Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII: Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

  • 09:07, 26/07/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - *Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trả lời kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao như sau:

Về vấn đề đầu tư bảo tồn giữ gìn phát huy giá trị lịch sử, văn hóa thành cổ Đồng Hới: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật thành Đồng Hới là di tích quốc gia được xếp hạng theo quyết định số 97/QĐ-BVHTT ngày 21-1-1992 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Ngành Văn hóa - Thể thao đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật thành Đồng Hới với tổng mức đầu tư đã được quyết toán 24,026 tỷ đồng. UBND tỉnh đã điều chỉnh dự án với tổng mức bổ sung 20,172 tỷ đồng. Dự án do sở Văn hóa và Thể thao làm chủ đầu tư.

Đến ngày 31-12-2014, tổng số vốn đã cấp cho dự án là 8,510 tỷ đồng; từ năm 2015 đến nay, dự án đang tạm dừng thi công, tại điểm dừng kỹ thuật theo số vốn bố trí. Dự án còn một số hạng mục chưa thực hiện: GPMB phía phường Đồng Phú; hệ thống thoát nước thải khu dân cư dọc đường Trần Hưng Đạo; hệ thống đường dạo; hệ thống cấp nước tưới cây xanh; hệ thống cây xanh, thảm cỏ; hệ thống điện chiếu sáng tại khu vực tuyến vòng ngoài Hồ Thành (tuyến 2). Trên cơ sở đề xuất các đơn vị liên quan, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài có ý kiến đồng ý chủ trương cho phép tiếp tục thực hiện thu hồi đất để GPMB xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật thành Đồng Hới.

Cụ thể, giao UBND thành phố Đồng Hới chủ trì, phối hợp sở VH-TT, các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện; giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với sở VH-TT và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện những hạng mục còn lại. Để đáp ứng kỳ vọng của cử tri, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương sẽ tiếp tục tham mưu để tiếp tục giải quyết vướng mắc, sớm hoàn thành các hạng mục còn lại trong tổng thể dự án có ý nghĩa lớn này.   

* Ông Nguyễn  Xuân Kỳ, Giám đốc công ty TNHHMTV Giống cây trồng Quảng Bình trả lời kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực giống cây trồng:

Khi phân phối giống lúa cho bà con gieo trồng cần hướng dẫn cụ thể về đặc tính kỹ thuật, thời gian sinh trưởng từng giống lúa. Vấn đề này được trả lời: các sản phẩm hạt giống lúa của Công ty TNHHMTV Giống cây trồng Quảng Bình cung ứng cho bà con được chế biến và đóng gói theo quy cách.

Trên mỗi bao bì đều có công bố chất lượng sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất (thời gian sinh trưởng, đặc tính giống, phân bón, chăm sóc…) Trong quá trình cung ứng giống,địa phương nào có nhu cầu tập huấn kỹ thuật gieo trồng hoặc hỗ trợ tư vấn kỹ thuật sản xuất, cán bộ kỹ thuật của công ty đều đáp ứng đầy đủ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số đơn vị cung ứng giống nhưng các thông tin về giống không đầy đủ trên bao bì, gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con, đề nghị các đơn vị cơ sở xem xét, tăng cường công tác giám sát, quản lý chặt chẽ, hạn chế thiếu sót mà cử tri đã nêu.   

* Ông Trần Xuân Công, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình trả lời các kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực điện:

Tình trạng nhiều cột điện bị gãy đổ do ảnh hưởng cơn bão số 10 năm 2017 tại địa bàn xã Tây Trạch gây nguy hiểm cho bà con. Về vấn đề này được trả lời như sau: do ảnh hưởng của bão số 10 năm 2017, hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện Bố Trạch nói chung, xã Tây Trạch nói riêng bị tàn phá nặng nề. Công ty đã tập trung toàn bộ nguồn lực để khắc phục sự cố lưới điện, cấp điện an toàn trở lại nhằm ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, do khối lượng quá lớn, công ty ưu tiên xử lý những vị trí không bảo đảm điều kiện vận hành, các vị trí còn lại đưa vào kế hoạch sửa chữa quý 1,2 năm 2018. Đến nay, 3 vị trí cột hạ thế thuộc xuất tuyến 2-Trạm biến áp Tây Trạch 4 bị nghiêng đã được xử lý khắc phục hoàn toàn.  

