(QBĐT) - Sau ngày UBTVQH khóa XI công bố ngày bầu cử Quốc hội khóa XII vào ngày 20-5-2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ cốt cán toàn tỉnh để quán triệt chủ trương lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XII trên địa bàn toàn tỉnh. Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và lịch trình cụ thể về nội dung và thời gian thực hiện hiệp thương bầu cử qua 5 bước theo quy định.
Qua các hội nghị hiệp thương, danh sách bầu cử chính thức gồm có 8 ứng cử viên ở địa phương và 2 ứng cử viên do trung ương giới thiệu. Tổng số ứng viên tại Quảng Bình là 10 vị và được phân bổ về cho hai đơn vị bầu cử trên địa bàn tỉnh, mỗi đơn vị bầu cử là 5 ứng cử viên.
Ngày 20-5-2007, nhân dân Quảng Bình bước vào ngày hội lớn, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Nhân dân hồ hởi, phấn khởi, cử tri tích cực đi bỏ phiếu sớm đã tạo nên bầu không khí sôi nổi, vui tươi trong ngày bầu cử. Tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 99,62%.
Kết quả bầu cử ĐBQH khóa XII trúng cử trên toàn quốc có 493 đại biểu. Tại Quảng Bình, có 6 đại biểu trúng cử và được UBTVQH phê chuẩn gồm các ông, bà:
1. Lương Ngọc Bính
2. Hà Hùng Cường
3. Nguyễn Văn Pha
4. Nguyễn Quốc Trị
5. Nguyễn Văn Nhượng
6. Nguyễn Thị Minh Lợi.
Tại kỳ họp thứ nhất Đoàn ĐBQH tỉnh đã bầu ông Lương Ngọc Bính, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn và đại biểu Nguyễn Văn Nhượng làm Phó Trưởng đoàn chuyên trách và được UBTVQH phê chuẩn.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình có 4/6 đại biểu được bầu vào các Ủy ban của Quốc hội gồm các ông bà:
1. Lương Ngọc Bính - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
2. Nguyễn Văn Nhượng - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
3. Nguyễn Văn Pha - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
4. Nguyễn Thị Minh Lợi - Ủy viên Ủy ban KH và CN và Môi trường của Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII, ông Hà Hùng Cường - Đoàn ĐBQH Quảng Bình được phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
 |
Đồng chí Trần Công Thuật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa XI tặng hoa, chúc mừng Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XII. |
Quốc hội khóa XII được cử tri cả nước bầu ra và hoạt động trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn thách thức. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, tăng cường đoàn kết dân tộc. Những thành tựu của quá trình đổi mới đã đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng KT-XH kéo dài nhiều năm, chính trị xã hội ổn định; uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao, tạo nền tảng đẩy mạnh một bước CNH, HĐH đất nước.
Trong điều kiện thời gian hoạt động ngắn hơn do rút ngắn một năm (từ 5 năm xuống 4 năm) để phù hợp với nhiệm kỳ Đại hội Đảng và nhiệm kỳ HĐND các cấp, đòi hỏi phải thống nhất ý chí, thống nhất hành động, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động đối ngoại, cải tiến mạnh mẽ phương thức làm việc, tăng cường phối hợp công tác, góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, trong các kỳ họp của Quốc hội, các đại biểu đã chỉ ra một vài khó khăn của người nông dân hiện nay như: giá cả vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tăng cao trong khi đó giá nông sản lại thấp, tiêu thụ khó khăn, hiệu quả sản xuất thấp... Cơ sở hạ tầng các vùng nông thôn đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn thiếu đồng bộ, lại bị xuống cấp hoặc hư hại nặng nề do thiên tai, bão lụt, do chất lượng thi công các công trình không bảo đảm, nên rất khó khăn cho việc đi lại, cho việc học hành, chữa bệnh, phòng tránh thiên tai, tiêu thụ hàng hóa nông sản. Hiện tại, đội ngũ cán bộ y tế, bác sỹ ở nhiều địa phương còn thiếu cả về số lượng và yếu tố chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ bác sỹ có trình độ đại học và trên đại học.
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng luôn đề cao vai trò trách nhiệm, góp phần cùng với Quốc hội khóa XII nâng cao chất lượng trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, coi trọng các vấn đề KT-XH, ngân sách, tổ chức bộ máy Nhà nước. Các ĐBQH tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến thảo luận xem xét đề nghị của Chính phủ, thảo luận để Quốc hội ra Nghị quyết về ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời phấn đấu duy trì tăng trưởng hợp lý.
Trong nhiệm kỳ khóa XII, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia quyết định chủ trương đầu tư dự án Thủy điện Lai Châu và dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; xem xét thông qua các Nghị quyết về rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII; kéo dài nhiệm kỳ hoạt động của HĐND các cấp...
Nhìn chung, các ĐBQH tỉnh đã đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ để cùng với Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, tuân thủ quy trình chặt chẽ, phát huy dân chủ trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước được đặt ra trong nhiệm kỳ.
Nhìn chung, Quốc hội khóa XII là Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh xây dựng thể chế đất nước, tập trung quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Quán triệt tinh thần đó, với nhiệm kỳ 4 năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kế thừa và phát huy những truyền thống, những bài học kinh nghiệm của các khóa trước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục tham gia xây dựng lập pháp, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia cùng Quốc hội thông qua 67 luật, 13 Pháp lệnh và 7 Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực thực hiện chương trình xây dựng pháp luật do Quốc hội đề ra.
Tại các kỳ họp của Quốc hội, ở các phiên họp tổ cũng như các phiên họp toàn thể tập trung tại Hội trường, các ĐBQH tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình được đảm nhận, tích cực phát biểu, đóng góp ý kiến có chất lượng cả về mặt lý luận và thực tiễn vào những vấn đề mà dự án luật, Nghị quyết, Pháp lệnh được đặt ra, góp phần tích cực đổi mới quy trình lập pháp, cải tiến, nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh đã chỉ rõ một số vướng mắc cần tháo gỡ trong các hoạt động tố tụng như quyền của luật sư tham tranh tụng trong các giai đoạn tố tụng hình sự, nhất là điều tra và truy tố còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Hay là hầu hết các Hội thẩm nhân dân cũng không làm được nhiệm vụ là sợi dây nối giữa Tòa án với nhân dân. Hầu hết các Hội thẩm nhân dân cũng chỉ làm một việc là tham gia xét xử ở toà án. Còn việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật cho nhân dân nhất là nhân dân ở nơi cư trú thì rất ít người làm được.
P.V (lược trích)
(Còn nữa)