Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng

  • 11:01, 03/01/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thời gian qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình đã chủ động, tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung điều tra, giải quyết các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; phối hợp với các cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố xét xử trong việc phát hiện, tham mưu xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Từ đó, tạo ra nhiều chuyển biến rõ nét trong nội dung công tác này, góp phần tháo gỡ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trên địa bàn.

Tập trung xác lập danh mục các vụ án thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo

Bám sát Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát, xác định các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, lập danh mục trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt đưa vào danh sách các vụ án Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo; đồng thời tích cực theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo kết quả quá trình thực hiện của các cơ quan, đơn vị để Thường trực Tỉnh ủy kịp thời cho ý kiến chỉ đạo.

Đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt 15 vụ án thuộc diện, trong đó tham nhũng 4 vụ, kinh tế 2 vụ. Thường trực Tỉnh ủy đã cho ý kiến chỉ đạo 6 vụ; yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra 4 vụ; kết quả xử lý hình sự 8 người; xử lý cán bộ, đảng viên bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng 4 trường hợp, cách chức 4 người.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngay từ khi mới thành lập đi vào hoạt động (năm 2013), Ban Nội chính Tỉnh ủy đã quan tâm triển khai thực hiện; trong năm đã cử 1 đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy tham gia đoàn giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy (khóa XIV) về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2006 - 2012. Từ đó đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã cử tổng cộng 17 lượt cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đặc biệt, đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, căn cứ Điều lệ Đảng và Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 30-7-2007 của BCH Trung ương Đảng về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2015 - 2020, trên cơ sở thực tiễn công tác nội chính và phòng chống tham nhũng của tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh uỷ đã đề xuất 2 nội dung kiểm tra, 3 nội dung giám sát để Tỉnh uỷ ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trên cơ sở Chương trình kiểm tra, giám sát của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát các năm 2016, 2017.

 Đoàn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2016 họp triển khai kế hoạch.
Đoàn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2016 họp triển khai kế hoạch.

Sau khi có Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW, ngày 16-4-2015 của Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, thời gian từ 1-1-2011 - 31-12-2014. Thực hiện Công văn số 331-CV/BNCTW, ngày 9-6-2016 của Ban Nội chính Trung ương về việc thực hiện Kết luận Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội các năm 2015, 2016.

Qua hai đợt rà soát, tuy không phát hiện thấy các sai phạm về kinh tế, tham nhũng, nhưng, từ những tồn tại, vướng mắc phát hiện qua công tác rà soát, đoàn rà soát đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức thanh tra tiến hành thanh tra các cơ quan, đơn vị có liên quan việc thực hiện các quy định của Thông tư số 01/2013/TT-TTCP, ngày 12-3-2013 của Thanh tra Chính phủ về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra; kiên quyết thu hồi số tiền sai phạm đã được kết luận nhưng chưa thu hồi được; kiến nghị UBND tỉnh ban hành chỉ thị về tăng cường, nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo và thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.

Nhìn chung, các đợt rà soát đã có tác động tích cực đến hoạt động của ngành Thanh tra tỉnh Quảng Bình, công tác thanh tra đã có chuyển biến rõ nét, các quy định về pháp luật thanh tra được tuân thủ nghiêm túc; đặc biệt, ý thức trong công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra của các cấp chính quyền, ngành thanh tra đã được nâng lên. Các đoàn thanh tra đã chú trọng đến việc đánh giá các sai phạm, xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm để chuyển cơ quan điều tra, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Năm 2016 đến 31-3-2017, ngành Thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra 4 vụ; trong đó, đã khởi tố về hình sự 1 vụ (vụ giải quyết đơn tố cáo tại Trường mầm non xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy: khởi tố hình sự 2 đối tượng gồm hiệu trưởng và kế toán trường); đang trong quá trình điều tra 1 vụ (vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai tại UBND xã Phúc Trạch huyện Bố Trạch).

Chú trọng xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo

Công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo được Ban Nội chính Tỉnh ủy xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Từ khi thành lập (năm 2013) đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tiếp nhận 1.079 đơn, trong đó 860 đơn (chiếm 79,7%) do Thường trực Tỉnh ủy chuyển, giao Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu xử lý. Trong đó, đơn thư có nội dung liên quan đến tham nhũng, trong kỳ báo cáo, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp nhận, xử lý 17 đơn.

Đơn thư tiếp nhận được kịp thời nghiên cứu, phân loại, thẩm tra, xác minh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết; đồng thời thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền, rà soát ban hành các văn bản đôn đốc các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết.

