Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân

  • 08:01, 14/01/2016
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Cùng với việc lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Lệ Thủy đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định tầm quan trọng đặc biệt của công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Huyện ủy, UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Thông báo số 130-TB/TW ngày 10-1-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Tiếp công dân... và ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, cơ sở tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung liên quan về khiếu nại, tố cáo đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Kịp thời kiện toàn Ban Tiếp công dân của huyện; ban hành nội quy, quy chế tổ chức tiếp công dân và các quy định về trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân. Định kỳ, Thường trực HĐND, UBND huyện tổ chức tiếp công dân mỗi tháng 2 lần, Ban Tiếp công dân thực hiện việc tiếp dân thường xuyên vào các ngày trong tuần và phân công cán bộ trực tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Sau mỗi kỳ tiếp công dân, nhận đơn thư, Huyện ủy, UBND huyện có thông báo kết luận và chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết và trả lời cho công dân.

Qua nghiên cứu nội dung phản ánh hoặc đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, khi phát hiện có dấu hiện vi phạm, cấp ủy, chính quyền đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để tiến hành thẩm tra, xác minh; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm như: xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện chế độ chính sách xã hội, quản lý, sử dụng tài sản công gắn với thực thi chức trách công vụ đối với một số lĩnh vực mà dư luận quan tâm nên đã góp phần hạn chế phát sinh khiếu kiện mới.

Trong 5 năm qua, các cơ quan hành chính Nhà nước của huyện đã tiếp gần 600 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 9 lượt tiếp đông người với 131 người; tiếp nhận 580 đơn thư với nội dung phản ánh, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, chế độ chính sách xã hội, kinh tế tập thể, bồi thường giải phóng mặt bằng, việc thi hành công vụ, phẩm chất của cán bộ, công chức và một số lĩnh vực khác; trong đó 365 đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, tỷ lệ giải quyết đạt trên 96%.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi và giảm trừ vào giá trị thanh quyết toán với số tiền trên 2,2 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân sai phạm; kiến nghị đưa ra khỏi Hội Cựu Thanh niên xung phong 34 trường hợp không đúng quy định, cắt hưởng chế độ chất độc hóa học 2 trường hợp, xử lý hành chính 11 trường hợp; chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 1 vụ với 1 đối tượng.

Huyện ủy, UBND huyện đã thường xuyên nắm chắc tình hình, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý kịp thời và trực tiếp đối thoại với công dân, giải quyết có hiệu quả các trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người như: vụ việc bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn đi qua địa bàn xã Hưng Thủy, Sen Thủy; các hộ tiểu thương chợ Tréo tụ tập đông người và kéo đến trụ sở UBND huyện nhằm gây áp lực với chính quyền trong việc chuyển từ chợ tạm vào chợ mới, vấn đề xây dựng nông thôn mới ở xã Phong Thủy, Tân Thủy...

Nhìn chung, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện Lệ Thủy thời gian qua đảm bảo đúng quy định pháp luật, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; các đơn thư được xem xét thấu tình đạt lý, nhiều vụ việc xảy ra được giải quyết ngay từ cơ sở. Vì vậy, những năm qua huyện Lệ Thủy không để xảy ra những điểm “nóng” về khiếu kiện phức tạp, đơn thư vượt cấp giảm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được đáng ghi nhận, thực tế công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp vẫn còn diễn ra; đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số cơ sở có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân về năng lực điều hành, chỉ đạo của hệ thống chính quyền cơ sở.

Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều, song chủ yếu do cấp ủy, chính quyền một số cơ sở chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa đi sâu nắm bắt, tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc và giải quyết triệt để vấn đề khi mới phát sinh, chưa thật sự làm tròn chức trách, nhiệm vụ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; một số vụ việc giải quyết còn thiếu tính thuyết phục, chưa tạo được sự đồng thuận của công dân; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; một số đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, lợi dụng dân chủ hoặc do lợi ích cá nhân cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài; có người còn có thái độ gay gắt, cực đoan, có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội...

Từ kết quả và những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua trên địa bàn huyện Lệ Thủy cho thấy, để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất là, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền trong chỉ đạo, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; cấp uỷ, chính quyền phải có kế hoạch, chương trình cụ thể, đồng thời phải có phân công trách nhiệm một cách rõ ràng để chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.

Thứ hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... gắn với đẩy mạnh làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng làm tốt công tác hoà giải tại cơ sở khi có tranh chấp mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân.

Thứ ba là, đẩy mạnh làm tốt công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi trọng và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và các cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư cùng phối hợp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời giải quyết các điểm nóng mới phát sinh ngay từ cơ sở nhằm ngăn ngừa có hiệu quả các mâu thuẫn phát sinh gây mất đoàn kết dẫn đến đơn thư khiếu kiện.

Thứ tư là, tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của đội ngũ cán bộ chuyên trách gắn với đánh giá trách nhiệm, hiệu quả trong công tác chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cấp uỷ, chính quyền cấp cơ sở, nhất là những đơn vị, cơ sở để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp, đồng thời xem xét xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ năm là, các đơn vị, cơ sở cần bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm làm công tác tiếp dân, cần tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Các vụ việc phức tạp, lãnh đạo địa phương, cơ sở cần trực tiếp lắng nghe ý kiến và chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tăng cường tiếp xúc với công dân nhằm tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh khiếu nại, tố cáo gắn với  làm tốt việc thu thập chứng cứ, tài liệu làm căn cứ cho việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Thứ sáu là, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo gắn với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo đang đặt ra những vấn đề hết sức phức tạp, số lượng đơn thư cũng như tính chất phức tạp của một số vụ việc nếu giải quyết không kịp thời, hiệu quả rất dễ phát sinh thành “điểm nóng”.

Vì vậy, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một cách toàn diện, có hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện Lệ Thủy đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Nguyễn Quang Năm, Bí thư Huyện uỷ Lệ Thủy
 

tin liên quan

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc bay ra đá Chữ Thập
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc bay ra đá Chữ Thập
Ngày 12-1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước nội dung phát biểu Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11-1-2016 liên quan đến việc tàu bay Trung Quốc bay ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng tiếp tục thảo luận về nhân sự
Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng tiếp tục thảo luận về nhân sự

Ngày 12-1-2016, ngày làm việc thứ hai Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Trung ương làm việc tại tổ.

Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND
Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND

(QBĐT) - Những năm qua, HĐND các cấp đã phát huy vai trò, vị trí của mình, khẳng định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, ngày càng được cử tri gửi gắm niềm tin, kỳ vọng.