* Ông Dương Vũ Nhật Đồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình trả lời các kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực đào tạo nghề:

Chính sách cho học viên  thuộc đối tượng hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại tỉnh Quảng Bình. Vấn đề này được trả lời như sau:tháng 1-2018, Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo lái xe ô tô hạng B2 cho người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại các xã Quảng Đông thuộc huyện Quảng Trạch, phường Quảng Thọ thuộc thị xã Ba Đồn, xã Quang Phú thuộc thành phố Đồng Hới, xã Hải Ninh thuộc huyện Quảng Ninh với số lượng 30 học viên/xã/lớp. Nhà trường đã công bố cho học viên biết các chế độ, chính sách hỗ trợ người học thuộc đối tượng hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại tỉnh Quảng Bình.

Trong thời gian chờ văn bản của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh hướng dẫn về thực hiện thanh toán kinh phí đối với học viên các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại tỉnh Quảng Bình,Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình đã có công văn số 95/CĐN-ĐT ngày 29-3-2018 về việc thực hiện đào tạo lái xe ô tô hạng B2 cho đối tượng thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển; lãnh đạo nhà trường đã trực tiếp gặp gỡ học viên để trao đổi và thống nhất mức tạm thu 2.000.000 đồng/học viên để gắn trách nhiệm học viên với nhà trường và cam kết không bỏ học giữa chừng làm ảnh hưởng chung đến thanh quyết toán kinh phí khóa học.

Ngày 1 tháng 6 năm 2018, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình đã có công văn số 696/ SLĐTBXH-DN về việc quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, hỗ trợ học phí trình độ trung cấp, cao đẳng cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển.

Ngày 26-6-2018,Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình đã gặp mặt toàn thể học viên thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển để thông tin nội dung công văn 696/ SLĐTBXH ngày 1-6-2018 và nội dung công văn số 205/CĐN-ĐT ngày 14-6-2018 của Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình.

Sau khi nghe phổ biến, học viên cho rằng, kinh phí phải nộp theo quy định là hoàn toàn đúng, nhưng do khó khăn nên hiện tại học viên chưa có tiền để nộp số tiền còn lại. Nhà trường thống nhất hình thức thanh toán và thời gian nộp các khoản kinh phí đào tạo còn lại đối với học viên 5.100.000/học viên B2) như sau: Học viên phải hoàn thành và nộp giấy xác nhận người thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển do UBND xã/phường/thị trấn nơi học viên cư trú cấp tại phòng Đào tạo nhà trường trước khi kiểm tra kết thúc khóa học.

Sau khi hoàn thành khóa học, nhà trường tạm giữ chứng chỉ sơ cấp, giấy phép lái xe ô tô để hoàn thiện hồ sơ và gửi cho phòng LĐTBXH, nơi học viên cư trú đề nghị cấp kinh phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại cho học viên. Sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ, học viên nộp số kinh phí đào tạo còn lại tại phòng Tài chính- Kế toán của nhà trường và nhận chứng chỉ sơ cấp và giấy phép lái xe ô tô.      

* Ông Phạm Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực xây dựng như sau:

Về vấn đề hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng người có công đã được xét duyệt hồ sơ nhưng tuổi cao đã qua đời. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 22/2013/ QĐ-TTg ngày 26/4/2013. Sau khi quyết định ra đời, tỉnh Quảng Bình tổ chức rà soát, phê duyệt danh sách và xây dựng đề án để thực hiện.

Trường hợp nằm trong đề án đã phê duyệt mà đã chết khi chưa được hỗ trợ thì thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 56/ UBND-XDCB ngày 12-1-2016 và công văn số 1614/UBND-XDCB ngày 1-9-2017 của UBND tỉnh.

Cụ thể, trường hợp người có công có tên trong đề án mà UBND tỉnh phê duyệt nhưng đã chết mà vợ hoặc chồng vẫn còn sống, có hộ khẩu thường trú và đang ở tại nhà ở đó thì được hỗ trợ theo quyết định.

Đối với trường hợp người có công có tên trong đề án mà UBND tỉnh phê duyệt nhưng cả người có công và vợ ( hoặc chồng) của người đó đều đã chết, hiện nay con của họ đang sinh sống tại nhà ở đó thì UBND cấp huyện phải rà soát cụ thể từng trường hợp, nếu con của họ thực sự có khó khăn về nhà ở thì UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Xây dựng) để hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương.

Phan Hòa (lược ghi)  
 

tin liên quan

Lực lượng quân đội Việt Nam sang Lào hỗ trợ khắc phục vụ vỡ đập
Lực lượng quân đội Việt Nam sang Lào hỗ trợ khắc phục vụ vỡ đập

Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã triển khai công tác hỗ trợ cho nước bạn Lào ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ngày 23-7.

Hỗ trợ Lào 200.000 USD khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện
Hỗ trợ Lào 200.000 USD khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019
Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 538/2018/UBTVQH14 về chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019.