Định kỳ hằng quý, thừa ủy quyền của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ trì giao ban các cơ quan tố tụng, thành lập tổ liên ngành để thẩm tra, xác minh, đánh giá, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy xử lý các tin báo, tố giác tội phạm, các vụ án, vụ việc còn có ý kiến khác nhau giữa các ngành. Sự phối hợp bảo đảm thường xuyên giữa các cơ quan đã phát huy được hiệu quả trong công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Nhằm tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, đặc biệt trong phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm, tội phạm kinh tế, lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động tổ chức đoàn công tác làm việc với các cơ quan trong khối Nội chính, cấp ủy các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh.

Qua theo dõi, nắm tình hình, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã có các văn bản yêu cầu cấp ủy đảng một số địa phương chỉ đạo xử lý những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, như: Vụ việc liên quan đến cán bộ chính sách xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) tiêu cực trong việc chi trả tiền mai táng phí và một số chế độ, chính sách khác, Công an huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội tham ô tài sản; vụ liên quan đến việc tuyển dụng viên chức năm 2013 tại huyện Minh Hóa...

Ngoài ra, qua một số đơn thư tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng có nội dung cụ thể phản ánh tiêu cực trong quản lý đất đai, trong xét tuyển viên chức, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chuyển đơn, yêu cầu các cấp ủy chỉ đạo xem xét, làm rõ.

Trong tháng 8-2017, Đoàn công tác số 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình và các cơ quan: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Huyện ủy Bố Trạch để  kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Quảng Bình. Qua kiểm tra, giám sát, đoàn công tác đáng giá rất cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án của Quảng Bình.

Tuy nhiên, công tác tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của Ban Nội chính Tỉnh ủy thời gian qua còn có những tồn tại, vướng mắc.

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp nhưng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng hiện nay là Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát còn vướng mắc, đặc biệt là trách nhiệm pháp lý chưa cụ thể, rõ ràng; nguyên tắc hoạt động chưa thật sự chủ động, độc lập, dẫn đến thiếu tính khách quan, chưa có tính chuyên nghiệp; sự phối hợp chưa hiệu quả nên công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm, tội phạm kinh tế rất khó khăn. Tổ chức, bộ máy cho Ban Nội chính Tỉnh ủy hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ được giao; chế độ, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật liên quan đến khởi tố, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng còn thiếu, chưa đồng bộ dẫn đến cách hiểu, vận dụng giữa các cơ quan có chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm, tội phạm kinh tế có sự khác nhau; chưa có cơ chế hữu hiệu ngăn chặn sự tác động tiêu cực vào quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm, tội phạm kinh tế; chưa có cơ chế giám sát, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập và qui định về trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn khi kê khai tài sản, thu nhập.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới, đề nghị Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng phù hợp hơn với thực tiễn; trong đó, cần có các quy định nhằm ngăn chặn việc bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, tẩu tán tài sản tham nhũng đối với các trường hợp cán bộ, đảng viên có dấu hiệu phạm tội tham nhũng; làm rõ cụm từ: “dư luận xã hội quan tâm” để thống nhất áp dụng trong thực tiễn; tách nội dung bảo vệ chính trị nội bộ ra khỏi chỉ thị để bảo đảm nội dung tập trung về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án.

Về tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Tỉnh ủy, cần có quy định cho phép thành lập thêm 1 phòng nghiệp vụ theo dõi các vụ việc, vụ án, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; có chính sách đặc thù, hợp lý để động viên, khuyến khích lực lượng cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, nghiên cứu, áp dụng mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm, tính độc lập tương đối trong thực hiện nhiệm vụ.

Trước mắt, kiện toàn về tổ chức bộ máy và quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể về phòng, chống tham nhũng của các cơ quan nội chính để hoạt động; củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tăng cường phương tiện làm việc của các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả về công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.

Trần Hải Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy

 

tin liên quan

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính

(QBĐT) - Ngày 28-12-2017, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ký Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở

(QBĐT) - Năm 2017, thị xã Ba Đồn đã phát huy có hiệu quả vai trò của cấp uỷ các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS). Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Quảng Ninh: Năm 2017, kết nạp 16 đảng viên là người dân tộc Vân Kiều
Quảng Ninh: Năm 2017, kết nạp 16 đảng viên là người dân tộc Vân Kiều

(QBĐT) - Năm qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên; trong đó đặc biệt quan tâm quản lý đảng viên ở chi bộ cả về số lượng và chất lượng...