.

"Chìa khóa" nâng tầm nông sản

HƯỚNG ĐẾN NỀN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG, ĐA GIÁ TRỊ,

CÙNG VỚI VIỆC TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM

NÔNG NGHIỆP LỢI THẾ CỦA TỪNG VÙNG, TỪNG ĐỊA PHƯƠNG,

QUẢNG BÌNH CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

CÁC NHÃN HIỆU TẬP THỂ (NHTT), NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN

(NHCN) TRONG ĐÓ CÓ SỬ DỤNG TÊN ĐỊA DANH TRÊN ĐỊA BÀN

TỈNH-ĐÂY ĐƯỢC XEM LÀ “CHÌA KHÓA” ĐỂ “ĐỊNH DANH”

VÀ NÂNG TẦM GIÁ TRỊ NÔNG SẢN…

Đầu năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) có quyết định công nhận NHCN “bưởi Tuyên Hóa” cho 12 xã, thị trấn của huyện, gồm: Lâm Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch, Hương Hóa, Kim Hóa, Lê Hóa, Thuận Hóa, Sơn Hóa, Đồng Hóa, Thạch Hóa, Đức Hóa và thị trấn Đồng Lê.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Phạm Anh Minh: Nhằm đánh thức lợi thế vùng gò đồi, từ năm 2019-2020 huyện đã hỗ trợ mô hình liên kết chuỗi giá trị cây có múi cho 3 xã Sơn Hóa, Kim Hóa, Hương Hóa. Riêng với cây bưởi, trăn trở của huyện vẫn là chưa có nhãn hiệu để quảng bá danh tiếng cũng như khẳng định chất lượng sản phẩm, bởi lâu nay, người tiêu dùng biết đến bưởi Tuyên Hóa chủ yếu thông qua người thân giới thiệu hoặc qua các chuyến công tác đến địa phương.

Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, huyện đã triển khai thực hiện nhiệm vụ tạo lập, quản lý và phát triển NHCN “bưởi Tuyên Hóa” nhằm tạo cơ sở pháp lý, bảo vệ giá trị đồng thời không làm mất đi tính đặc trưng của sản phẩm.

“Bưởi Tuyên Hóa” là NHCN thứ 3 mà huyện xây dựng thành công sau “mật ong Tuyên Hóa” và “gà đồi Tuyên Hóa”. “Hiện, huyện đang hỗ trợ tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh bưởi xã Sơn Hóa với 11 hộ liên kết xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc để đơn vị này đủ điều kiện được cấp quyền sử dụng NHCN “bưởi Tuyên Hóa”; triển khai các bước xây dựng cơ sở dữ liệu và xây dựng website nhằm phát triển NHCN, phát triển thương hiệu sản phẩm trên thị trường”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phạm Anh Minh cho biết thêm.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc xây dựng NHCN, NHTT cho các sản phẩm nông sản chủ lực luôn được chú trọng. Quảng Bình hiện có 22 NHTT, NHCN đã được cấp (18 NHTT, 4 NHCN); trong đó có 15 NHTT, NHCN có sử dụng tên địa danh trên địa bàn tỉnh. Đó đều là các sản phẩm nổi tiếng, sử dụng tên địa danh gắn liền với từng làng quê, từng vùng đất của Quảng Bình, như: Khoai deo Hải Ninh, nước mắm Nhân Nam, nước mắm Đồng Hới, nón lá Ba Đồn, mây xiên Quảng Phương, bánh mè xát Tân An, gạo Lệ Thủy, gạo Vĩnh Tuy...

