Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tích cực đóng góp ý kiến

  • 08:06, 03/06/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Khai mạc ngày 20-5-2019, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ kéo dài đến ngày 14-6. Trong tổng số 20 ngày làm việc tại kỳ họp này, Quốc hội dành 12 ngày cho công tác xây dựng pháp luật, 8 ngày cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và giám sát các vấn đề quan trọng khác. Sau hơn một tuần làm việc đầu tiên, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã tích cực tham gia các hoạt động tại kỳ họp và trả lời phỏng vấn nhiều cơ quan thông tấn, báo chí về các vấn đề xã hội đang quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tham gia thảo luận góp ý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tham gia thảo luận góp ý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Báo cáo đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Đáng chú ý, Quốc hội cũng nghe tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính -Ngân sách về vấn đề này; tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, đáng chú ý gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Kiến trúc, Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp)…

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…

Đến thời điểm hiện tại, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã có khá nhiều bài phát biểu tại hội trường và phát biểu thảo luận tại tổ.

Thảo luận tại hội trường về Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã đề nghị bổ sung vào điều 2 giải thích từ ngữ làm rõ tác hại của rượu bia. Theo đại biểu, đây là nội dung hết sức quan trọng của luật, nhưng trong dự thảo giải thích quá đơn giản, vì thế, địa biểu đề nghị phải làm rõ, nhấn mạnh tác hại của rượu bia, như: gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế-xã hội, một trong những nguy cơ hàng đầu gây tàn tật và tử vong của người Việt Nam, nguyên nhân liên quan đến rối loạn tâm thần người lái xe gây tai nạn giao thông, gây tổn thương cả về tinh thần, tính mạng, cuộc sống của bản thân và người khác, làm cho bản thân và gia đình vướng vào vòng lao lý, mắc các bệnh tật, như: xơ gan, tim mạch, ung thư, gây hậu quả tử vong trước tác hại của rượu, bia. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng nhấn mạnh: cần đẩy mạnh truyền thông để khi luật ban hành, người dân đọc vào sẽ có sự thay đổi về nhận thức.  

Đối với các biện pháp để giảm mức tiêu thụ rượu, bia, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị: cần bổ sung một điều quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia ở mức tỷ lệ phần trăm bởi khi giá bia, rượu đắt, chắc chắn người dân sẽ giảm uống. Nếu bổ sung quy định này, sẽ có thêm phần trích thu ngân sách để chi phí cho các hoạt động truyền thông tác hại của rượu bia, tăng ngân sách cho phần chi phí điều tra và xử lý rượu, bia.

Cho rằng mức xử lý pháp luật là giải pháp cốt lõi để hạn chế tác hại của rượu, bia, đại biểu đề nghị bổ sung khoản 1 Điều 28 về hình thức xử phạt, kỷ luật từ xử phạt hành chính đến phê bình, khiển trách buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt hành chính khi uống rượu bia gây tai nạn hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa tới mức truy tố thì thu bằng lái xe từ 1 đến 5 năm hoặc thu bằng vĩnh viễn. Phạt tiền từ 20 đến 100 triệu, tùy theo mức độ vi phạm.

Đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung quy định tại Điều 30 khoản 4 về trách nhiệm của các bộ, ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong việc thực hiện quản lý nhà nước về chống tác hại của rượu bia, thay vì chỉ Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm (như dự thảo Luật hiện nay).

Đối với Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh đến việc chuyển hoá đơn giấy thành hoá đơn điện tử để tăng tính minh bạch của quản lý thuế; đồng thời, đề nghị bổ sung về hành vi nghiêm cấm trong quản lý thuế, cụ thể: “Cấm hành vi lợi dụng chuyển giá để sắp đặt trốn thuế, hưởng lợi bởi hiện nay rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng hoạt động chuyển giá để giảm thiểu số thuế. Cấm xuất hoá đơn ảo làm hợp lý hoá chi phí nguồn ngân sách, gây thất thoát nguồn thu ngân sách quốc gia. Cấm cán bộ thuế thoả hiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trốn thuế và gian lận thương mại”.

Trước thực trạng thời gian qua có nhiều doanh nghiệp kinh doanh liên tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng quy mô sản xuất, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị bổ sung thuật ngữ “chuyển giá” vào  Điều 3 giải thích từ ngữ của dự thảo.

Cũng theo đại biểu, người nộp thuế thuộc phạm vi quản lý của cơ quan thuế, kiểm toán nhà nước trực tiếp kiểm toán người nộp thuế nhưng phát hiện có sai phạm thì trách nhiệm đó có liên quan trách nhiệm cơ quan quản lý thuế. Như vậy, theo quy định của pháp luật khi kiểm toán nhà nước có kiến nghị thì cơ quan quản lý thuế, phải kiểm tra, xác minh để báo cáo giải trình cho cơ quan kiểm toán. Cần thiết yêu cầu người nộp thuế trực tiếp cùng cơ quan quản lý thuế báo cáo giải trình làm rõ việc thực hiện đúng, sai; nguyên nhân giải pháp khắc phục.

Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng, tại dự thảo, Điều 21 vẫn còn vướng mắc bởi: theo quy định của dự thảo, kiểm toán gửi biên bản hoặc báo cáo cho người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị theo báo cáo kiểm toán. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý thì có quyền khiếu nại, kiến nghị. Điều này sẽ tạo nên những vướng mắc, có thể gây ra mâu thuẫn về quản lý giữa cơ quan thuế và cơ quan kiểm toán. Đại biểu đề nghị kiểm toán nhà nước và cơ quan quản lý thuế phối hợp sửa đổi dự thảo Điều 21 một cách hợp lý, đúng pháp luật.

Đối với Điều 28 quy định về việc thành lập Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh tinh giản biên chế như hiện nay, không nên thành lập Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn vừa làm bộ máy trở nên cồng kềnh, hình thức, mặt khác, nhiệm vụ này đã được cơ quan thuế thực hiện; các phương tiện thông tin đầy đủ, đủ điều kiện để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đối với Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Đoàn Quảng Bình đã chuẩn bị ý kiến phát biểu công phu, kỹ lưỡng, tuy nhiên, do thời gian có hạn nên Tổng thư ký đã tiếp nhận ý kiến bằng văn bản để nghiên cứu, tiếp thu. Nội dung phát biểu liên quan đến việc đề nghị bổ sung hình thức giáo dục trực tuyến vào các quy định của luật; bổ sung quy định về giáo dục hướng nghiệp từ cấp tiểu học; một số vấn đề về sách giáo khoa và tiêu chuẩn nhà giáo…

Tại các buổi thảo luận tại tổ, các đại biểu tỉnh Quảng Bình đã tham gia 4 ý kiến. Đáng chú ý là phần góp ý của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường vào Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018.

Từ việc phân tích hàng loạt các vụ việc “nóng”, gây bức xúc trong xã hội, đại biểu đã nhấn mạnh đến việc tăng cường kỷ cương, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và cán bộ, công chức; tăng cường ban hành các quy định có tính thực tế, bảo đảm khả thi; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi pháp luật; tránh tình trạng “chạy theo” dư luận trong các lĩnh vực quản lý xã hội. Cũng trong buổi thảo luận này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh đến việc cần tăng tính phân cấp cho địa phương, đặc biệt là trong việc phê duyệt các dự án đầu tư quy mô nhỏ để tăng tính năng động, linh hoạt cho các cấp chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, góp ý Luật Kiểm toán, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đưa quan điểm cần thống nhất với Luật phòng, chống tham nhũng và các luật liên quan. Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung các nội dung cần phải công khai, minh bạch đối với kiểm toán như kế hoạch kiểm toán năm và quy định luôn thời hạn công bố… và đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Kiểm toán trách nhiệm giải trình của kiểm toán là bao gồm giải trình khi có yêu cầu của cơ quan, cá nhân, đơn vị bị tác động bởi quyết định, hành vi đó; giải trình khi báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật, giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác… để phù hợp với Luật phòng, chống tham nhũng thay vì chỉ quy định phải trách nhiệm “giải trình kết quả kiểm toán với Quốc hội và với các cơ quan của Quốc hội” (khoản 9, Điều 10) như hiện nay.

Phát biểu tại thảo luận tổ về Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương băn khoăn khi khoản 3a Điều 1 dự thảo Luật Tổ chức chính phủ quy định: Chính phủ quy định khung số lượng và giao cho chính quyền địa phương quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Theo đại biểu, điều này là không phù hợp, dễ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất giữa các địa phương, vì thế, Chính phủ nên quy định về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở cả địa phương.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, quy định về HĐND cấp tỉnh, cấp huyện gồm Trưởng ban, một Phó Trưởng ban; Trưởng ban có thể hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách được nêu tại dự thảo Luật sẽ tạo “cơ hội” để các tỉnh, thành phố có thể bố trí cả Trưởng ban và Phó Trưởng ban (hai người) hoạt động chuyên trách mà không trái luật, không bảo đảm việc tinh gọn bộ máy.

Do đó, đại biểu cho rằng cần sửa đổi nội dung trên theo hướng đối với cấp tỉnh loại 2 và loại 3, cấp huyện bố trí mỗi ban chỉ có một người hoạt động chuyên trách, cụ thể “nếu Trưởng ban hoạt động chuyên trách thì Phó Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm, nếu Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm thì Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách”.

Nguyễn Mai-Diệu Linh (tổng hợp)

(Còn nữa)

tin liên quan

Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn  bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi

(QBĐT) - LTS: Ngày 30-5-2019, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã ký ban hành Công văn số 693-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Tranh luận đến cùng, làm sáng tỏ những vấn đề xã hội quan tâm
Tranh luận đến cùng, làm sáng tỏ những vấn đề xã hội quan tâm

Quốc hội lựa chọn ra 4 nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Đây là những nội dung "nóng," không chỉ được các đại biểu Quốc hội quan tâm mà còn được cử tri và nhân dân mong đợi.

Công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW trên Báo Quảng Bình: Thiết thực và hiệu quả
Công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW trên Báo Quảng Bình: Thiết thực và hiệu quả

(QBĐT) - Xác định rõ nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo Đảng địa phương, thời gian qua, Báo Quảng Bình đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tuyên truyền về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.