Ký ức còn mãi

  • 06:08, 31/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - “4 giờ sáng ngày 23-8-1945, tôi cùng hàng nghìn người dân huyện Lệ Thủy hừng hực khí thế kéo lên huyện đường để cướp chính quyền. Trước sức mạnh của quân và dân ta, chính quyền tay sai đã nhanh chóng đầu hàng vô điều kiện và chính quyền cách mạng đã ra đời”, đến bây giờ, ông Phạm Hữu Bỉnh, 93 tuổi, ở đội 8, thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy vẫn nhớ mãi những tháng ngày lịch sử.

Ông Phạm Hữu Bỉnh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy. Học xong bậc tiểu học, ông được một người trong làng tên là Phan Liếp, học Trường Quốc học Huế, hướng đi theo con đường cách mạng.

Ông Phạm Hữu Bỉnh kể lại ký ức ngày cướp chính quyền.
Ông Phạm Hữu Bỉnh kể lại ký ức ngày cướp chính quyền.

Ông Bỉnh được ông Liếp truyền đạt thông tin trong nước, quốc tế cũng như tình hình cách mạng ở địa phương và phương pháp làm thông tin liên lạc trong vùng bí mật có địch. Học xong, ông được phân công làm nhiệm vụ liên lạc bí mật với cán bộ cách mạng tại xã Hồng Thủy, Thanh Thủy và Cam Thủy.

Ông Bỉnh kể: “Trong thời gian này, tôi được gặp và trao đổi thông tin với nhiều cán bộ, chiến sỹ đang hoạt động cách mạng trên địa bàn. Cán bộ cũng đã cung cấp cho tôi nhiều thông tin quan trọng và cả kế hoạch chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền”.

Thời điểm đó, dưới dự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở huyện Lệ Thủy ngày càng phát triển; các cuộc đấu tranh đòi lại ruộng đất, giảm tô, giảm thuế đã diễn ra khiến bọn cường hào, địa chủ nhiều phen run sợ. Lúc này, bọn thống trị, tay sai đã thực hiện chính sách “khủng bố trắng”. Chúng tăng cường bộ máy, đàn áp dân làng dã man, giải tán các hội yêu nước, cấm lưu hành các loại sách báo tiến bộ cũng như việc hội họp, mít tinh.

Riêng tại thôn Thượng Phong, Pháp cho đặt hai đồn để kìm kẹp phong trào đấu tranh của nhân dân ta vì chúng cho rằng nơi đây có nhiều cán bộ, chiến sỹ đang hoạt động cách mạng. Năm 1945, phong trào cách mạng trên địa bàn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và đội ngũ đảng viên được tăng cường, nhân dân các xã ven quốc lộ 1A và các xã vùng giữa sửa soạn vũ khí chuẩn bị chờ thời cơ khởi nghĩa cướp chính quyền. Các tổ chức yêu nước trong vùng được củng cố cả về lực lượng lẫn vũ khí, bản lĩnh chính trị. Trong những ngày này, khí thế cách mạng ở huyện Lệ Thủy thêm khẩn trương, sôi sục.

Đêm 22 rạng sáng ngày 23-8-1945, ông Bỉnh cùng nhiều cán bộ hoạt động cách mạng họp tại nhà ông Võ Pha, ở xã Liên Thủy để phân công nhiệm vụ cho từng người tham gia cướp chính quyền.

Đúng 4 giờ sáng, nhân dân xã Phong Thủy cùng nhân dân các xã vùng quốc lộ 1A kết đò lại tạo thành cây cầu nối liền đôi bờ sông Kiến Giang để nhân dân lên huyện đường cướp chính quyền. Trước sức mạnh như vũ bão của nhân dân Lệ Thủy, tên tri huyện chạy trốn, những tên đầu sỏ khác trong bộ máy cai trị của thực dân phong kiến cùng bè lũ tay sai phải quỳ gối đầu hàng vô điều kiện.

Ông Phạm Hữu Bỉnh nhớ lại: “Sau khi lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, nhân dân Lệ Thủy hết sức vui mừng, phấn khởi, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp cả vùng quê. Chính quyền cách mạng nhanh chóng được thành lập, nhân dân được chia ruộng đất, các loại sưu thuế đã được xóa bỏ. Nhân dân thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no.

Đến sáng 2-9-1945, nhiều cán bộ cách mạng cùng nhân dân trong huyện về Đồng Hới nghe thông báo việc Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc đó, tôi cùng hàng chục nghìn người dân trong huyện hết sức sung sướng, hạnh phúc, ôm lấy nhau reo hò..."

Khu vực Mũi Viết trên sông Kiến Giang là nơi ông Bỉnh cùng nhân dân kết đò qua cướp chính quyền.
Khu vực Mũi Viết trên sông Kiến Giang là nơi ông Bỉnh cùng nhân dân kết đò qua cướp chính quyền.

Dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng, các tổ chức, đoàn thể ở huyện Lệ Thủy phát triển mạnh mẽ. Nhân dân trong huyện vui tươi, phấn khởi, ra sức học tập, khai khẩn đất đai để sản xuất, đẩy lùi giặc đói và giặc dốt.

Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, để lãnh đạo phong trào cách mạng, chính quyền Việt Minh huyện Lệ Thủy đã dời lên chiến khu ở khu vực suối Bang, xã Kim Thủy. Lúc này, ông Bỉnh tiếp tục được giao nhiệm vụ làm văn thư, thông tin liên lạc từ chiến khu về các cơ sở cách mạng trong huyện. Đến năm 1949, ông nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Pháp đến năm 1956 thì phục viên.

Trở về quê hương, ông Bỉnh làm cán bộ thương nghiệp huyện đến năm 1980 thì nghỉ hưu. Về với đời thường, ông vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp của người lính, người cán bộ tiền khởi nghĩa, tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi và nuôi 9 người con khôn lớn thành đạt.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phong Thủy đánh giá: “Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ông Phạm Hữu Bỉnh vẫn tham gia nhiệt tình các phong trào của hội như: làm đường hoa, vệ sinh môi trường. Trong gia đình, ông là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, được con cháu cũng như dân làng rất kính trọng…"

Xuân Vương

tin liên quan

Nguyện mãi học và làm theo Bác
Nguyện mãi học và làm theo Bác

(QBĐT) - Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

"Đất nghèo nuôi những anh hùng!"
"Đất nghèo nuôi những anh hùng!"

(QBĐT) - Đó là làng Sạt (nay là tiểu khu 3), thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa. Trong phong trào Cần Vương, làng Sạt vinh dự là nơi được đón vị vua yêu nước Hàm Nghi ở lại 3 đêm trước khi vào Hóa Sơn xây dựng"kinh đô kháng chiến".

Nửa thế kỷ làm theo lời Bác
Nửa thế kỷ làm theo lời Bác

(QBĐT) - Thực hiện lời Di chúc của Người, nửa thế kỷ qua, Quảng Bình đã không ngừng quyết tâm, nỗ lực tạo dựng một diện mạo mới đầy nặng động, tự tin và tươi trẻ cho quê hương.