![]() |
QUẢNG BÌNH CÓ DIỆN TÍCH RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP CHIẾM GẦN 82% DIỆN TÍCH TỰ NHIÊN, ĐỘ CHE PHỦ RỪNG ĐẠT 68,69%, LIÊN TỤC NHIỀU NĂM ĐỨNG THỨ HAI TOÀN QUỐC. VỚI DIỆN TÍCH RỪNG LỚN, QUẢNG BÌNH ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ LÀ MỘT TRONG NHỮNG “BỂ CHỨA” CARBON RỪNG CỦA CẢ NƯỚC. ĐÂY KHÔNG CHỈ LÀ CƠ HỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÂM NGHIỆP MÀ CÒN GÓP PHẦN TĂNG CƯỜNG VIỆC QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG BỀN VỮNG.
![]() |
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh được tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, ngày 28/12/2022 của Chính phủ. Vừa qua, với hơn 2,8 triệu tấn CO2 chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới (WB), Quảng Bình được phân bổ 80% kinh phí từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) với trên 235 tỷ đồng.
![]() |
Giai đoạn 2023-2024, tỉnh đã phân bổ hơn 182 tỷ đồng cho các đối tượng hưởng lợi, gồm: Các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, các công ty lâm nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng tự nhiên thực hiện các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chi trả kinh phí từ nguồn ERPA cho các đối tượng hưởng lợi với số tiền hơn 162 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch. Kinh phí còn lại sẽ tiếp tục chi trả trong năm 2024 và đưa vào kế hoạch tài chính năm 2025 để chi trả theo quy định.
Ông Đinh Chí Quyết, thôn Thanh Lâm, xã Hóa Thanh (Minh Hóa) chia sẻ: “Từ năm 2008, tôi được Nhà nước giao chăm sóc và bảo vệ hơn 1,7ha rừng thông qua tổ cộng đồng. Hàng tháng, tôi thường xuyên tham gia tuần tra bảo vệ rừng (BVR). Mới đây, tôi được nhận tiền hỗ trợ từ nguồn bán tín chỉ carbon. Tuy không nhiều nhưng đây là sự động viên rất lớn, khích lệ chúng tôi tiếp tục tích cực tham gia BVR”.
![]() |
Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong có diện tích hơn 22.132ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 90%. Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong Bạch Thanh Hải cho hay: “Trong 2 năm 2023-2024, ban được phân bổ khoảng 10 tỷ đồng từ nguồn ERPA. Trong đó, 10% nguồn kinh phí sẽ chi cho hoạt động quản lý, BVR; còn lại sẽ chi cho người dân tham gia BVR ở 6 bản thuộc 2 xã Kim Thủy và Lâm Thủy (Lệ Thủy) và hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng tham gia thỏa thuận quản lý BVR. Nguồn hỗ trợ này sẽ góp phần cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân sẽ giảm áp lực vào rừng và sẽ có trách nhiệm hơn trong việc BVR”.
![]() |
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Quốc Tuấn, Quảng Bình với hơn 590.000ha rừng, là tỉnh có tiềm năng lớn về giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng. Nguồn từ ERPA đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng tự nhiên đã có thêm nguồn kinh phí để quản lý BVR; việc triển khai thực hiện ERPA đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác quản lý BVR, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
![]() |
Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Văn Duẫn cho biết, kinh phí từ nguồn ERPA được phân bổ khá lớn cho các đơn vị chủ rừng trong tỉnh nhưng việc chi trả gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Nghị định số 107/2022/NĐ-CP quy định nguyên tắc “chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đã được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước theo các chính sách hiện hành thông qua các chương trình, dự án.
Nếu thực hiện theo quy định nêu trên thì sẽ có rất ít diện tích để thực hiện việc giao khoán BVR. Nghị định cũng quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư, trong khi đó, thực tế tại tỉnh ta diện tích rừng tự nhiên chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt-Lào là những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống. Do vậy, chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán BVR cho cộng đồng dân cư.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Quốc Tuấn, đối với các khó khăn, vướng mắc trong việc chi trả từ nguồn ERPA, sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT, đồng thời, chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổng hợp, báo cáo gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và đoàn công tác đánh giá giữa kỳ ERPA của WB nhằm có giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh hoặc làm cơ sở ban hành chính sách mới phù hợp với thực tế khi kết thúc giai đoạn thí điểm.
![]() |
Phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý, thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thu nhập của người dân tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng.
Để tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường carbon rừng, các ngành, địa phương phải tăng cường bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng tự nhiên theo hướng nâng cao chất lượng rừng; triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch của chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, gắn với xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
![]() |
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch điều tra rừng tỉnh Quảng Bình, trong đó tập trung nội dung tổ chức điều tra sinh khối và trữ lượng carbon rừng theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT nhằm xác định được tổng trữ lượng sinh khối và trữ lượng carbon rừng cho từng kiểu trạng thái rừng và toàn bộ các hệ sinh thái rừng, phục vụ công tác quản lý rừng, tạo cơ sở dữ liệu để khai thác tiềm năng tín chỉ carbon rừng trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương để xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu đóng góp do quốc gia tự quyết định để làm cơ sở cho các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon rừng với các đối tác quốc tế; quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, từng bước hạn chế tình trạng mất rừng, suy thoái rừng; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và tính bền vững của rừng trồng…
![]() |
![]() |
Nội dung và ảnh: LAN CHI
Thiết kế & đồ họa: HẢI PHƯỢNG