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trung Đỗ Văn Nam chia sẻ: Yếu tố thổ nhưỡng đặc biệt nhờ phù sa của sông Long Đại bồi đắp đã làm nên hạt gạo Vĩnh Tuy với hạt gạo trắng đều, chất lượng thơm ngon, trở thành thương hiệu “có tiếng” trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, phải đến năm 2020 khi “gạo Vĩnh Tuy” được cấp bằng NHTT thì sản phẩm mới thực sự “danh chính, ngôn thuận” có mặt tại các cửa hàng nông sản sạch và tham gia nhiều hội chợ trong, ngoài tỉnh. Cùng với việc được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, giá trị sản phẩm gạo Vĩnh Tuy được tăng lên đáng kể. HTX cũng luôn chú trọng quản lý tốt NHTT nhằm kiểm soát chất lượng, bảo vệ tên tuổi và thương hiệu sản phẩm…

Để triển khai hiệu quả việc xây dựng, quản lý, phát triển NHTT, NHCN, Sở KH-CN đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định nhiệm vụ xây dựng NHTT, NHCN đối với sản phẩm nông sản tiêu biểu của các địa phương; tham mưu UBND tỉnh cho phép các đơn vị sử dụng tên địa danh như “Ba Đồn”, “Tuyên Hóa”... để đăng ký NHTT, NHCN, đồng thời xác nhận bản đồ khu vực sản xuất các sản phẩm; hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ thiết bị sản xuất, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa...

Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN) Lê Văn Lập chia sẻ: Các đơn vị được giao nhiệm vụ luôn chú trọng tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của NHTT, NHCN cũng như quyền và nghĩa vụ của các hộ sản xuất khi sử dụng nhãn hiệu. Việc xây dựng thành công NHTT, NHCN sẽ là động lực để các cơ sở mở rộng diện tích sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Anh Nguyễn Thanh Nam, thôn Kim Lũ 2, xã Kim Hóa cho biết, trước đây, bưởi Tuyên Hóa chủ yếu được tiêu thụ nhỏ lẻ ở các chợ với mức giá từ 18.000-20.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay, với việc xây dựng thành công NHCN, thị trường tiêu thụ bưởi Tuyên Hóa đã được mở rộng với giá bán tăng lên 35.000 đồng/kg. Các sản phẩm “lân cận” khác như mật ong Tuyên Hóa (30 hộ liên kết sản xuất), gà đồi Tuyên Hóa (27 hộ liên kết sản xuất) đều có giá trị gia tăng từ 25-30%, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của người nông dân.


“Điều dễ nhận thấy nhất sau khi được cấp NHTT đó chính là giá trị sản phẩm của gạo Vĩnh Tuy đã được tăng lên nhiều lần. Với 50 hộ tham gia liên kết sản xuất, HTX xuất ra thị trường khoảng10-15 tấn gạo sạch/năm với giá 22.000-25.000 đồng/kg trong khi mức giá tiêu thụ trước đó chỉ 14.000-15.000 đồng/kg. Nông dân chúng tôi vô cùng phấn khởi”, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trung Đỗ Văn Nam chia sẻ thêm.

A2-6.jpg

Xác định xây dựng, phát triển thành công nhãn hiệu sẽ giúp sản phẩm khẳng định được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường, tỉnh đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ; gắn công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)… Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg, ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí về sở hữu trí tuệ với các yêu cầu về giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, NHTT, NHCN, kiểu dáng... đóng vai trò quan trọng trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; trong đó các sản phẩm muốn đạt tiêu chuẩn OCOP từ 4 sao trở lên bắt buộc phải có nhãn hiệu đăng ký.

Quảng Bình hiện có 28 sản phẩm OCOP 4 sao, 140 sản phẩm OCOP 3 sao; có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống với hơn 8.200 cơ sở sản xuất; 390 HTX nông nghiệp và 572 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; chưa kể các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia... Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển nhãn hiệu mang tính cộng đồng. Hiện, một số sản phẩm đang tiếp tục được xây dựng hướng tới đăng ký thành công NHTT, NHCN, như: Ram Ba Đồn, hàu Quán Hàu, men riềng Quảng Long, mật ong Phong Nha…

Nội dung và ảnh: THANH HẢI

Thiết kế và đồ họa: HẢI PHƯỢNG