc.
![]() |
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 luật và cho ý kiến 8 Luật, trong đó có một số luật quan trọng, phạm vi tác động rộng, như: Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội… Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010 (trong đó có nội dung về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vốn nước ngoài cho 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai-len cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135).
Quốc hội cũng sẽ nghe các đại diện Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoảng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015...
Thảo luận tại hội trường về Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đồng tình với phương án giảm giờ làm cho người lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, đây là biểu hiện công bằng trong thời gian lao động giữa cán bộ trong cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và lao động doanh nghiệp; thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với người lao động trong xu hướng phát triển; tạo điều kiện và cơ hội để người lao động nâng cao sức khỏe, có thêm thời gian học tập nâng cao trình độ, có thêm cơ hội làm thêm giờ.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng không thể hạ thấp đến mức 40 giờ/tuần như cán bộ cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp. Vì cơ quan hành chính sự nghiệp có mức thang bảng lương khác với doanh nghiệp.
Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107), đại biểu đưa quan điểm: Nếu giữ nguyên giờ làm hiện tại thì đồng tình với phương án giờ làm thêm không quá 300 giờ. Nhưng nếu giảm giờ từ 48 xuống 44/tuần thì đại biểu đồng tình với phương án 2 khung thỏa thuận làm thêm tối đa từ 300 giờ lên đến 400 giờ trong một năm theo đề xuất của Chính phủ.
Tham gia góp ý về tuổi nghỉ hưu (Điều 169), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ quan điểm đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu vì tuổi thọ người Việt đã tăng cao; tăng tuổi là cơ hội tận dụng tối đa tiềm năng, trí tuệ người lao động, đồng thời thực hiện tiến trình dân số vàng.
Tuy nhiên, theo ông, cần phải có một lộ trình hợp lý để người lao động không bị “sốc”. Luật sửa đổi đã đưa ra một lộ trình tăng tuổi hợp lý từ năm 2021 người lao động trong điều kiện bình thường tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam; 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam 62; nữ 60.
Như vậy, sau 9 năm đối với nam; 16 năm đối với nữ mới đến điểm cuối của lộ trình. Lộ trình này sẽ giải quyết được bài toán tuyển dụng đối tượng lao động đã qua đào tạo nhưng thiếu việc làm và tạo thời gian định hướng, đào tạo, hướng nghiệp cho lực lượng lao động trẻ. Theo đại biểu, với xu thế phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và lao động máy móc, nước ta hoàn toàn có khả năng kéo dài tuổi lao động…
Tiếp thu ý kiến và nguyện vọng của người lao động, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị mở rộng đối tượng được nghỉ hưu sớm từ 5 năm đến 10 năm “đối với lĩnh vực giáo viên mầm non, tiểu học, người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật. Người lao động trong trường hợp suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt”.
Tại các buổi thảo luận tổ, các đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng đã tích cực tham gia ý kiến đối với Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020...
Hồng Nhung
(Còn tiếp)