(QBĐT) - Là người từng nhiều năm gắn bó với Quân đội, thượng tá Đào Duy Sơn đã động viên con trai duy nhất của mình ra đảo Trường Sa Đông rèn luyện. Anh nghĩ rằng, muốn con trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn thì phải đến những nơi khó khăn gian khổ, nơi Tổ quốc và nhân dân đang cần mình nhất.
Trong một lần theo các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm Tết, tôi đã có dịp đến nhà thượng tá Đào Duy Sơn, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Minh Hóa. Đây là gia đình có người con trai duy nhất là Đào Hùng Quân, sinh năm 1998, đang làm nghĩa vụ quân sự tại đảo Trường Sa Đông, thuộc Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Năm 2017, Đào Hùng Quân xếp bút nghiên, tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, thượng tá Đào Duy Sơn tiếp tục động viên con tích cực rèn luyện, phấn đấu để được cấp trên cho ra Trường Sa công tác. Nghe ba nói vậy, Quân lưỡng lự và chưa muốn đi, vì cuộc sống và môi trường biển đảo rất gian khổ và khắc nghiệt trong khi mẹ anh ở nhà không phản đối nhưng trong lòng khá lo âu.
Với trách nhiệm của người cha, cũng là người đồng đội, thượng tá Đào Duy Sơn tiếp tục động viên con. Anh tâm sự: “Tôi rất muốn cháu ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Lúc đầu, cháu còn lưỡng lự vì sợ xa nhà quá lâu, vất vả không chịu nổi.
![]() |
Đồng chí Đinh Công Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thăm và tặng quà cho gia đình thượng tá Đào Duy Sơn nhân dịp Tết Mậu Tuất năm 2018. |
Thấy cháu vậy, tôi đã bảo rằng: nếu được ra Trường Sa đó là cơ hội để con học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị và ý chí quyết tâm chiến đấu. Nơi đó, Tổ quốc, nhân dân đang rất cần con. Môi trường rèn luyện ở hải đảo cũng hết sức khắc nghiệt, chỉ có đồng đội, đồng chí mới cho con thêm ý chí và “tinh thần thép”.
Đó là tình cảm thiêng liêng như anh em ruột thịt, là những người có cùng chí hướng bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện ở đó, con trở về tiếp tục thi vào ngành Quân sự hoặc một ngành nghề nào khác mà con thích... Ở trên đảo, con sẽ hiểu được nổi vất vả, hy sinh của cha ông trong quá trình đấu tranh bảo vệ vùng đất thiêng của Tổ quốc...”.
Đến nay, đã gần một năm gắn bó với biển đảo, Đào Hùng Quân được sống trong sự yêu thương của đồng chí, đồng đội và của những người dân từ đất liền. Hàng ngày, anh vẫn tiếp tục học tập, rèn luyện và làm nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó. Anh tâm sự: “Ở trên đảo, chúng em không được tùy tiện sử dụng điện thoại cũng như mạng xã hội. Nếu ai có việc quan trọng cần thông tin về đất liền phải liên hệ trước để đơn vị bố trí máy liên lạc.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, em được “thưởng nóng” một cuộc liên lạc về gia đình sau giờ đón giao thừa. Bởi lúc cả nước đang chào đón năm mới thì em vẫn còn ôm súng canh giữa biển trời. Lúc đó, em thấy rất tự hào khi được canh giữ cho đất nước, cho nhân dân được đón Tết an toàn. Rồi khi gọi điện về, cả ba và mẹ đều động viên em cố gắng yên tâm công tác, dù có khó khăn cũng phải kiên cường để chung sức giữ vững biển trời của Tổ quốc”.
Bà Đinh Thị Thu Hương, mẹ Đào Hùng Quân chia sẻ: “Lúc Quân lên tàu ra Trường Sa, cháu gọi điện về khoe rằng: “Đất nước mình đẹp lắm mẹ ơi, giờ con thấy quyết định của mình thật đúng đắn”. Con nói thế thì đỡ lo, nhưng thú thật tôi nhớ cháu lắm.
Vì đây là lần đầu tiên Quân xa nhà, xa vòng tay của ba mẹ nên sợ cháu không chịu được sóng gió ở Trường Sa. Nhưng nghĩ cháu đi làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, viết tiếp truyền thống vẻ vang của cha ông nên tôi cũng an lòng. Ở nhà, tôi sẽ cố gắng làm tốt công tác hậu phương để cháu yên tâm công tác”.
Thượng tá Đào Duy Sơn tiếp tục câu chuyện của vợ: “Dù Quân có chậm việc học một thời gian nhưng bù lại cháu có điều kiện để rèn luyện thêm bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm, không ngại khó khăn gian khổ. Và đó sẽ là hành trang vững chắc để cháu làm chủ cuộc đời sau này”...
Nói về dự tính tương lai, Quân cho biết: "Sau khi hoàn thành nghĩa vụ em sẽ thi vào các trường trong Quân đội với mong muốn tiếp tục đi theo con đường binh nghiệp như ba. Giờ đây, Trường Sa Đông như trở thành máu thịt của em rồi. Sau này hết nghĩa vụ, em sẽ cố gắng bằng con đường học tập và mong muốn quay trở lại đảo, tiếp tục góp phần sức nhỏ bé của mình để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió".
Xuân Vương