Đại biểu Quốc hội: Cần những giải pháp quyết liệt trong thi hành án

  • 09:10, 29/10/2016
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Ngày 28-10, bên hành lang Quốc hội, thảo luận về công tác tư pháp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa kết quả thi hành án.

>> Quốc hội nghe báo cáo về phòng chống tham nhũng và tội phạm

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại Phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và phi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống, chống tham nhũng. (Nguồn: TTXVN)
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại Phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và phi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống, chống tham nhũng. (Nguồn: TTXVN)

Đánh giá về kết quả thi hành án trong thời gian qua, đại biểu Hoàng Thu Trang (Nghệ An) cho biết năm 2016, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt trong việc thi hành án dân sự nên đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao, đảm bảo quy định của pháp luật; đội ngũ cán bộ thi hành án đã được tăng cường, kỷ luật, kỷ cương được đảm bảo.

Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự vẫn còn nhiều hạn chế, theo đại biểu, cần nhìn nhận thẳng thắn vấn đề này để có những giải pháp xử lý hiệu quả. Việc còn tồn đọng một số lượng án lớn, đại biểu Hoàng Thu Trang đánh giá do nhiều nguyên nhân nhưng có 3 khó khăn quan trọng gây cản trở đến công tác thi hành án.

Theo đại biểu, nghĩa vụ thi hành án rất lớn, nhưng tài sản đảm bảo thi hành án lại rất ít, đặc biệt là trong các vụ án liên quan đến kinh tế, tham nhũng. Trong quá trình điều tra, xét xử, các cơ quan tố tụng chưa chú trọng vào việc kê biên tài sản, phong tỏa tài sản nên dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án không có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, kết quả thi hành án của những vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng rất thấp chỉ đạt khoảng 24% và được coi là điểm nghẽn của năm 2016, đại biểu nêu.

Để công tác thi hành án đạt kết quả cao hơn, thời gian tới, đại biểu Hoàng Thu Trang thấy rằng cần phải đưa ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ, rõ ràng và quyết liệt hơn nữa. Đại biểu đề xuất Chính phủ cần ra soát lại các thể chế quy định xử lý pháp luật về tài sản thi hành án trong Luật thi hành án dân sự, Luật bán đấu giá tài sản và Luật ngân hàng; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và cấp ủy chính quyền địa phương; rà soát lại công tác tổ chức cán bộ để tạo sự cân đối về chất và số lượng giữa cán bộ thi hành án và cán bộ xét xử.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đánh giá công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua đạt tỷ lệ rất thấp.

Theo đại biểu Lê Công Nhường, công tác thi hành án cần cải tiến nhiều hơn nữa; đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và áp dụng công nghệ thông tin khi triển khai thi hành các vụ án lớn.

Đại biểu Lê Thanh Hiền (Nghệ An) băn khoăn về thực trạng thi hành án hiện nay trong các vụ án với số tiền tham nhũng rất lớn, có vụ lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng khi thi hành án chỉ thu hồi được một phần nhỏ số tiền tham nhũng trả lại cho ngân sách.

Đại biểu mong muốn trong thời gian tới, công tác thi hành án, đặc biệt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng có những biện pháp hữu hiệu hơn, quyết liệt hơn qua đó góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Theo Tùng-Bình (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Đẩy mạnh phát triển công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước
Đẩy mạnh phát triển công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước

(QBĐT) - Công đoàn cơ sở là tổ chức có vị trí, vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, hiện nay việc vận động thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn đang gặp không ít khó khăn và thách thức.

Cơ quan nào gây oan sai phải chịu trách nhiệm bồi thường
Cơ quan nào gây oan sai phải chịu trách nhiệm bồi thường

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 27-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh hội kiến Tổng Thư ký LHQ
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh hội kiến Tổng Thư ký LHQ

Ngày 27-10, tiếp tục chuyến thăm Hoa Kỳ, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đã tới thăm Trụ sở Liên Hợp quốc tại thành phố New York và hội kiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.