(QBĐT) - Tiếp tục các nội dung của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã đóng góp các ý kiến về đầu tư công, tranh tụng lên tòa án tối cao và chế độ sinh viên cử tuyển.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có ý kiến phát biểu về vấn đề đầu tư công, trong đó đề cập, phân tích sâu thêm một số giải pháp nằm nâng cao hiệu quả các hoạt động đầu tư công.
Nhận xét về Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, đại biểu ghi nhận những thành tích đạt được của Chính phủ và các bộ, ngành trong đầu tư công, như: cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng phù hợp với đầu tư giai đoạn 2016-2020, tăng tỷ trọng đầu tư các ngành giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, nông lâm nghiệp, thủy sản, lĩnh vực hạ tầng và thu hồi vốn ứng trước.
Tốc độ giải ngân dự án hoàn thành đưa vào sử dụng tăng, có sự cải thiện rõ rệt, khắc phục được tình trạng dự án đầu tư vượt kế hoạch giao gây nợ đọng xây dựng cơ bản, cắt khúc đầu tư công.
![]() |
Khắc phục được những hạn chế cơ bản làm tăng nợ công trong giai đoạn 2010-2015, như: tình trạng chuẩn bị nội dung dự án sơ sài, phê duyệt hình thức để ghi vốn dẫn đến bổ sung, điều chỉnh nhiều lần; tình trạng bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí, thất thoát, giảm đầu tư; tình trạng chậm xử lý vấn đề thất thu của dự án.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cho rằng, thời gian qua, trong lĩnh vực đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, như: việc lựa chọn dự án phù hợp để đưa vào kế hoạch đầu tư chưa đảm bảo; các bộ, ngành, địa phương còn biểu hiện lúng túng trong triển khai thực hiện, thiếu giải pháp cụ thể để lựa chọn các dự án tối ưu, giải quyết được tình trạng mất cân đối, đáp ứng nguồn vốn; Chính phủ còn chậm trễ trong giao kế hoạch đầu tư công cho các bộ, ngành, địa phương.
Điều này dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, dang dở, nhiều dự án bị giãn, hoãn tiến độ, nợ đọng, hoặc chậm vốn nên triển khai không đúng tiến độ; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư để giao kế hoạch vốn trung hạn còn chậm, chưa đảm bảo tính ổn định; vốn giao nhiều lần, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Việc thanh tra, xử lý các sai phạm trong đầu tư công còn thiếu quyết liệt, còn nhiều dự án thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn nhưng chưa được phát hiện, hoặc đã phát hiện nhưng thanh tra, xử lý chưa nghiêm.
Vào tháng 10 năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố tình trạng đầu tư không hiệu quả trước nhiệm kỳ này không phải là 12 dự án mà có đến 72 dự án, gây thất thoát 42 nghìn tỷ đồng, làm tăng gánh nặng ngân sách, nhiều dự án dang dở, chậm tiến độ, tăng mức đầu tư gây lãng phí; tuy vậy, tại báo cáo của Chính phủ lần này chưa thống kê được số lượng cụ thể những dự án đầu tư công có hiệu quả và không hiệu quả để đại biểu và cử tri nắm rõ thêm tình hình.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nói trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần thống kê cụ thể đến thời điểm hiện tại có bao nhiêu dự án cần được xem xét, kiến nghị điều tra, truy tố để bổ sung báo cáo.
Tăng cường chỉ đạo thanh tra, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đã để xảy ra sai phạm, từ đó, có biện pháp xử lý nghiêm nhằm cảnh báo, răn đe và rút ra bài học kinh nghiệm trong tổ chức quản lý để ngăn chặn triệt để tình trạng thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công như thời gian qua.
Tập trung nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo và tăng cường làm tốt công tác cán bộ; trong đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp để khắc phục tình trạng cán bộ yếu kém về năng lực và thiếu trách nhiệm.
Ngoài những vấn đề trên, đại biểu cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tạo nguồn thu cho quốc gia và doanh nghiệp, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh một số quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Cụ thể, cần có quy định giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chủ động quyết định những dự án đấu thầu nhỏ mức dưới 1 tỷ đồng mà không cần xin ý kiến Chính phủ.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương gửi câu hỏi chất vấn đến Chánh án tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình liên quan đến việc thời gian giải quyết các đơn gửi đến giám đốc thẩm, tái thẩm tối cao chậm và có những vụ án không được xem xét khiến người dân thất vọng.
Đại biểu cũng mong muốn Chánh án cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Đại biểu Quốc hội Cao Thị Giang đã gửi câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân liên quan tới chính sách cử tuyển học sinh vùng dân tộc thiểu số. Các chất vấn đều được các thành viên Chính phủ trả lời.
Ngoài hai ý kiến chất vấn trên, các đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình cũng tham gia tranh luận sôi nổi tại nghị trường để làm rõ thêm đối với một số vấn đề liên quan.
Diệu Linh-Hồng Nhung